Gửi con trai 7 tuổi, người mẹ trốn gia đình vào TPHCM làm thiện nguyện

Hương Thảo

(Dân trí) - Chỉ sau một đêm suy nghĩ, chị Giang quyết định gác lại công việc, gửi con trai cho em họ chăm sóc rồi lên đường vào TP HCM tham gia hoạt động thiện nguyện.

23h đêm, khi công việc đã xong xuôi, chị Hà Giang mới có thời gian mở những tấm hình của con trai để ngắm cho vơi bớt nỗi nhớ. Chị Giang không dám gọi vì sợ làm phiền giấc ngủ và cũng không muốn con lo lắng khi nhìn thấy hình ảnh mệt nhoài của mẹ.

Gần một tháng qua, chị Giang (đang sinh sống tại Hà Nội) gác lại công việc kinh doanh và gửi con trai cho em họ trông giúp. Chị một mình vào TP HCM tham gia nhóm thiện nguyện hỗ trợ người khó khăn trong mùa dịch Covid-19.

Công việc chính là điều phối, vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm tới khắp các khu phong tỏa, điểm cách ly ở TP HCM. Về khách sạn, chị tiếp tục cùng nhóm thống kê, lên danh sách những nơi bà con cần hỗ trợ cho ngày mai, thực hiện công việc xác minh đến 2-3h sáng.

Gửi con trai 7 tuổi, người mẹ trốn gia đình vào TPHCM làm thiện nguyện - 1
Chị Giang vào TP HCM tham gia các hoạt động thiện nguyện từ ngày 22/7 đến nay.

Quyết định trong đêm và 24h chuẩn bị

Chỉ sau một tối suy nghĩ, chị Giang quyết định lên đường vào Sài Gòn tham gia thiện nguyện. 2h sáng, chị Giang tâm sự với con về mục đích chuyến đi dài ngày này và hy vọng cậu bé có thể ngoan ngoãn ở lại với người thân. Con trai dù không muốn xa mẹ, cũng chưa hiểu hết được những khó khăn của chuyến đi, nhưng hứa sẽ ngoan và đợi mẹ về.

Sáng sớm hôm sau, chị đi làm xét nghiệm Covid-19, chuẩn bị một số giấy tờ. Ngay khi có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, chị đưa con gửi người em họ trông giúp rồi về nhà chuẩn bị hành trang lên đường.

18h tối, chị Giang dùng kéo cắt mái tóc dài để thuận tiện khi đi tham gia thiện nguyện. 20h, chị một mình xách đồ ra sân bay để đi vào vùng tâm dịch. "Mọi việc diễn ra chỉ trong đúng một ngày. Mình không dám nói với gia đình, sợ cả nhà lo lắng rồi tìm cách thuyết phục đừng đi. Khi vào tới Sài Gòn, mình mới gọi về thông báo", chị Giang nhớ lại.

Nghe tin chị "khăn gói" vào Sài Gòn giữa lúc dịch bệnh phức tạp nhất, nhiều bạn bè không hiểu hết quyết định này. Chị Giang thật lòng tâm sự, tại Sài Gòn, chị không có gia đình, người thân, không có bạn bè thân thiết. Nhưng khi đọc tin tức, thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn và lực lượng tuyến đầu căng mình chống dịch, chị mong muốn được lên đường và làm gì đó hỗ trợ Sài Gòn.

"Vào Sài Gòn, tôi làm việc cùng đội tình nguyện của ca sĩ Thái Thùy Linh, tìm hiểu tình hình cụ thể ở các quận để nắm được đúng đối tượng cần giúp đỡ và vạch ra kế hoạch chi tiết. Nhờ đó, tôi hiểu hơn tình hình và biết mình sẽ làm được gì. Tôi không phải đưa ra quyết định chóng vánh mà không có sự chuẩn bị", chị Giang cho biết.

Từ ngày 22/7 đến nay, chị tham gia hoạt động cùng nhóm thiện nguyện "Người Việt thương nhau". Bản thân chị là trợ lý của nhóm, mỗi ngày đảm nhận các công việc như: nhận hàng cứu trợ, thu thập thông tin những người cần giúp đỡ, xác minh, lên danh sách tiếp tế cho đến chở hàng, vận chuyển hàng.

Gửi con trai 7 tuổi, người mẹ trốn gia đình vào TPHCM làm thiện nguyện - 2
Chị Giang đảm nhận nhiều công việc khác nhau mỗi ngày.

Khi biết việc làm của chị Giang và nhóm, một người bạn đã cho mượn chiếc ô tô bán tải để tiện di chuyển. Với chiếc xe của người bạn, chị tới các điểm nhận hàng hóa, thực phẩm tự tay bốc xếp rồi dò Google Map đến những khu cách ly, phong tỏa để tặng người dân đang gặp khó khăn. Những ngày đầu, chưa quen với đường sá ở TP HCM, chị Giang chủ yếu đi theo bản đồ hiển thị trên điện thoại. Không ít lần người mẹ này lạc đường, đi nhầm vào khu vực đã bị phong tỏa, chốt chặn.

Có những ngày chị Giang vận chuyển hàng tiếp tế tới cả chục chuyến. Thậm chí, bộ đồ bảo hộ của chị ướt sũng vì mồ hôi, vành tai đau rát, nổi nhọt vì đeo khẩu trang liên tục.

"Khi nhìn thấy ánh mắt rạng rỡ của mọi người nhận nhu yếu phẩm, mình thấy trong lòng ấm áp lắm. Có người kịp nói cảm ơn, có người không, có người rơi nước mắt hoặc đơn giản là họ đứng từ xa nhìn ô tô đi khuất… Những hình ảnh đó là động lực cho mình và anh chị em trong nhóm", chị Giang tâm sự.

Có thêm năng lượng nhờ những cuộc điện thoại vội vã

Kết thúc công việc khi trời đã về khuya, chị Giang thường không dám gọi về cho con, cho gia đình vì sợ cả nhà mất ngủ. Chị thường tranh thủ lúc chờ nhận hay giao hàng để gọi về báo tình hình cho mẹ yên tâm.

Gần 1 tháng xa nhà, chị Giang nhớ con trai da diết nhưng ít dám gọi về vì sợ nhìn thấy con lại không kìm được nước mắt. Chị không muốn con chứng kiến hình ảnh yếu đuối của mẹ. Vì vậy, mỗi ngày, chị thường tự quay những clip ngắn và vui vẻ, gửi về cho con xem. Cậu bé cũng dùng điện thoại, tự quay clip nói lời động viên mẹ.

Gửi con trai 7 tuổi, người mẹ trốn gia đình vào TPHCM làm thiện nguyện - 3
Đây không phải lần đầu chị Giang xa con để tham gia hoạt động thiện nguyện. Dù bận chăm sóc con và việc kinh doanh nhưng chị vẫn thường xuyên sắp xếp thời gian tham gia thiện nguyện. Trong trận lũ lụt ở miền Trung hồi năm 2020, chị cũng vào tận nơi, tìm đến từng gia đình khó khăn để hỗ trợ lương thực, thực phẩm.

"Có người biết việc tôi vào Sài Gòn tham gia thiện nguyện nên gửi lời động viên, chia sẻ, nhưng cũng có người nghi ngờ, nói rằng mình "làm màu", "làm hình ảnh". Nhưng tôi không quá bận tâm tới điều đó. Tôi tin có rất nhiều người đang cần sự giúp đỡ của chúng tôi", chị Giang chia sẻ.

Cuộc điện thoại của mẹ, clip ngắn của con trai là những liều thuốc tinh thần vô giá với chị Giang trong những ngày này. Mỗi ngày, chị cũng dành thời gian chia sẻ những câu chuyện, suy nghĩ tích cực lên mạng xã hội để bạn bè, người thân đọc được và cảm thấy an tâm. "Tôi hy vọng mọi người có thể thấy, chúng tôi ở Sài Gòn vẫn đang lạc quan, tích cực thì người dân ở các nơi khác hãy cùng đồng lòng để đẩy lùi dịch bệnh", chị Giang cho hay.