Tâm điểm
Quan Thế Dân

Chuyện cây đàn vỡ trong "Đào, phở và piano"

Tôi yêu tiểu thuyết "Sống mãi với Thủ Đô" của Nguyễn Huy Tưởng từ khi còn nhỏ, qua buổi đọc truyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Dạo đó là đầu thập niên 1970, cứ mười giờ đêm là tôi lại nằm ôm cái radio nhỏ, nghe như nuốt từng lời của cuốn tiểu thuyết. Trong đêm Hà Nội thanh vắng lúc đó, những con người, những câu chuyện hào hùng về một Hà Nội "Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh" hiện lên vô cùng sống động, khắc ghi vào tâm hồn tôi, càng làm cho tình yêu Hà Nội của tôi thêm sâu đậm.

Nhưng thế hệ con tôi có vẻ như thờ ơ với tiểu thuyết này. Cũng có thể mỗi thế hệ có mối quan tâm khác nhau. Nhưng như thế thì những trang sử của dân tôc có dần bị bụi thời gian phủ mờ không? Nên năm nay, khi bất ngờ thấy phim "Đào, phở và piano" trở nên "hot", cháy vé, dù đang ở tỉnh, tôi cũng quyết đi xem ngay.

Chuyện cây đàn vỡ trong Đào, phở và piano - 1

Nhân vật chàng dân quân Văn Dân (Doãn Quốc Đam) và nàng tiểu thư đam mê dương cầm Thục Hương (Cao Thị Thùy Linh) trong phim "Đào, Phở và Piano" (Ảnh: ĐLP)

Từ nơi tôi đang làm việc, phải đi 25 km đến thành phố mới có rạp chiếu. Suất chiếu tôi xem muộn mà gần hết vé, tôi may mắn có được tấm vé cuối cùng. Xem xong phim, một cảm giác xúc động dâng trào xen lẫn những bâng khuâng theo mãi trong suy nghĩ.

Nhớ lúc ngồi trong rạp, nghe các bạn trẻ thì thào hỏi nhau, tôi mới thấy các bộ phim về lịch sử cần thiết như thế nào: "Hồi đó đã có áo dài trắng rồi á", "Sao thấy bảo hồi đó do mình đánh nó trước nên quân Pháp mới đánh mình", "Ơ sao bộ đội mình ăn mặc lôi thôi thế, mỗi người một kiểu"...

Những ngày sau, qua các trang mạng, tôi thấy nhiều tranh luận sôi nổi, có khi là trái ngược nhau. Điều đó thật là mừng, vì dù sao có quan tâm thì mới có tranh luận, qua đó các sự kiện lịch sử mới thật sự được ghi nhớ. Một trong những điều gây nên bàn luận dữ dội nhất, là tên phim. Tôi cũng muốn tham gia bàn luận về điều này. Tại sao lại là "Đào, phở và piano". Chi tiết cây đàn piano, là chi tiết gây tranh cãi nhiều nhất, Vậy thực hư thế nào. Đạo diễn quá non tay hay quá mơ mộng mà để tên phim như vậy.

Trước hết phải nói ngay, nếu cần làm phim về Hà Nội, khó có ai thích hợp hơn đạo diễn Phi Tiến Sơn, vì ông là người Hà Nội gốc, năm nay ông 70 tuổi, nghĩa là có đủ cái từng trải về mọi mặt, có am hiểu dày dặn về Hà Nội. Dự án phim này không phải mới có, mà ông thai nghén từ năm 2010, nghĩa là trong hơn 10 năm ông trăn trở suy nghĩ về phim này nhiều lần.

Trong một bài phỏng vấn cách đây đã lâu, ông cho biết: "Đó là cuộc chiến không cân sức với kẻ địch có vũ khí hiện đại... Bố tôi cũng tham gia trong lực lượng tự vệ kháng chiến, ông kể, thấy mọi người bảo đi đánh nhau với địch, nhưng làm gì có súng, đành lấy con dao to nhất ở nhà mang đi. Ngày hôm nay nhận lệnh đi đánh địch, đánh xong lại về nhà ăn cơm. Người Hà Nội là như thế. Và tôi muốn khắc họa điều đó trong bộ phim này. Lấy tên bộ phim là "Đào, phở, piano", bởi đó là những khái niệm khá đặc trưng cho Hà Nội".

Đạo diễn xây dựng tác phẩm của mình theo phong cách lãng mạn, hình ảnh giàu tính tượng trưng, nhiều tầng ý nghĩa. Ở tầng ngữ nghĩa dễ thấy nhất, thì hoa Đào và Phở là dễ hiểu rồi. Rất đặc trưng cho Hà Nội. Còn Piano. Nó tượng trưng cho cái ảnh hưởng của tinh hoa văn hóa phương Tây, làm nên cái chất riêng của Hà Nội.

Nhưng người xem tranh cãi nhau, rằng đạo diễn có lãng mạn quá không, khi cứ áp đặt ý muốn chủ quan của mình vào chiếc đàn piano, vừa to vừa nặng, làm sao chạy giặc được. Chạy giặc chỉ cầm cái áo mà chạy, ai chở cả cái đàn đi. Có anh còn xui đạo diễn thay đàn piano bằng đàn violon, cho dễ chạy. Ừ. Kể cũng có lý.

Nhưng chúng ta chỉ nói bằng cái lý của bây giờ. Tất cả những ai đang bàn luận trên mạng xã hội lúc này thì hầu như không chứng kiến trực tiếp thời kỳ đó. Nên ta phải tìm về những tư liệu của thời đó để phân xử. Trong các ghi chép về thời kỳ toàn quốc kháng chiến 1946 thì cuốn tiểu thuyết "Sống mãi với Thủ Đô" của Nguyễn Huy Tưởng có giá trị tư liệu rất cao, vì tác giả là người trực tiếp cầm súng trong lòng Hà Nội lúc đó, và tác phẩm đã viết ngay năm 1958, khi các ký ức còn nóng hổi, nhân chứng vật chứng vẫn còn nguyên.

Tôi nhớ ở ngay mấy trang đầu của tiểu thuyết, Nguyễn Huy Tưởng tả cảnh người Hà Nội lúc đó tản cư: "Đường Hàng Đẫy. Người vào thành phố thì ít, phần nhiều là người lớn, dáng đi vội vã. Người kéo ra ngoại ô thì nhiều, số đông là đàn bà, con trẻ, ngồi lặc lè trên những xích-lô, lút trong cái mớ hỗn độn bọc to, bọc nhỏ. Một chiếc cam-nhông chất đầy những chồng giấy chạy chồm chồm, theo sau là một cái xe khác chở những bộ phận của máy in. Ba chiếc xe bò lộc cộc nối nhau qua, cái chở những đồ thờ lóng lánh sơn vàng, cái chở những tủ sập gụ, tràng kỉ, lộ bộ, cái chở những đồ đồng, đồ sứ bọc kín, nhưng vẫn để lộ hình dáng bộ tam đa, con hạc chầu, tấm gương đồ sộ…"

Như vậy là hồi đó người dân khi tản cư đã mang đi tất cả đồ vật quý giá, kể cả đồ cồng kềnh và nặng. Cây đàn piano thời đó là một tài sản lớn, nên chuyện các gia đình mang cả đàn piano đi tản cư là có thật, không phải đạo diễn tự nghĩ ra.

Rồi trong khi đi tìm tư liệu về bài hát "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi, tôi bất ngờ bắt gặp chi tiết về cây đàn piano. Trong một bài phỏng vấn, Nguyễn Đình Thi kể: "Bài Người Hà Nội tôi viết vào đầu năm 1947, dịp gần Tết. Khi đó Hà Nội còn đang chiến đấu rất quyết liệt. Do công tác, tôi tạt vào làng Khúc Thủy bên bờ sông Nhuệ, đối diện với làng Cự Đà bên kia sông lúc bấy giờ là trạm quân y lớn nhất của ta tiếp nhận thương binh từ Hà Nội đưa về... Phía sau lưng tiếng súng bắt đầu nổ và Hà Nội cứ bốc cháy - một cảnh tượng rất hùng vĩ mà sau đã xuất hiện trong bài hát "Hà Nội cháy, khói lửa rợp trời…". Trong ngôi nhà tôi ở làng Khúc Thủy có một chiếc đàn piano của đồng bào tản cư bỏ lại vì bị hỏng. Tôi ở đấy và hàng ngày Hà Nội vẫn đang chiến đấu thành ra có ý làm một bài hát về Hà Nội. Một buổi tối, tôi ngồi và đàn, gõ mổ cò mấy nốt nhạc".

Vậy là rõ rồi nhé. Nguyễn Đình Thi kể rõ việc người Hà Nội khi đi tản cư có mang theo cả đàn piano. Việc người Hà Nội mang cả đàn piano đi tản cư là chuyện có thật. Đạo diễn Phi Tiến Sơn chỉ khái quát hóa sự thật này lên, làm nó mang tính biểu tượng.

Nhiều người xem phim với tâm lý chăm chăm bắt lỗi nên không để ý đạo diễn đã cài cắm rất kỹ cho chi tiết này. Cô gái khi bị tự vệ bắt đã nói lý do quay lại là vì bị lạc, không có nơi nào đi nên phải quay về nhà. Sau đó mới chợt nảy ra lý do là quay về để mang cây đàn đi. Là lý do cô ấy nói để hợp lý hóa việc quay về tìm người yêu của mình. Chuyện này rất hệ trọng. Lúc đó đang là vùng chiến sự, nếu không chứng minh được hợp lý cô gái có thể bị buộc tội là Việt gian và có thể bị tự vệ xử bắn tại chỗ. Và cây đàn đã cứu cô gái.

Sau khi biết cô gái không phải kẻ gian, ông đội trường tự vệ vẫn muốn buộc cô gái phải quay lại hậu phương nên đã cho quân mang cây đàn đi thật để cô gái hết lý do ở lại. Nhưng đạo diễn cũng thừa biết chiến tranh như vậy không thể mang cây đàn đi, và mặt khác nếu để cây đàn đi thì cũng mất luôn một biểu tượng của phim. Nên đạo diễn đã để cho lính Pháp bắn rơi vỡ cây đàn.

Cây đàn vỡ trên chiến lũy là một biểu tượng giàu ý nghĩa về chiến tranh. Hình ảnh lính Pháp bắn vào cây đàn cũng giống như cuộc tấn công của Pháp vào Hà Nội, chà đạp lên những giá trị tinh thần mà trong số đó có cả những giá trị từ phương Tây.

Theo cảm nhận của tôi, "Đào, phở và piano" là một bộ phim làm công phu, truyền tải nhiều tầng ý nghĩa, chỉ một chi tiết mà có thể bàn luận được rất nhiều điều. Mỗi một độ tuổi, mỗi một lớp bạn đọc đều có thể tìm thấy cho mình những bài học riêng, hiếm có cuốn sử nào sinh động bằng.

Tuy nhiên hiện nay người xem vẫn rất khó tiếp cận với phim. Trong khi những phim thương mại khác có hàng nghìn suất chiếu mỗi ngày, thì phim "Đào, phở và piano" chỉ có hơn hai trăm suất chiếu cho cả nước. Tôi thấy các cấp quản lý văn hóa cần vào cuộc ngay, một cuộc họp liên tịch giữa bên văn hóa và tài chính là có thể ra ngay một cơ chế tạm thời về tỷ lệ ăn chia lợi nhuận, để phim có thể ra rạp chiếu thương mại, đáp ứng cho nhu cầu thưởng thức của công chúng.

Bên đoàn làm phim có thể tận dụng ngay phim trường để tổ chức các buổi giao lưu với giới trẻ, sẽ là một điểm đến hấp dẫn vào cuối tuần. Các bạn trẻ sẽ được thuê trang phục hóa thân thành cô tiểu thư Hà Thành chụp ảnh cùng anh Vệ quốc đoàn, với cành đào trên tay. Thậm chí một bộ ảnh cưới, bộ ảnh kỷ yếu theo phong cách Vệ quốc đoàn 1946...

Nếu các nhà quản lý không tận dụng được thời cơ này để giới thiệu về lịch sử, để nhiệt tình của các bạn trẻ qua đi, thì thật là đáng tiếc. Đừng trách giới trẻ là cả thèm chóng chán, mà các bạn ấy có rất nhiều mối quan tâm, nên không thể đợi được.

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!