DMagazine

Khách Tây thay đổi lịch trình vì… "ngại" xin visa vào Việt Nam?

(Dân trí) - Dù đã mở cửa được một năm nhưng lượng khách quốc tế vào Việt Nam "nhỏ giọt", nhiều doanh nghiệp than trời vì cả tháng chỉ đón được... 7 khách quốc tế.

Khách Tây thay đổi lịch trình vì… "ngại" xin visa vào Việt Nam?

Dù đã mở cửa được một năm nhưng lượng khách quốc tế vào Việt Nam "nhỏ giọt", nhiều doanh nghiệp than trời vì cả tháng chỉ đón được... 7 khách quốc tế.

Tiếc nuối nhưng vẫn phải thay đổi lịch trình vì ngại... thủ tục

Cuối năm 2022, Katharina (33 tuổi, sống ở Áo) quyết định tới Thái Lan tận hưởng kỳ nghỉ mùa đông trong một tuần thay vì kế hoạch du lịch Việt Nam như trước đó. Trước dịch Covid-19, Katharina từng vài lần đến Việt Nam và rất ấn tượng với cảnh quan, con người ở đây.

Tuy nhiên, do Áo không nằm trong nhóm 25 quốc gia được miễn thị thực tới Việt Nam nên nữ du khách thừa nhận thủ tục xin cấp visa còn khó khăn, rườm rà. Đây là một phần lý do khiến cô và bạn bè quyết định chọn Thái Lan thay vì Việt Nam như dự định ban đầu. 

"Là công dân của một nước châu Âu, tôi hầu như có thể đi khắp nơi trên thế giới mà không cần xin visa. Tuy nhiên, nếu đến Việt Nam, tôi phải trải qua quá trình làm thủ tục visa khá phức tạp.

Đi du lịch để giải tỏa căng thẳng mà việc làm visa mất nhiều thời gian khiến chúng tôi không còn hào hứng với chuyến đi, thậm chí phải chuyển lịch trình tới quốc gia khác dù Việt Nam là điểm đến yêu thích", cô chia sẻ thêm.

John Anderson (quốc tịch Pháp) được miễn thị thực tới Việt Nam trong 15 ngày nhưng thực tế chỉ còn khoảng 13 ngày, trừ 2 ngày cho việc di chuyển.

Để tiết kiệm thời gian, John dành 5 ngày trải nghiệm Hà Giang rồi tiếp tục sang Campuchia khám phá. Sau khi kết thúc hành trình tại Campuchia, để về nước, anh có hai lựa chọn, một là quay lại Việt Nam, hai là tới sân bay Bangkok (Thái Lan).

Anh hi vọng có thể kết thúc hành trình bằng tour khám phá ẩm thực Hà Nội. Tuy nhiên, nếu nhập cảnh lại Việt Nam, anh sẽ mất thêm phí visa và thời gian làm thủ tục bởi chính sách cấp thị thực chỉ có giá trị ra vào một lần.

Còn nhập cảnh vào Thái Lan không mất gì. Tuy rất tiếc nuối nhưng John đành phải chọn nghỉ một đêm tại Bangkok trước khi bay về Pháp vào sáng hôm sau.

Khách Tây thay đổi lịch trình vì… ngại xin visa vào Việt Nam? - 1

Mở cửa sớm nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam "nhỏ giọt" . Cảnh vắng vẻ ở phố Tây Bùi Viện (Ảnh: Quang Minh).

Việt Nam "đếm" khách quốc tế vì rào cản visa?

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sau khi mở cửa từ tháng 3/2022, visa vẫn là khó khăn của ngành du lịch trong việc đón khách nước ngoài.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho biết, Việt Nam hiện miễn thị thực cho 24 nước. Đây là con số thấp so với các nước trong khu vực, đó là chưa kể chỉ hơn một nửa trong số này được cho là thị trường nguồn khách quốc tế đến Việt Nam (Top 25), còn lại một số nước không phải thị trường nguồn như Chile - được miễn thị thực tới 90 ngày nhưng lượng khách từ quốc gia này rất ít.

Nhiều nước trong khu vực ASEAN đã sử dụng chính sách miễn thị thực đơn phương từ 30 - 45 ngày, kéo dài thời gian lưu trú để thu hút thêm khách quốc tế đến nước đó. Đơn cử như Thái Lan đang áp dụng miễn thị thực du lịch cho công dân của 65 nước, Indonesia - 170 nước, Philippines - 157 nước, Campuchia - 25 nước,…

Khách Tây thay đổi lịch trình vì… ngại xin visa vào Việt Nam? - 2
Khách Tây thay đổi lịch trình vì… ngại xin visa vào Việt Nam? - 3
Khách Tây thay đổi lịch trình vì… ngại xin visa vào Việt Nam? - 4

Chưa kể, Thái Lan còn cho phép du khách lưu trú tới 90 ngày và được ra vào nhiều lần, trong khi Việt Nam chỉ cho phép khách lưu trú 15 ngày và ra vào một lần.

Ngoài miễn lệ phí thị thực để hút khách quốc tế, gia hạn thị thực du lịch tối đa đến 45 ngày, Thái Lan còn miễn phí lệ phí xin thị thực nhập cảnh để khuyến khích khách nước ngoài lưu trú lâu hơn.

Kết quả, từ mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế ban đầu, Thái Lan "cán mốc" 11,8 triệu khách quốc tế sau chưa đầy 1 năm chính thức mở cửa và tiếp tục đặt mục tiêu tới 25 triệu khách quốc tế trong 2023.

Tương tự tại Indonesia, chính phủ nước này đã áp dụng tăng thời gian miễn visa cho du khách lên 60 ngày, đến 180 ngày đối với những người có 100.000 USD và áp dụng "Second home", cho phép người nước ngoài ở lại 5 - 10 năm tại quốc gia này nhằm thu hút khách nước ngoài đến Bali cũng như các điểm đến khác của Indonesia.

Nhờ đó, chỉ trong 3 tháng cuối cùng của năm 2022, Indonesia đón lượng khách quốc tế tăng "chóng mặt", chạm mốc 5,5 triệu lượt, vượt con số đề ra ban đầu là 3,6 triệu.

Khách Tây thay đổi lịch trình vì… ngại xin visa vào Việt Nam? - 5
Khách Tây thay đổi lịch trình vì… ngại xin visa vào Việt Nam? - 6

Trong khi đó, nếu so với các nước bạn, chính sách e-visa của Việt Nam cũng còn tồn tại một số bất tiện như thời hạn không quá 30 ngày, áp dụng cho công dân của 80 quốc gia qua 33 cửa khẩu theo quy định và chỉ cấp một lần.

Với Visa-on-Arrival (visa tại sân bay), khách quốc tế vẫn phải xin phê duyệt trước, không phải cứ đến rồi xin cấp visa trực tiếp ở cửa khẩu như một số nước khác.

"Với những thị trường xa như Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha,... phần lớn du khách muốn du lịch tập trung một nước với hành trình dài từ 18-20 ngày nhưng chỉ được miễn thị thực 15 ngày tại Việt Nam. Điều này khiến họ buộc phải xin visa để kéo dài thời gian lưu trú nhưng thủ tục làm thị thực điện tử lại chưa thuận lợi.

Những ưu đãi về miễn thị thực cũng chưa đáp ứng được các xu hướng du lịch mới, chưa cạnh tranh với các nước trong khu vực. Thậm chí, thị thực điện tử (e-visa) cũng chưa có cơ chế xác nhận ngày trả lời kết quả tự động trên trang web và còn yêu cầu nhiều loại văn bản hơn so với trước đây", ông Chính nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Christopher Farwell - Giám đốc điều hành Vivu Journeys cho rằng, visa là rào cản lớn đối với khách quốc tế khi du lịch tới Việt Nam.

Việt Nam hiện áp dụng chính sách miễn thị thực với công dân của 24 quốc gia nhưng thời gian miễn thị thực quá ngắn (15 ngày đầu tiên), trong khi khách đến từ châu Âu thường đi nghỉ dài đến cả tháng, kết hợp sang Campuchia, Thái Lan,... Nếu muốn quay lại Việt Nam, họ phải xin cấp lại visa từ đầu hoặc chuyển hướng du lịch sang các quốc gia có chính sách cởi mở hơn.

"Ở Thái Lan, du khách xin cấp visa rất nhanh và hiệu quả, thậm chí chỉ phải chờ một lúc là biết có được cấp hộ chiếu hay không. Trong khi đó, việc xin e-visa của Việt Nam vẫn còn vướng mắc như hệ thống chậm, lỗi, khách không nhận được phản hồi và chẳng biết khi nào được cấp.

Đó cũng là lý do khiến họ không thể đặt trước các dịch vụ khác như vé máy bay, phòng khách sạn,... dù đặt sớm sẽ tiết kiệm chi phí và có nhiều lựa chọn hơn", đại diện Vivu Journeys đưa thông tin.

Doanh nghiệp du lịch than trời vì cả tháng chỉ đón... 7 khách quốc tế

Nhiều doanh nghiệp lữ hành chuyên thị trường inbound (những khách du lịch đến Việt Nam và lưu trú trong một khoảng thời gian ngắn; hoặc những khách Việt định cư tại nước ngoài mà hồi hương về thăm quê) cũng "chật vật" vì chính sách visa, ngồi đếm lượng khách quốc tế "nhỏ giọt" dù Việt Nam đã mở cửa gần một năm nay.

"Suốt gần một năm hoạt động trở lại, công ty tôi chỉ đón được khoảng 150 lượt khách nước ngoài. Đây là con số chưa từng xuất hiện trong 12 năm theo đuổi thị trường inbound của chúng tôi, giảm tới 30% so với giai đoạn trước dịch.

Tháng thấp điểm nhất, công ty chỉ đón được đúng 7 khách từ Anh. Có lúc cả 10 đoàn khách hỏi thăm nhưng nghe đến chính sách visa của Việt Nam, họ từ chối, đổi lịch trình", đại diện một công ty du lịch chuyên thị trường inbound ở Hà Nội cho hay.

Khách Tây thay đổi lịch trình vì… ngại xin visa vào Việt Nam? - 7

Dù đánh giá cao về cảnh quan du lịch song nhiều khách nước ngoài thừa nhận visa của Việt Nam khiến họ chưa mặn mà (Ảnh: Tố Linh).

Ngoài chính sách visa và miễn thị thực, theo ông Christopher Farwell, việc kết nối thị trường của các doanh nghiệp sau dịch Covid-19 của Việt Nam cũng chưa hiệu quả; thiếu văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài; các chuyến bay quốc tế còn ít, giá vé đắt,... Đây cũng là những rào cản làm giảm sức hút của du lịch Việt đối với khách nước ngoài.

Hiện nay, hành vi của du khách quốc tế cũng đã thay đổi so với thời điểm trước Covid-19. Họ tiếp nhận, tìm kiếm thông tin về một điểm đến, sản phẩm du lịch chủ yếu qua các trang web và kênh trực tuyến.

Trong khi đó, công tác quảng bá và phát triển tiếp thị điện tử, chiến dịch truyền thông ngoài nước hay xây dựng sản phẩm du lịch, thông điệp hút khách... của Việt Nam còn yếu và thiếu, khiến khách quốc tế không nắm bắt được nhiều thông tin về du lịch Việt Nam.

"Có thể thấy rõ, hoạt động xúc tiến yếu cũng là trở ngại khiến Việt Nam đón lượng khách quốc tế không như kỳ vọng. Từ sau khi mở cửa đến nay, những hoạt động xúc tiến của ngành du lịch rất ít, chủ yếu do ngành hàng không và các doanh nghiệp du lịch tự chủ động mở thị trường.

Ví dụ như với thị trường Ấn Độ, dù hãng hàng không đã nỗ lực mở đường bay để thu hút nguồn khách tiềm năng nhưng ngành du lịch lại chưa có đợt xúc tiến nào tại thị trường này", đại diện một doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội đánh giá.

Nội dung: Thảo Trinh

Ảnh: Toàn Vũ, Tố Linh