Bệnh viện Bạch Mai mất "suất" trong Quốc hội khi ông Nguyễn Quang Tuấn rút

Phương  Thảo

(Dân trí) - 2 "suất" đại biểu Quốc hội chuyên trách ở TƯ được lấy để chuyển cho 2 bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và Chợ Rẫy (TPHCM). Bệnh viện Bạch Mai đã lựa chọn, giới thiệu Giám đốc Nguyễn Quang Tuấn ứng cử…

Việc Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn được chấp nhận cho rút tên khỏi danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ảnh hưởng thế nào tới cơ cấu đại biểu là vấn đề được đặt ra tại cuộc họp báo về công tác bầu cử do Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức chiều 21/5.

Vấn đề được đề cập bởi ông Nguyễn Quang Tuấn là ứng viên nhận "suất đặc biệt" ứng cử đại biểu Quốc hội kỳ này. Trước đó, theo cơ cấu phân bổ, các cơ quan Trung ương được bố trí 207 đại biểu. Tuy nhiên, đến vòng hiệp thương lần 2 (cuối tháng 3/2021), UB Thường vụ Quốc hội quyết định giảm 2 đại biểu Trung ương, thuộc khối cơ quan Quốc hội (cơ cấu đại biểu Quốc hội chuyên trách) để chuyển 2 "suất" này cho 2 địa phương.

Cụ thể, căn cứ tình hình thực tiễn, sau khi làm việc các địa phương, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, UB Thường vụ Quốc hội nhận định, các cơ sở khám chữa bệnh rất quan trọng, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Vì vậy, UB Thường vụ Quốc hội  điều chỉnh giảm đại biểu khối Trung ương, cụ thể là khối đại biểu Quốc hội chuyên trách, để Hà Nội được tăng thêm một đại biểu ở Bệnh viện Bạch Mai và TPHCM thêm một người ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tuy nhiên, trước ngày bỏ phiếu bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã ban hành nghị quyết rút tên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn khỏi danh sách ứng viên chính thức để cử tri bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội. "Suất" đại biểu dành cho Bệnh viện Bạch Mai, theo đó, cũng không còn.

Bệnh viện Bạch Mai mất suất trong Quốc hội khi ông Nguyễn Quang Tuấn rút - 1

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh thông tin về trường hợp ứng viên đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn rút ứng cử (ảnh: Quốc Chính).

Nói về việc rút tên ông Tuấn ảnh hưởng thế nào đến cơ cấu đại biểu, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Trưởng tiểu ban Nhân sự, Hội đồng Bầu cử quốc gia cho biết, cơ cấu đại biểu Trung ương trước đó được điều chỉnh cho Bệnh viện Bạch Mai chứ không phải cho cá nhân ông Nguyễn Quang Tuấn.

Bà Thanh cũng giải thích, việc Bệnh viện Bạch Mai lựa chọn, giới thiệu ai đại diện cho đơn vị là theo quy định.

Việc rút tên ông Nguyễn Quang Tuấn, theo Trưởng ban Công tác đại biểu, không làm ảnh hưởng tới cơ cấu đại biểu Quốc hội vì trong danh sách chính thức tới thời điểm này vẫn có tới 866 ứng viên và chỉ lựa chọn 500 đại biểu Quốc hội.

Với riêng Hà Nội, Trưởng ban Công tác đại biểu phân tích, sau khi chấp thuận cho ông Nguyễn Quang Tuấn rút tên, Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng ra nghị quyết về điều chỉnh số lượng ứng cử viên tại đơn vị bầu cử số 10 của TP Hà Nội. Trước đó, đơn vị bầu cử số 10 của thành phố được bố trí 4 ứng cử viên để bầu lấy 2 đại biểu. Sau khi rút tên ông Tuấn, đơn vị bầu cử này còn lại 3 ứng cử viên để bầu lấy 2 đại biểu, vẫn đảm bảo điều kiện số dư tối thiểu theo quy định.

Như vậy, cơ cấu đại biểu Quốc hội của Hà Nội vẫn không khuyết suất nào, chỉ có vấn đề, Bệnh viện Bạch Mai không còn đại diện như kế hoạch được phân bổ.

Dòng sự kiện: Bầu cử Quốc hội