"Mái ấm" của những thú cưng bị bỏ rơi tại Hà Nội

Phương Nga

(Dân trí) - Thành lập từ năm 2015, sau 6 năm hoạt động nhóm cứu hộ Hanoi Pet Adoption đã tiếp nhận khoảng hơn 5000 ca thú cưng bị bỏ rơi, đặc biệt có những chú chú cún được nhóm nuôi từ ngày đó đến hiện tại.

Nhóm cứu hộ Hanoi Pet Adoption (viết tắt là HPA) đã được lên ý tưởng xây dựng bởi hai bạn trẻ từ năm 2013, nhưng đến năm 2015 mới quyết định thành lập nhóm. Nhóm bao gồm những người trẻ tuổi cả trong và nước ngoài tham gia xuất phát từ tình yêu với chó, mèo. Hiện tại, HPA có 2 ngôi nhà chung tại quận Thanh Xuân và quận Từ Liêm.

Được biết, hoạt động của nhóm HPA cứu hộ chủ yếu trong phạm vi tại Hà Nội và các tỉnh thành lân cận. Đồng thời, nhóm cũng có một lượng nhỏ các tình nguyện viên ở thành phố Hồ Chí Minh cùng hỗ trợ trong khả năng.

Mái ấm của những thú cưng bị bỏ rơi tại Hà Nội - 1
Những chú chó bị bỏ rơi luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của các bạn tình nguyện viên.

Hành trình cứu trợ

Với tôn chỉ hoạt động của HPA, các bạn trẻ luôn nỗ lực hết mình với bất kỳ "bé" chó, mèo bị bỏ rơi, ốm yếu thậm chí là tật nguyền. Chị Nguyễn Lê Thùy Linh là thành viên đồng sáng lập nhóm chia sẻ: "Mỗi "bé", trong bất cứ hoàn cảnh nào đều có quyền hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Nhóm luôn cố gắng chăm sóc các "bé" tốt nhất có thể, phần nào đó bù đắp lại những tổn thương trong quá khứ".

Không chỉ hoạt động dựa trên tình yêu của các thành viên đối với thú cưng, HPA còn hướng đến việc thay đổi quan điểm và nâng cao nhận thức về phúc lợi của động vật. Thông qua mạng xã hội và các hoạt động thiện nguyện, các bạn trẻ của nhóm cứu hộ thể hiện tinh thần đẩy lùi việc tiêu thụ thịt chó, mèo, xây dựng một cộng đồng có trách nhiệm đối với vật nuôi trong gia đình.

Được biết, trong suốt 6 năm hoạt động HPA đã có khoảng hơn 80 thành viên chính thức, trong đó số tình nguyện viên cố định là hơn 10 người, tình nguyện viên người nước ngoài là 30 người. Để đáp ứng được số lượng công việc chăm sóc thú cưng, các thành viên trong nhóm phải hoạt động rất tích cực, năng nổ và chủ động. Ngoài hai thành viên sáng lập chịu trách nhiệm chung, các thành viên khác được chia thành nhóm nhỏ với nhiệm vụ riêng: nhóm tìm chủ, nhóm nhà chung, nhóm cứu hộ và nhóm vận chuyển.

Mái ấm của những thú cưng bị bỏ rơi tại Hà Nội - 2
Hanoi Pet Adoption là một trong số ít nhóm cứu hộ chó, mèo tại Hà Nội.

Chị Thùy Linh cho biết thêm: "Về việc chăm sóc thú cưng tại nhà chung sẽ có 2 thành viên làm việc full-time. Bên cạnh đó, các tình nguyện viên làm việc part-time sẽ hỗ trợ theo lịch phân công".

Ngoài ra, các tình nguyện viên nước ngoài sẽ giúp chăm sóc các thú cưng tạm thời đến khi tìm được người chủ lâu dài. Hàng ngày, các tình nguyện viên sẽ nấu cơm, làm thức ăn, rửa bát, dọn dẹp các chuồng, phòng. Đối với các thú cưng cần chăm sóc đặc biệt, tình nguyện viên sẽ bôi thuốc, vệ sinh hàng ngày giúp các "bé".

Nhắc đến yêu cầu khi làm việc tại 2 ngôi nhà chung của HPA, chị Thùy Linh cho hay: "Công việc yêu cầu tình nguyện viên phải giữ vệ sinh tốt, tuân thủ các yêu cầu chung đã đề ra để tránh lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm, nắm rõ khẩu phần ăn, sở thích của từng bé để có các điều chỉnh phù hợp".

Mái ấm của những thú cưng bị bỏ rơi tại Hà Nội - 3
Những chú chó khi được nhóm đón về ngôi nhà chung để chăm sóc.

Trong đợt dịch vừa qua, việc hạn chế trong đi lại và các quy định nghiêm ngặt trong giãn cách là một trở ngại lớn đối với nhóm. Do vậy, HPA chỉ tiếp nhận các trường hợp chăm sóc thú cưng giúp chủ nuôi trong thời gian đi cách ly.

Công việc xuất phát từ trái tim

"Tôi nghĩ nếu không có tình yêu với động vật thật sự sẽ khó làm được lâu dài", đây là khẳng định của chị Thùy Linh khi nói về công việc đặc biệt này. Những ngày đầu thành lập và đi vào hoạt động HPA gặp phải rất nhiều khó khăn, không chỉ về nguồn kinh phí duy trì nhóm eo hẹp mà số lượng thành viên cũng bị hạn chế.

"Nhiều thành viên cũng vấp phải sự phản đối gay gắt từ gia đình. Chi trả viện phí hàng tháng cũng là một bài toán nan giải. Tìm kiếm địa điểm thuê làm nhà chung có nhiều trục trặc, bị gây khó dễ. Nguồn nhân lực vô cùng hạn chế và không thể gắn bó lâu dài là những thử thách không thể nào quên của HPA khi đặt những viên gạch đầu tiên", chị Linh nhớ lại.

Mái ấm của những thú cưng bị bỏ rơi tại Hà Nội - 4
Các thú cưng bị bỏ rơi sẽ được HPA điều trị và phục hồi về thể chất, tinh thần. Sau đó được trao cho gia đình có nhu cầu nhận nuôi.

Tuy vậy, bằng tình yêu thương đặc biệt HPA đã dần trở thành ngôi nhà chung của hàng nghìn thú cưng bị bỏ rơi. Để đảm bảo môi trường tốt nhất, HPA liên kết với rất nhiều bác sĩ thú y và bệnh viện thú y tại Hà Nội. Khi các "bé" ở trong tình trạng sức khỏe xấu, cần chăm sóc đặc biệt, nhóm sẽ đưa đến viện hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ để có thể cứu chữa kịp thời và chẩn đoán bệnh chính xác nhất.

Đối với những trường hợp thú cưng bị chấn thương nặng về tâm lý, không tin tưởng hoặc sợ hãi đối với con người, nhóm cần thời gian dài để xây dựng lại lòng tin từ những việc đơn giản hàng ngày như: cho thú cưng ăn, nói chuyện với các "bé" hay đem nhiều đồ chơi để các bé vui vẻ, tạo không gian riêng tư, tự do, thoải mái,...

Mái ấm của những thú cưng bị bỏ rơi tại Hà Nội - 5
Quá trình khám, chữa bệnh cho thú cưng luôn được nhóm chú ý và xử lý kịp thời.

"Quá trình này cần rất nhiều thời gian và sự kiên nhẫn từ các thành viên và chủ nuôi tương lai. Thời gian phục hồi dài hay ngắn phụ thuộc vào sự kiên trì và yêu thương của mỗi người. Có bé có vết thương hở, hay cơ thể suy nhược, liệt chân, nhóm có thể mất hàng tháng trời để có thể giúp các bé phục hồi lại. Còn về tinh thần có thể sẽ mất cả năm", chị Linh chia sẻ.

Bên cạnh đó, HPA còn chủ động tham khảo ý kiến từ nhiều huấn luyện viên thú cưng, các bác sĩ thú y để đưa ra cách tiếp cận, chăm sóc phù hợp với từng trường hợp, giúp các "bé" tái hòa nhập môi trường sống nhanh hơn.

Mái ấm của những thú cưng bị bỏ rơi tại Hà Nội - 6
Không gian sống của thú cưng luôn đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng và gọn gàng.

Vất vả, khó khăn là vậy nhưng chị Thùy Linh và các thành viên trong nhóm luôn tìm thấy niềm vui trong công việc hiện tại. Đó là những ca cứu hộ thành công, và có nhiều "bé" được chủ mới nhận nuôi, được chăm sóc từ gia đình mới.

Từ những việc làm ý nghĩa suốt 6 năm qua, nhóm luôn nhận được sự động viên, hỗ trợ, giúp đỡ của rất nhiều người yêu động vật. Điều khiến nhóm HPA có thêm động lực là nhận thấy những câu chuyện ý nghĩa về động vật gần đây đã được lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng.

Mái ấm của những thú cưng bị bỏ rơi tại Hà Nội - 7
Khi được hỏi về câu chuyện ý nghĩa nhất, chị Thùy Linh xúc động khi nhớ về Happy - một chú cún ghẻ được HPA giải cứu ở Đông Anh (Hà Nội). Chị Linh cho hay: "Lần đầu gặp, Happy đang đi lang thang trong tình trạng suy kiệt, ghẻ nấm, bốc mùi. Sau khi được đưa về và chữa trị một thời gian dài với rất nhiều nỗ lực của bác sĩ thú y và nhóm, Happy được 2 bạn người nước ngoài nhận chăm sóc tạm thời".

Tuy nhiên, Happy vẫn không gặp may trong việc tìm gia đình mới. Vì vậy, 2 tình nguyện viên chăm sóc Happy đã quyết định cùng HPA gây quỹ để đưa bé về nước cùng họ. Hiện tại, Happy đang tận hưởng một cuộc sống rất vui vẻ và hạnh phúc tại Vương Quốc Anh.

Mái ấm của những thú cưng bị bỏ rơi tại Hà Nội - 8
Chú cún Happy hạnh phúc bên gia đình mới tại Vương Quốc Anh.

Nhờ hoạt động ý nghĩa, ngoài nhận được sự ủng hộ phần lớn từ cộng đồng, HPA còn nhận được sự tài trợ từ một số nhãn hàng trong lĩnh vực dành cho thú cưng như: ủng hộ thức ăn hạt, cát, đồ chơi hàng tháng để nhóm giảm bớt được gánh nặng tài chính.

Trong tương lai, HPA sẽ xây dựng nhiều chương trình, cuộc thi, chia sẻ câu chuyện ý nghĩa về động vật. Đồng thời, nhóm mong muốn sẽ sớm xây dựng được ngôi nhà chung khang trang, an toàn cho thú cưng. Với những hoạt động tích cực suốt 6 năm qua, HPA luôn cố gắng trở thành một tổ chức phi chính phủ với mục đích hoạt động vì phúc lợi dành cho chó mèo và động vật.