Bộ Công an trả lời Quốc hội về ứng viên đại biểu Nguyễn Quang Tuấn

Phương Thảo

(Dân trí) - Hội đồng bầu cử quốc gia được Bộ Công an cho biết, quá trình điều tra vụ việc tại Bệnh viện tim Hà Nội đã xác định ông Nguyễn Quang Tuấn có ký một số văn bản nhưng chưa khẳng định trách nhiệm cụ thể.

Đây là thông tin Trưởng ban Công tác đại biểu của UB Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết tại cuộc họp báo công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, diễn ra chiều tối ngày 27/4/2021.

Bộ Công an trả lời Quốc hội về ứng viên đại biểu Nguyễn Quang Tuấn - 1
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trả lời câu hỏi báo giới đặt ra tại họp báo (ảnh: Quốc Chính).

Bà Thanh là người trả lời câu hỏi báo giới đặt ra về một số trường hợp ứng viên đại biểu Quốc hội, trong đó có việc 2 ứng viên có trong cơ cấu bầu đại biểu Quốc hội tại Trung ương được rút ra khỏi danh sách sau khi đã qua vòng hiệp thương lần 3 và trường hợp Giám đốc bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn, người đang có dư luận khi Bộ Công an xuống Bệnh viện Tim Hà Nội (nơi ông Tuấn từng làm Giám đốc) thu thập tài liệu liên quan đến quá trình đấu thầu vật tư, thiết bị y tế từ năm 2015 đến nay.

Bà Thanh khái quát, liên quan đến cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, công tác nhân sự hết sức quan trọng vì mục tiêu cao nhất khi bầu cử là làm sao chọn bầu được những người xứng đáng nhất vào cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, cơ quan đại biểu cao nhất của cử tri, nhân dân cả nước. Theo đó, Hội đồng bầu cử quốc gia đã tham mưu rất sớm cho Bộ Chính trị có hướng chỉ đạo, lên kế hoạch cho cuộc bầu cử, trong đó quy định cụ thể về cơ cấu, số lượng đại biểu Quốc hội, bao gồm cả đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm.

Bà Thanh khẳng định, Hội đồng bầu cử quốc gia đã bám sát các hướng dẫn, quy định pháp luật hiện hành để thực hiện các nhiệm vụ theo quy trình bầu cử được quy định.

Trưởng ban Công tác đại biểu xác nhận, sau hiệp thương vòng 3 có 205 đại biểu khối Trung ương được thống nhất giới thiệu để bầu đại biểu Quốc hội nhưng sau đó có giảm 2 trường hợp. Trường hợp thứ nhất là ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh.

"Ông Việt được giới thiệu với cơ cấu là lãnh đạo Hội nạn nhân chất độc da cam, một tổ chức thành viên của UB Trung ương MTTQ Việt Nam. Tuy nhiên, mới đây, ông Việt bị đột quỵ rất nặng. Chúng tôi có xin ý kiến Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương và nhận được thông tin, tình hình sức khỏe hiện tại của ông Việt rất khó tham gia cuộc bầu cử, tham gia những hoạt động như đi vận động bầu cử…" - bà Thanh nói.

Lãnh đạo Ban Công tác đại biểu thông tin thêm, do bị đột quỵ, ông Việt không có khả năng thể hiện chính kiến của mình trong việc xin rút hay thôi ứng cử nên quyết định giảm "suất" của ứng viên này phụ thuộc hoàn toàn vào việc xác định tình trạng sức khỏe mà Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ báo cáo để Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định.

Từ thông tin đó, Hội đồng bầu cử quốc gia thống nhất với UB Trung ương MTTQ Việt Nam chuyển cơ cấu đại diện Hội nạn nhân chất độc da cam cho TPHCM, theo giải thích của bà Thanh, nghĩa là chuyển cơ cấu 1 đại biểu Trung ương thành một đại biểu địa phương.

Trường hợp giảm thứ 2 trong danh sách ứng viên thuộc các cơ quan Trung ương là bà Phạm Thị Bích Ngọc (hàm vụ trưởng) thuộc vụ Đối ngoại Văn phòng Quốc hội. Sau hiệp thương vòng 3, bà Ngọc gửi đơn lên Hội đồng bầu cử xin không tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV vì lý do gia đình. Ngoài ra, điều kiện của cá nhân bà cũng không thuận lợi cho việc ứng cử đại biểu Quốc hội. Do vậy, "suất" của bà Ngọc được chuyển cho Hà Nội.

Bộ Công an trả lời Quốc hội về ứng viên đại biểu Nguyễn Quang Tuấn - 2
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì cuộc họp báo chiều 27/4/2021.

Về trường hợp ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc bệnh viện Bạch Mai, đại biểu Quốc hội đương nhiệm khóa XIV, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, sau khi có thông tin báo chí phản ánh về việc Bộ Công an có văn bản đề nghị cung cấp thông tin về đấu thầu thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội, giai đoạn ông Nguyễn Quang Tuấn làm giám đốc, tiểu ban Nhân sự đã có văn bản gửi Bộ Công an để biết được thông tin chính thức về ứng viên này.

"Tiểu ban Nhân sự đã nhận được văn bản số 1123 của Bộ Công an nói, đến thời điểm hiện tại, Bộ Công an đang trong quá trình điều tra vụ việc, xác định ông Tuấn có ký một số văn bản có liên quan nhưng khẳng định trách nhiệm đến đâu thì còn phải chờ kết quả điều tra cụ thể" - bà Thanh thông tin.

Bà Thanh cũng nhấn mạnh một lần nữa về nguyên tắc, các cơ quan luôn mong muốn lựa chọn được đại biểu ưu tú nhất, đảm bảo các điều kiện và trách nhiệm vào Quốc hội. Vì vậy, qua mỗi vòng lại đưa ra để chọn những người tiêu biểu hơn. Bà cũng phân tích, bước cuối cùng thì chính là cử tri lựa chọn bằng lá phiếu để chọn người đại diện cho ý chí nguyện vọng của mình tham gia Quốc hội. Quá trình này, việc sàng lọc các ứng viên còn tiếp tục cho tới khi công bố kết quả bầu cử.

Thậm chí, theo bà Thanh, được bỏ phiếu bầu, trúng đại biểu Quốc hội rồi nhưng quá trình sau đó, nếu phát hiện người trúng cử sai phạm, cơ quan chức năng vẫn có thể không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội của những người này. Chỉ khi nào có Nghị quyết công nhận tư cách đại biểu Quốc hội, người được bầu mới chính thức trở thành đại biểu Quốc hội.

Dòng sự kiện: Bầu cử Quốc hội