Gen Z dễ mắc lừa bởi chiêu "bán đồ giá hời, trúng thưởng bất ngờ"

CTV

(Dân trí) - "Những bạn sinh viên như chúng mình làm gì có nhiều tiền. Thứ duy nhất chúng mình có là lòng tin cũng bị lấy mất", Hải bộc bạch.

Bán đồ cao cấp giá hời

Đây là một hình thức lừa đảo xuất hiện đã nhiều năm nhưng không hề có dấu hiệu dừng lại bởi còn rất nhiều người cả tin, vô tình trở thành "con mồi béo bở" cho kẻ lừa đảo.

"Cách đây vài tháng, khi mình đang đi trên đường tự nhiên có một người phụ nữ đứng tuổi lại gần gạ bán cho mình chiếc iPhone X. Người này tự nhận là nhặt được nhưng vì là hàng cao cấp không biết dùng và còn hết pin nên đành bán rẻ cho mình.

Ban đầu mình nhìn thấy cũng rẻ và lại đẹp nữa. Nhưng sau khi mua và sạc pin mới phát hiện chiếc camera hoàn toàn không hoạt động, màn hình lỗi toàn kẻ sọc", bạn Trọng Hải, sinh viên năm thứ nhất, sống tại Hà Nội chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Gen Z dễ mắc lừa bởi chiêu bán đồ giá hời, trúng thưởng bất ngờ - 1

Trọng Hải mất tiền mua một chiếc điện thoại hỏng (Ảnh: NVCC).

Trúng thưởng nhưng mất tiền

Trọng Hải cho biết bạn đã gặp một chiêu trò lừa đảo khác nhưng may mắn lần này bạn sớm phát hiện và không để mình trở thành nạn nhân của những kẻ lừa lọc.

Một thời gian khá lâu sau sự việc mua chiếc điện thoại lỗi kia, Hải có gặp một người tự xưng là nhân viên của một công ty chuyên sản xuất cà phê hòa tan đến giới thiệu sản phẩm và xin ý kiến của khách hàng sau khi dùng thử.

Bóc gói cà phê do người này đưa, Hải thấy bên trong một mẩu giấy ghi dòng chữ: "Chúc mừng bạn đã trúng thưởng một bộ nước hoa Pháp cao cấp trị giá 12 triệu đồng".

Khi Hải hỏi quy trình nhận thưởng, người kia đã trình bày rằng vì là hàng cao cấp có giá trị lớn nên Hải cần ứng trước 2 triệu để chắc chắn nhận quà và phần quà sẽ nhanh chóng đến tay Hải trong thời gian sắp tới. Linh cảm bất ổn về chuyện này, Hải nhanh chóng từ chối phần thưởng để không bị mất tiền oan.

Trọng Hải cảm thấy bức xúc và lo lắng về vấn nạn này. "Những bạn sinh viên như chúng mình làm gì có nhiều tiền. Thứ duy nhất chúng mình có là lòng tin cũng bị lấy mất", Hải bộc bạch.

Trái với tâm lý sợ hãi, lo lắng lúc đầu khi bị lừa mua chiếc điện thoại hỏng, giờ đây Hải tự tin hơn vì đã đủ tỉnh táo, bình tĩnh trước các chiêu trò lừa đảo, biến hóa.

Trọng Hải nhận thấy điểm chung của nạn nhân thường là những bạn trẻ thiếu kinh nghiệm, chưa hiểu biết nhiều. Theo Hải, ngoài việc đề phòng, cảnh giác với những trường hợp bất thường thì bản thân mỗi người cũng cần nâng cao vốn sống bằng sự trải nghiệm để không rơi vào bẫy của kẻ xấu.

Lợi dụng hành động nhân đạo

Một số đối tượng lợi dụng tấm lòng nhân ái để lừa đảo mọi người. Thanh Hương (21 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Mình biết có không ít bạn sinh viên như mình cũng từng gặp hình thức mua đồ thiện nguyện như vậy. Có những sản phẩm không có tem mác, nguồn gốc, xuất xứ, rất khó để khẳng định chất lượng. Tuy nhiên dù họ có cho xem ảnh hay dấu đỏ của tổ chức để chứng minh thì cũng chưa chắc đảm bảo được sự uy tín".

Gen Z dễ mắc lừa bởi chiêu bán đồ giá hời, trúng thưởng bất ngờ - 2

Những gói tăm không rõ nguồn gốc bán với giá trên trời (Ảnh: NVCC).

Theo Thanh Hương, một số người thực sự có sức khỏe, có thể đi làm việc kiếm sống tuy nhiên họ vẫn cố tình lừa gạt lòng tin của người khác.

"Việc xin ăn, xin tiền được tổ chức thành từng hội, từng nhóm và có phân công địa bàn làm việc đã từng được báo chí phản ánh nhiều lần. Nhưng trong thực tế vẫn có những người dân lương thiện bị lừa", Hương chia sẻ.

Lừa đảo qua các ứng dụng nhắn tin

Cũng giống như nhiều bạn sinh viên khác, ngay từ năm thứ nhất, Thanh Hương đã gấp rút tìm kiếm việc làm thêm, những công việc bán thời gian có thể đổi ca linh hoạt, phù hợp với lịch học ở trường. Thế nhưng Hương lại rất khó khăn để tìm được một nơi làm việc uy tín và phù hợp với điều kiện của bản thân.

Thanh Hương cho biết, cô đã nhận được vô số tin nhắn trên những ứng dụng như Zalo, Telegram với lời mời hấp dẫn như việc nhẹ lương cao, chính sách tốt, nhiều đãi ngộ. Chưa kể họ còn nói sẽ được học thêm kỹ năng sống, tìm kiếm và nâng cao giá trị bản thân.

"Những công việc mà người ta gửi qua tin nhắn đều không có miêu tả rõ ràng, cứ nhắn là muốn biết thêm thông tin thì inbox (nhắn tin) hay yêu cầu kết bạn. Đó cũng là một cảnh báo cho các bạn sinh viên cần phải né gấp", Hương đúc kết.

Theo kinh nghiệm mà Thanh Hương rút ra, bản thân mỗi người trước khi bắt đầu một công việc phải tìm hiểu có chọn lọc cẩn thận và kỹ lưỡng vì bất cứ sai lầm nào cũng phải trả giá.