Doanh nghiệp than chính sách visa không còn phù hợp, khó khăn với du khách

Viên Minh

(Dân trí) - Theo chuyên gia, đến nay chính sách visa không còn phù hợp, gây nhiều khó khăn cho khách quốc tế.

Chính sách visa không còn phù hợp

Tại Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế sáng 21/12 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel cho rằng, chính sách visa thực hiện từ ngày 15/3 (ngày mở cửa trở lại hoạt động du lịch sau Covid-19) đến nay đã không còn phù hợp, gây nhiều khó khăn cho khách quốc tế.

Từ đó, ông đề nghị nên có chính sách visa thông thoáng, phù hợp, cần có chính sách multi visa (thị thực du lịch nhiều lần).

Đồng quan điểm, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam cho hay nên mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực, kéo dài thị thực lên 30 đến 45 ngày và được gia hạn nhiều lần, tương tự như Thái Lan.

Đồng thời, mở rộng các quốc gia được cấp thị thực điện tử, tên miền nên được thay đổi để khách nước ngoài dễ tìm kiếm hơn, giao diện thân thiện với khách du lịch quốc tế.

Doanh nghiệp than chính sách visa không còn phù hợp, khó khăn với du khách - 1

Các chuyên gia cho rằng chính sách visa hiện không còn phù hợp gây nhiều khó khăn cho khách quốc tế. (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, nhiều nước hiện cạnh tranh bằng cách tạo điều kiện dễ dàng và hấp dẫn để khách quốc tế nhập cảnh bằng việc miễn thị thực cho khách quốc tế: Malaysia, Singapore miễn thị thực cho 162 quốc gia; Philippines miễn thị thực cho 157 quốc gia; Thái Lan miễn thị thực cho 65 quốc gia trong khi Việt Nam mới đang miễn thị thực cho 24 quốc gia.

Thời gian miễn thị thực của nhiều nước ASEAN kéo dài từ 30 đến 45 ngày, thậm chí là 90 ngày như Thái Lan.

Theo Bộ trưởng, chưa có chính sách visa đặc thù cho bối cảnh mới với yêu cầu cấp thiết của việc thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch hậu Covid-19. Thời hạn miễn thị thực 15 ngày rất ngắn so với các quốc gia trong ASEAN, chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách du lịch quốc tế, đặc biệt là các thị trường xa như châu Âu, thường đi du lịch 3-4 tuần.

Để thúc đẩy du lịch quốc tế đến Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả các thị trường khách và tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp, tăng cường ứng dụng công nghệ.

Đồng thời kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch vào Việt Nam; xem xét thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu cho khách du lịch quốc tế.

Doanh nghiệp than chính sách visa không còn phù hợp, khó khăn với du khách - 2

Toàn cảnh Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế sáng 21/12. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Đa dạng hóa, cấu trúc lại thị trường du lịch

Ngoài ra, tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Saigon Tourist Võ Anh Tài cho biết, trong năm 2023, Saigon Tourist sẽ phối hợp cùng các đối tác du lịch tàu biển toàn cầu lên kế hoạch tổ chức 30 chuyến du lịch tàu biển với hàng nghìn khách trên 1 chuyến tàu và cập cảng ở các địa phương.

Theo ông Tài, nếu được tạo điều kiện thì các chuyến du lịch tàu biển này sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng như các địa phương.

Ông đề nghị đa dạng hóa thị trường du lịch. Các thị trường du lịch trọng điểm như Trung Quốc, Đông Bắc Á chưa có dấu hiệu hồi phục do chính sách phòng, chống dịch Covid-19, cùng với xung đột, suy thoái kinh tế ở nhiều nước, do đó Việt Nam cần tích cực tìm kiếm giải pháp tháo gỡ, khơi thông từng bước các thị trường du lịch quốc tế này. Đồng thời, việc thu hút các thị trường truyền thống và thị trường mới cũng rất quan trọng.

Phó Tổng Giám đốc Saigon Tourist cũng đề xuất tăng cường khai thác du lịch cao cấp quốc tế khách du lịch MICE đến Việt Nam với các sự kiện ngoại giao, thương mại, kinh tế, đầu tư, hội chợ, hội nghị, các sự kiện thể thao, văn hóa quốc tế… tăng cường các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế giữa Chính phủ với các bộ, ngành, các địa phương.

Đồng tình với các kiến nghị, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng cần nghiên cứu, tìm kiếm các thị trường phù hợp, tương tự đối với các sản phẩm du lịch, phải đổi mới các sản phẩm này để phù hợp với thị trường.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế, trong đó các vấn đề liên quan visa, thuế…

Thủ tướng nêu rõ, việc nào thuộc thẩm quyền của các Bộ thì chủ động triển khai, thuộc thẩm quyền Chính phủ thì trình ngay, thuộc thẩm quyền Quốc hội thì nghiên cứu, báo cáo.