Đừng liên tục xin lỗi mà hãy nói những lời này để tự tin ở nơi công sở

Bảo Ngọc

(Dân trí) - Chuyên gia tư vấn cho rằng không nên nói lời xin lỗi vô nghĩa tại nơi công sở. Thay vào đó, hãy thử dùng những lời mà chuyên gia mách bạn.

Tuy nhiên, xin lỗi vô tội vạ có thể gây ra hiệu ứng phản tác dụng, đặc biệt là ở nơi làm việc. Điều đó có thể khiến người khác đánh giá thấp về bạn, khiến lòng tự trọng của bạn bị tổn thương. Thậm chí, những lời xin lỗi của bạn sẽ trở nên "rẻ mạt" trong tương lai.

Theo Patrice Williams Lindo, giám đốc điều hành của công ty tư vấn nghề nghiệp Career Nomad, cho rằng thói quen này có thể xuất phát từ những nơi làm việc không tốt. Đặc biệt, điều này lại phổ biến ở phụ nữ.

Đừng liên tục xin lỗi mà hãy nói những lời này để tự tin ở nơi công sở - 1

Đối với nhiều người, việc nói xin lỗi khi mắc sai lầm hay cả những tình huống không cần xin lỗi là thói quen hết sức bình thường (Ảnh: Getty).

Ngoài ra, cô còn cho rằng việc một người lạm dụng việc xin lỗi có thể xuất phát từ sự nghi ngờ về bản thân. Họ luôn nghĩ rằng mọi việc sai trái đều xuất phát từ bản thân, trong khi thực tế là lỗi chẳng phải của ai.

Chúng ta cần phải xem xét mọi tình huống, trường hợp nào nên xin lỗi và không nên xin lỗi. Dưới đây là 3 tình huống phổ biến mà bạn có thể lạm dụng lời xin lỗi. Hãy dùng những cụm từ khác để thay thế.

Gặp sự cố kỹ thuật

Làm việc từ xa trở nên phổ biến trong vài năm qua, mọi người sử dụng các thiết bị điện tử nhiều hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, những trục trặc về kỹ thuật vẫn có thể xảy ra, cho dù bạn có hiểu biết về công nghệ đến đâu. Và thường những sự cố bất trắc này không phải lỗi của bạn.

Đừng liên tục xin lỗi mà hãy nói những lời này để tự tin ở nơi công sở - 2

Những trục trặc về kỹ thuật thường nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn (Ảnh: Housing).

Ví dụ, khi một cuộc gọi họp video của bạn gặp trục trặc. Bạn cảm thấy phải xin lỗi vì làm mất quá nhiều thời gian để tải bản trình chiếu hay các thao tác trên máy tính bị lỗi.

Thay vì xin lỗi bởi những điều ngoài tầm kiểm soát của bạn, hãy sử dụng những cụm từ như "tôi đánh giá cao sự kiên nhẫn của bạn" và "cảm ơn bạn đã làm việc với tôi" để vượt qua sự khó xử, lấy lại tự tin tiếp tục cuộc họp.

Cần đưa ra ý kiến

Giả sử bạn đang tham dự một cuộc họp, đồng nghiệp đưa ra quan điểm và bạn muốn góp ý kiến của mình. Có thể bạn quyết định xen vào bằng cách nói: "Xin lỗi, tôi muốn góp ý". Trên thực tế, tình huống này bạn không cần phải xin lỗi.

Đừng liên tục xin lỗi mà hãy nói những lời này để tự tin ở nơi công sở - 3

Đưa ra góp ý trong cuộc họp không nhất thiết phải thêm câu xin lỗi (Ảnh: Toppan).

"Nếu bạn có thông tin để thêm vào cuộc trò chuyện hoặc đưa ra một quan điểm đối lập, điều đó hoàn toàn bình thường. Mọi người sử dụng "Tôi xin lỗi" trong những tình huống này để xen vào cuộc trò chuyện là điều hoàn toàn không cần thiết", Lindo chia sẻ.

Thay vì xin lỗi, hãy sử dụng các cụm từ như: "Tôi muốn đóng góp thêm", "tôi nghĩ vậy" hoặc "tôi có ý kiến khác". Những cụm từ này sẽ giúp bạn đóng góp ý kiến mà không tỏ ra sợ hãi hay e dè.

Hãy đánh giá tình huống trước khi bạn nói bằng cách sử dụng phương pháp STAR (Tình huống, Nhiệm vụ, Hành động và Kết quả), phương pháp này có thể giúp bạn giảm bớt việc nói lời xin lỗi không cần thiết.

Giả sử bạn muốn bày tỏ quan điểm đối lập. Trước tiên, hãy xem xét tình huống và tự hỏi bản thân, đây có phải là thời điểm thích hợp không, tránh cắt lời đồng nghiệp một cách đường đột. Đồng thời, hãy nghĩ về kết quả bạn mong muốn đạt được sau cuộc họp để có thể tự tin đưa ra ý kiến.

Mắc lỗi

Đừng liên tục xin lỗi mà hãy nói những lời này để tự tin ở nơi công sở - 4

Lời xin lỗi khi bạn mắc sai lầm trong công việc tuy không sai nhưng đó không phải cách duy nhất (Ảnh: Business News Daily).

"Khi bạn làm sai điều gì đó, câu trả lời không nhất thiết phải là "Tôi xin lỗi". Thay vào đó, bạn có thể đề cập đến hướng những hành động bạn sẽ làm để giải quyết vấn đề", Lindo cho biết.

Vì thế, bạn có thể thay thế bằng:

"Cảm ơn bạn đã phản hồi".

"Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm".

"Tôi đánh giá cao việc bạn đã đưa ra lời góp ý và hãy cho tôi biết làm thế nào để tôi có thể cải thiện điều đó".

Vốn dĩ xin lỗi không phải là việc xấu, nhưng lý tưởng nhất là chỉ nói lời xin lỗi khi bạn thực sự thành ý. Hãy đảm bảo rằng trường hợp đó thực sự cần thiết để nói lời xin lỗi một cách chân thành.

Theo www.cnbc.com