1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nga cảnh báo cắt giảm nguồn cung khí đốt tới châu Âu qua Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cáo buộc Ukraine cố tình giữ lại khí đốt Moscow chuyển qua Moldova, cảnh báo cắt giảm nguồn cung để đáp trả.

Nga cảnh báo cắt giảm nguồn cung khí đốt tới châu Âu qua Ukraine - 1

Một đường ống khí đốt tại trạm Sudzha của Gazprom (Ảnh: Reuters).

AP đưa tin, Gazprom đã cảnh báo cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên trên đường ống Sudzha tới châu Âu thông qua Ukraine, cáo buộc phía Kiev đã giữ lại 52,52 triệu m3 khí đốt Nga chuyển cho Moldova.

"Lượng khí đốt Gazprom cấp cho Moldova thông qua Ukraine nhiều hơn lượng khí đốt được chuyển từ Ukraine sang Moldova", thông báo ngày 22/11 của Gazprom viết.

Tập đoàn Nga cảnh báo, nếu lượng khí đốt Gazprom cấp cho Moldova tiếp tục bị hao hụt, họ sẽ đáp trả bằng cách giảm nguồn cung vào ngày 28/11.

Cả Moldova và Ukraine đều bác bỏ thông tin do Gazprom cung cấp. Phía Kiev tuyên bố, toàn bộ lượng khí đốt Nga chuyển qua nước này đều được đưa đầy đủ tới Moldova. 

Olha Belkova, quan chức thuộc công ty điều hành hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine GTSOU, nói: "Đây không phải là lần đầu tiên Nga sử dụng khí đốt như một công cụ gây áp lực chính trị. Đây là tuyên bố sai sự thật của Nga nhằm biện minh cho quyết định tiếp tục hạn chế lượng khí đốt cấp cho các nước châu Âu".

Kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Nga đã cắt giảm phần lớn nguồn cung khí đốt tự nhiên qua châu Âu, viện dẫn vấn đề về thanh toán và bảo trì trong bối cảnh Moscow bị phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt. Châu Âu cáo buộc Nga vũ khí hóa nguồn cung năng lượng, điều mà Moscow nhiều lần bác bỏ. Nga cho rằng, chính các lệnh trừng phạt phương Tây áp lên nước này đã gây tác dụng ngược, khiến châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Trong bối cảnh mùa đông đang tới gần và nhu cầu của châu Âu khí đốt để sưởi ấm cũng như cấp điện và vận hành các nhà máy gia tăng, nếu Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung tới châu Âu, giá của mặt hàng này có thể sẽ tiếp tục tăng. Diễn biến này có thể khiến lạm phát và khủng hoảng năng lượng ở châu Âu thêm trầm trọng.

Giá khí đốt tự nhiên đã giảm kể từ mức cao nhất vào tháng 8 và các quốc gia châu Âu đã lấp đầy kho lưu trữ cho mùa đông, nhưng cuộc khủng hoảng có thể trở nên tồi tệ hơn nếu thời tiết trở nên lạnh hơn bình thường và Nga cắt giảm nguồn khí đốt.

Cuộc khủng hoảng năng lượng đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới Moldova khi Nga giảm bớt nguồn cung khí đốt. Thêm vào đó, Moldova có hệ thống năng lượng gắn kết khá chặt chẽ với Ukraine, nên khi Nga tập kích dồn dập cơ sở hạ tầng của phía Kiev trong thời gian qua, Moldova cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Với giá năng lượng và lạm phát đã ở mức cao, mối đe dọa có thể bị mất thêm nguồn cung cấp năng lượng có thể khiến người tiêu dùng Moldova phải vật lộn để thanh toán các hóa đơn ở quốc gia có khoảng 2,6 triệu dân.

Moldova, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu, đã kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế trước tình thế khó khăn. Theo phía Pháp, Moldova đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có tiền lệ khi mùa đông tới gần.

Theo AP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine