1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

EU tuyên bố đã thay thế hoàn toàn khí đốt Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố đã thay thế hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga bằng các nguồn khác, nhưng giới chuyên gia nhận định về lâu dài châu Âu vẫn phải đối mặt với thách thức nhất định.

EU tuyên bố đã thay thế hoàn toàn khí đốt Nga - 1

Nga đã là nhà cung cấp khí đốt chính cho châu Âu trong hàng chục năm qua (Ảnh: Reuters).

Trong bài phát biểu trong phiên họp của Nghị viện châu Âu, Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson ngày 23/11, tuyên bố khối này đã thay thế hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và khí đốt chảy qua đường ống từ các nhà cung cấp đáng tin cậy khác.

EU dự kiến sẽ bàn bạc về các biện pháp áp giá trần khí đốt vào ngày 24/11 nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng tới người tiêu dùng trên toàn khối.

"Đa dạng hóa, giảm nhu cầu, chính sách lưu trữ (khí đốt) chung và kế hoạch thay thế năng lượng của Nga của chúng ta đang tạo ra sự khác biệt. Nhưng chúng ta cần phải cảnh giác", quan chức Simson viết trên Twitter sau phiên họp.

Theo RT, để thay thế khí đốt Nga nhập qua đường ống, châu Âu đã tăng nhập LNG từ Mỹ.

Ủy ban châu Âu cho biết, từ tháng 1 đến tháng 8, tổng lượng khí đốt EU nhập khẩu khí đốt từ Nga, bao gồm cả LNG, đã giảm 39 tỷ m3. Trong cùng thời gian, nguồn cung cấp LNG từ Mỹ đã tăng gần 80%.

Năm ngoái, Nga chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Moscow đã cung cấp 155 tỷ m3 cho khối này, trong khi nhập khẩu năm nay dự kiến sẽ giảm xuống còn hơn một phần ba năm 2021, vào khoảng 60 tỷ m3.

Dù EU tuyên bố đã thay thế hoàn toàn được khí đốt Nga, nhưng các chuyên gia từ công ty nghiên cứu Kpler của Anh cảnh báo rằng việc thay thế khí đốt chảy qua đường ống của Nga bằng LNG sẽ làm chi phí năng lượng của châu Âu tăng vọt. Khác với khí đốt chảy qua đường ống, vốn thường được cung cấp thông qua hợp đồng dài hạn, LNG được mua trên thị trường giao ngay, khiến nó có giá cao gấp vài lần.

Các chi phí hóa lỏng, vận chuyển cũng đẩy giá LNG lên cao hơn nhiều lần. Trước đó, cả Pháp và Đức từng phàn nàn về việc Mỹ đang bán LNG cho các đồng minh và đối tác ở châu Âu với giá cao gấp vài lần so với thị trường nội địa.

Hồi tháng 8, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhận định, mô hình kinh tế của nước này trong nhiều năm qua đã phụ thuộc vào nguồn năng lượng giá rẻ nhập từ Nga. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng, mô hình này sẽ không bao giờ thực hiện được nữa sau khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang vì Moscow mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng Ukraine từ ngày 24/2.

Ukraine ngừng trung chuyển dầu Nga sang châu Âu

Trong một diễn biến khác, hãng năng lượng Nga Transneft thông báo, Ukraine đã ngừng hoạt động nhánh phía nam của đường ống dẫn dầu Druzhba. Đây là đường ống đưa dầu Nga tới châu Âu, chạy qua lãnh thổ Ukraine.

Trong khi đó, theo Transneft, đoạn đường ống Druzhba đưa dầu Nga sang châu Âu qua lãnh thổ Belarus vẫn đang hoạt động bình thường.

Tuần trước, Ukraine đã khóa van đường ống dầu Druzhba sang Ukraine, giải thích rằng vụ tấn công tên lửa của Nga làm hỏng trạm biến áp cấp điện cho đường ống. Sau khi đường ống hoạt động trở lại, Kiev công bố kế hoạch tăng phí trung chuyển qua Druzhba từ năm sau, nhấn mạnh việc Nga tấn công đã làm hỏng cơ sở hạ tầng của Ukraine dẫn tới chi phí tăng vọt.

Được xây dựng vào những năm 1960, Druzhba là một trong những mạng lưới đường ống dài nhất thế giới, vào khoảng 4.000km, từ Nga đến các nhà máy lọc dầu ở Cộng hòa Séc, Đức, Hungary, Ba Lan và Slovakia.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine