Bà mẹ ở Lào Cai vừa kinh doanh, chăm 3 con vừa làm vườn trĩu rau trái

Hương Thảo

(Dân trí) - Sau hơn một năm bén duyên với nghề "nông dân sân thượng", chị Tuất thấy cuộc sống vui vẻ, tích cực hơn.

Ấp ủ ước mơ có một khu vườn tại nhà từ lâu nhưng bao năm bận bịu cùng chồng lo toan việc kinh doanh, chăm ba con nhỏ, chị Bùi Thị Tuất (1982, Lào Cai) vẫn chưa thể thực hiện. Năm 2020, khi gia đình chuyển tới một căn nhà mới, chị quyết tâm cải tạo sân thượng để làm nơi trồng rau, củ sạch, cung cấp thực phẩm an toàn cho bữa ăn hàng ngày.

Bà mẹ ở Lào Cai vừa kinh doanh, chăm 3 con vừa làm vườn trĩu rau trái - 1
Chị Tuất tâm niệm, việc chăm lo sức khỏe cho gia đình là quan trọng nhất, trong đó cần đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, an toàn.
Bà mẹ ở Lào Cai vừa kinh doanh, chăm 3 con vừa làm vườn trĩu rau trái - 2
Chị cũng mong muốn có không gian xanh để giải tỏa bớt áp lực kinh doanh.

"Ngôi nhà này do chủ trước xây dựng nên không có thiết kế riêng cho khu vườn sân thượng. Khoảng trống trên sân thượng tầng ba chỉ khoảng chừng 40 - 45m2. Mình tự thiết kế lại, thuê thợ xây bồn xi măng, cẩu đất lên vườn", chị Tuất chia sẻ.

Chị chia vườn thành các góc trồng khác nhau, phù hợp với từng giống cây. Một góc, chị làm giàn trồng các cây dây leo như bầu, bí, mướp, dưa chuột, phía dưới trồng các loại rau ăn lá không cần nhiều ánh sáng như xà lách, rau thơm… Góc còn lại nhiều ánh nắng, thông thoáng, chị làm hệ thống kệ, chậu nhựa để trồng bắp cải, su hào, cà chua…

Bà mẹ ở Lào Cai vừa kinh doanh, chăm 3 con vừa làm vườn trĩu rau trái - 3
Chị Tuất làm các bồn bê tông vì chúng chắc chắn, lâu bền. Bồn được xây cách mặt trần khoảng 30 - 40cm để giảm bớt độ nặng và tránh ngấm nước.
Bà mẹ ở Lào Cai vừa kinh doanh, chăm 3 con vừa làm vườn trĩu rau trái - 4
Tại các bồn, chị thường ưu tiên trồng các loại cây ăn trái cần nhiều đất như bầu, bí, dưa leo…
Bà mẹ ở Lào Cai vừa kinh doanh, chăm 3 con vừa làm vườn trĩu rau trái - 5
Chị Tuất "mát tay" nên giàn cà chua sai quả, trái to, đẹp, rất ngon.
Bà mẹ ở Lào Cai vừa kinh doanh, chăm 3 con vừa làm vườn trĩu rau trái - 6
Những chậu cải xanh mướt.

Với hệ thống giàn: ban đầu chị thuê thợ hàn khung cố định. Còn với các thanh giàn, chị mua về tự lắp theo ý muốn. Các thanh này di động, có thể lắp cao, thấp, ngang, dọc, tùy theo nhu cầu.

Bà mẹ ở Lào Cai vừa kinh doanh, chăm 3 con vừa làm vườn trĩu rau trái - 7
Vốn là người thích sáng tạo nên chị Tuất cũng thường xuyên thử nghiệm các hệ thống giàn khác nhau, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Sau hơn 1 năm làm "nông dân sân thượng", chị Tuất chia sẻ: một trong những yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự thành công của khu vườn là cây giống. Ban đầu, chị thường mua cây giống đã ươm sẵn từ các vườn nhưng không phải lần nào cũng tìm được cây giống khỏe, ưng ý. Sau này, chị lên các hội nhóm học kinh nghiệm mọi người, tự mua hạt giống ngoại về ươm. "Mình thường ươm hạt trong giá thể tơi, xốp được trộn từ đất, xơ dừa đã xử lý, đá trân châu, phân trùn quế, phân dơi. Khi cây phát triển thì bổ sung thêm phân ủ từ cá", chị chia sẻ.

Bà mẹ ở Lào Cai vừa kinh doanh, chăm 3 con vừa làm vườn trĩu rau trái - 8
Chị Tuất tự ươm cây giống cho vườn.

Trước mỗi vụ gieo trồng, chị Tuất thường xử lý đất rất kĩ. Chị thường ủ đất cũ với bánh dầu, phân gà khoảng 1 tuần để diệt các loại vi khuẩn có hại, nấm bệnh, sau đó trộn thêm phân trùn quế để bổ sung dinh dưỡng. Nếu có thời gian và khi trời nắng, chị mang đất ra phơi khô.

Bà mẹ ở Lào Cai vừa kinh doanh, chăm 3 con vừa làm vườn trĩu rau trái - 9
Thời gian đầu, chị Tuất mua phân cá, phân trứng sữa từ bên ngoài để bón cho vườn, nhưng sau này, chị tỉ mỉ học cách làm để tự ủ tại nhà. Các loại rác nhà bếp cũng được chị tận dụng để ủ làm phân hữu cơ. "Lúc đầu không có kinh nghiệm nên rác bốc mùi hôi thối nồng nặc. Mình phải lên hội, nhóm nhờ các anh chị tư vấn gấp. Sau đó mình dùng thêm men ủ nên không còn mùi đáng sợ đó nữa", chị Tuất cho biết.
Bà mẹ ở Lào Cai vừa kinh doanh, chăm 3 con vừa làm vườn trĩu rau trái - 10
Để phòng sâu bệnh, chị Tuất dùng dung dịch tỏi, ớt, rượu hoặc thuốc lào ngâm nước sôi, đậy nắp kín 3 - 5 ngày, chắt lấy nước để hòa loãng, phun định kì hàng tuần. Việc xử lý đất kĩ càng sẽ giúp chị giảm bớt nguy cơ sâu bệnh cho cây.

Hàng ngày, chị Tuất đều dậy sớm, từ 5 giờ 30 - 6 giờ sáng để chuẩn bị cho các con, lên vườn tưới nước, bắt sâu, kiểm tra. Chiều muộn, chị lại tranh thủ khoảng 1 tiếng để lên chăm sóc vườn. "Trồng rau sân thượng tốn kém hơn mua rau ngoài chợ rất nhiều, từ công sức, thời gian tới chi phí. Thế nhưng bù lại, mình hạnh phúc khi thấy gia đình có bữa ăn ngon, an toàn; bản thân được thư giãn, sáng tạo theo ý thích", chị chia sẻ.

Bà mẹ ở Lào Cai vừa kinh doanh, chăm 3 con vừa làm vườn trĩu rau trái - 11
Chị trồng bầu Đài Loan quanh năm, do đây là món yêu thích của các con.

Hàng ngày, cậu bé út 4 tuổi thường xuyên theo mẹ lên vườn. Cậu bé thích thú chạm vào cây rau, quả dưa, hào hứng tưới cây, thu hoạch. "Gia đình ở thành phố nên không dễ kiếm không gian thiên nhiên cho các con trải nghiệm, khám phá. Khu vườn trở thành công viên tại nhà cho các bạn ấy vui chơi ngày cuối tuần luôn", chị Tuất nói.

Bà mẹ ở Lào Cai vừa kinh doanh, chăm 3 con vừa làm vườn trĩu rau trái - 12
Con trai thích thú lên vườn cùng chị chăm cây, thu hoạch.
Bà mẹ ở Lào Cai vừa kinh doanh, chăm 3 con vừa làm vườn trĩu rau trái - 13
Cây ớt sân thượng sai trái được chị Tuất khéo léo cắt cành, cắm thành bình hoa trang trí phòng khách.
Bà mẹ ở Lào Cai vừa kinh doanh, chăm 3 con vừa làm vườn trĩu rau trái - 14
Hàng ngày, chị đều thu hái rau xanh, củ quả để làm món ngon cho chồng và các con.

Sau hơn một năm bén duyên với nghề "nông dân sân thượng", chị Tuất thấy cuộc sống vui vẻ, tích cực hơn. Bản thân chị không chỉ được thư giãn sau giờ làm việc căng thẳng mà còn rèn luyện được tính kiên trí, nhẫn nại; có thêm những người bạn mới ở khắp muôn nơi…