DMagazine

Vợ chết, chồng ôm hũ tro đi biệt tích để 2 đứa trẻ trong nhà trọ khóa trái

(Dân trí) - Nghe tiếng con nít khóc ở phòng bên, bà Ngọc cùng người trong xóm trọ phá khóa xông vào. Họ thấy 2 đứa trẻ, đứa lớn chân cột đầu giường, đứa nhỏ tím ngắt không thở nổi.

Vợ chết, chồng ôm hũ tro đi biệt tích để 2 đứa trẻ trong nhà trọ khóa trái

(Dân trí) - Nghe tiếng con nít khóc ở phòng bên, bà Ngọc cùng xóm trọ phá khóa xông vào thấy hai đứa trẻ, đứa lớn chân cột đầu giường, đứa nhỏ tím ngắt không thở nổi.

Người mẹ bất đắc dĩ

5h15' sáng, những người sống trong dãy trọ ở khu phố 3, phường An Khánh, quận 2 (TPHCM) vẫn ngủ. Bà Ngọc và mẹ nghe tiếng con nít khóc ngằn ngặt ở phòng bên, nơi có người mẹ trẻ vừa qua đời 3 hôm trước. Không nghe tiếng người lớn, bà vùng dậy sang xem, thấy cửa khóa. Gọi không thấy anh chồng đâu, thanh niên trong xóm trọ phá cửa xông vào.

"Thằng lớn thì khóc thét. Thằng nhỏ nằm trên giường người tím ngắt, tay chân không đụng đậy, nước tiểu ướt cả lưng lẫn đầu", bà Hồ Thị Ngọc, 55 tuổi quê Tiền Giang kể lại câu chuyện 12 năm trước.

Vợ chết, chồng ôm hũ tro đi biệt tích để 2 đứa trẻ trong nhà trọ khóa trái - 1

Bà Ngọc và hai đứa con nuôi của mình, đứa lớn 15 tuổi, đứa nhỏ 12 tuổi (Ảnh: Diệp Phan).

Bà Ngọc nhớ ba mẹ hai đứa quê miền Bắc, hiền lành, yêu thương nhau. Họ đến sống cạnh phòng trọ của bà được hơn 3 năm. Người chồng làm thợ lặn sắt vụn dưới sông, người vợ ai thuê gì làm nấy. Khi đứa con trai đầu gần 2 tuổi, chị vợ mang thai đứa thứ 2. Chị có bệnh tim, bác sĩ khuyên bỏ nhưng chị quyết giữ con.

Cũng như đứa trước, sinh con xong ở viện, người chồng bỏ con trong chiếc giỏ mây, người vợ thay đồ rồi trốn viện. Hai đứa trẻ không đứa nào có giấy khai sinh. Sinh con được 1 tháng 14 ngày, chị qua đời.

Sau khi mẹ hai đứa mất, hàng xóm quyên góp ít tiền để người chồng mang xác vợ đi thiêu. Hôm sau, anh chồng ôm hũ tro của vợ bỏ đi biệt tích, để lại hai đứa con.

Cả xóm xúm lại, người lo cho đứa lớn, người tìm quần áo, pha sữa. Đứa nhỏ di truyền bệnh tim từ người mẹ, tím tái, đói lả người, không ai nghĩ nó sống được. Bà Ngọc bồng đứa trẻ, tay run rẩy vì chưa từng làm mẹ, nhỏ từng giọt sữa vào miệng bé tí. Đứa trẻ chóp chép... bà thấy thương.

Bà nghĩ thầm: "Bố nó không về, hay mình nuôi nó".

3 tiếng sau, đứa nhỏ hồi tỉnh, da dẻ hồng hào trở lại. Bà Ngọc bế lên phường trình báo. Cán bộ nói sẽ đăng tin tìm người, hẹn bà Ngọc 3 tháng sau quay lại.

Trong xóm trọ hầu hết đều là người đã có gia đình. Chỉ mình bà Ngọc dù đã 42 tuổi vẫn độc thân. Vậy là bà trở thành "người mẹ bất đắc dĩ" của hai đứa trẻ.

Nuôi đứa lớn không khó, nhưng đứa nhỏ bị hẹp van tim, cứ dăm ba ngày thấy nó mệt lại bồng đi bác sĩ. Không dám cho bú sữa bình vì sợ nghẹn, bà chỉ dám đút từng muỗng sữa nhỏ. Ban ngày, bà để má trông rồi đi bưng bê quán hủ tiếu gõ kiếm tiền.

Vợ chết, chồng ôm hũ tro đi biệt tích để 2 đứa trẻ trong nhà trọ khóa trái - 2

3 tháng sau, mẹ con bà Ngọc ẵm hai đứa nhỏ lên phường hỏi tin tức nhưng vô vọng. Cán bộ bảo giờ nếu gia đình không nuôi thì sẽ đưa hai đứa vào trại mồ côi. Nghe tới hai chữ "mồ côi", bà ôm con về, sợ vào đó "nó chết chắc".

Vậy là hai mẹ con bà Ngọc chăm sóc hai đứa trẻ như ruột thịt. Trong tâm bà nghĩ chắc ba nó đi theo mẹ nó rồi, chứ cũng thương con sao đành bỏ vậy.

Khi đứa nhỏ được một tuổi rưỡi, bác sĩ bảo phải tiến hành mổ nong van tim nếu không sẽ khó sống. Nhưng bà chẳng dư lấy một đồng, lại không có bảo hiểm, mỗi đêm thức giấc đút sữa cho con, bà nghĩ đường cùng: "Thôi thì, nuôi nó sống được ngày nào thì sống". Ôm con người dưng, hai hàng nước mắt bà chảy dài.

Gia đình bà Ngọc có tới 14 anh chị em, ai cũng nghèo nhưng có lòng thương người, từ ngày bà nuôi hai đứa, không một ai nói lời ra tiếng vào. Mấy anh chị em góp nhau được một ít nhưng chưa đủ tiền mổ, bà Ngọc đánh liều ôm con gõ cửa từng nhà ở một tòa chung cư gần khu trọ. Có người thấy thương, cho bà tận 5 triệu đồng. Sau ba ngày, bà đưa con nhập viện.

Qua tấm kính, bà thấy con không mặc áo, trên người chằng chịt dây dợ, ống thở bịt kín hai lỗ mũi. Bà Ngọc xót, lần thứ hai bà khóc: "Tui thật sự mong nó được sống", bà Ngọc nhớ lại.

Hai đứa cứng cáp hơn, bà dẫn về quê ở Gò Công, Tiền Giang ăn đám giỗ. Trước bữa cơm, có người bà con nói lớn: "Nhà này trước giờ có ai mà nuôi con hoang đâu". Lời nói lọt tai, bà Ngọc đứng phắt dậy, dẫn hai con ôm bụng đói, bắt xe đò trở lại thành phố giữa trưa nắng.

Những năm đó, bà Ngọc đi làm, việc trông coi hai đứa trẻ nhờ vả vào người mẹ đã gần 90 tuổi. Năm 2014, mẹ bà Ngọc qua đời, không còn ai trông con, tiền thuê nhà đắt đỏ, bà theo chân người quen, một nách hai con dạt về mé sông Vàm Cỏ, huyện Cần Đước, Long An thuê được phòng trọ rộng, rẻ hơn.

Hằng ngày, bà gửi đứa lớn đi học, đứa nhỏ theo bà chặt mía thuê. Bà lót dưới lớp lá mía, trên phủ tấm bạt, dựng 4 cây mía 4 góc rồi che tấm màn, vừa làm vừa trông con. Hết mùa mía lại chở con đi cả chục km hái chanh thuê.

Vợ chết, chồng ôm hũ tro đi biệt tích để 2 đứa trẻ trong nhà trọ khóa trái - 3

Đứa con thứ hai của bà Ngọc đang học lớp 6. Hằng ngày bà đưa đón đi học, nấu cơm mang đến trường ăn để tiết kiệm (Ảnh: Diệp Phan).

Quên cả lấy chồng

Tụi nhỏ không có giấy khai sinh, nhưng không muốn con mù chữ. Bà Ngọc mượn hai tờ khai sinh của cháu ngoại một người chị ở quê cho hai con đi học.

"Đứa lớn học đến lớp 6 thì nghỉ, thầy cô và cán bộ ở phường xuống vận động nhưng nó không chịu đi học vì muốn đi làm phụ mẹ nuôi em", chị Phạm Thị Mai, một người sống gần phòng trọ bà Ngọc kể.

Hai năm trước, bà Ngọc có khối u ở ngực phải nằm viện ở thành phố gần một tuần, bà gửi con cho hàng xóm. Chờ kết quả xét nghiệm, bà sợ mình mắc bệnh ung thư. May sao khối u lành tính, bà Ngọc chỉ cần uống thuốc.

Tối đó về nhà, sau bữa cơm chiều, bà quyết định nói sự thật cho hai con biết. Lấy trong tủ tờ giấy khai tử, tấm hình thẻ của người mẹ và một tờ giấy photo hộ khẩu nhét trong bao gối của đứa nhỏ bà tìm được năm xưa. 

Hai đứa nhỏ không chịu tin, ôm bà khóc nức nở. Đứa lớn nói: "Con chỉ biết mẹ thôi".

Bà Ngọc giãi bày: "Mẹ sợ một ngày mẹ ra đi bất ngờ thì các con sẽ không biết nguồn cội của mình".

Hôm sau, đứa lớn sang chỗ làm ứng 300.000 đồng, đạp xe ra thị trấn in tấm hình, mua trái cây, nhang đèn về đặt lên nóc tủ quần áo thờ mẹ.

Chưa bao giờ bà Ngọc nghĩ mình sẽ đem hai con cho một ai khác. Bà chỉ lo mình không đủ sức khỏe nuôi hai đứa đến lúc tụi nhỏ được 18-20 tuổi. Bởi thế bà luôn dặn con: "Dù sau này có sống với ai thì chỉ cần siêng năng, hiếu thuận thì không lo bị đói".

Bà Ngọc hiện đang làm thuê cho một cơ sở tái chế rác thải nhựa ở gần nhà, với 200.000 đồng tiền công mỗi ngày. Công việc thời vụ bấp bênh, nhưng hợp với người lớn tuổi và tiện việc đưa đón con trai út đi học. Đoạn đường từ nhà đến trường xe cộ đông, căn bệnh tim bẩm sinh chưa khỏi hẳn và sợ tai nạn. "Cứu nó sống lại được từ khi còn ẵm ngửa, nuôi đến giờ này mà có mệnh hệ gì chắc tui không chịu nổi", bà Ngọc nói.

Sau Tết, công ty bỗng ngưng nhập hàng, bà Ngọc thất nghiệp. Tiền ăn, tiền học phí, tiền nhà trọ tới liền liền. Bà đi cắt cỏ thuê cũng không đủ trang trải nên đã vay tạm 3 triệu, mỗi tháng góp 300.000 đồng tiền lời để xoay sở. Vừa đi làm lại được hơn chục ngày nay thì công ty lại cho nghỉ vì không có hàng mới.

Trong căn trọ nhỏ ẩm thấp, bà Ngọc ôm cậu út đang ho sù sụ nói: "Tui thật sự muốn các con tìm được gia đình nội ngoại để tụi nó có mảnh giấy lận lưng".

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1: Mã số 4415:

Bà Hồ Thị Ngọc (55 tuổi)

Địa chỉ: Phòng trọ Tiến Thành, phòng số 83, ấp 3, xã Long Cang, huyện Cần Đước, Long An

Điện thoại: 0383053220

Tài khoản:  6801 0000 711840. Ngân hàng BIDV. Chủ tài khoản: Hồ Thị Ngọc

2: Báo điện tử Dân trí

Số 2, Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội

Tel: 024. 3. 7366.491/ Fax: 024. 3. 7366.490

Email: nhanai@dantri.com.vn

Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:

Tên TK: Báo Điện tử Dân trí

Số TK: 1017378606

Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.

* Tài khoản USD tại VietComBank:

Account Name: Bao Dien tu Dan tri

Account Number: 1017780241

Swift Code: BFTV VNVX 045

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

* Tài khoản EUR tại Vietcombank:

Account Name: Bao Dien tu Dan tri

Account Number: 1022601465

Swift Code: BFTV VNVX 045

Bank Name: BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (Vietcombank)

* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:

Tên TK: Báo Điện tử Dân trí

Số TK: 126000081304

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

* Tài khoản VND tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV)

Tên Tài khoản: Báo Điện tử Dân trí

Số Tài khoản: 26110002631994

Tại: Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam- Chi nhánh Tràng An

Địa chỉ: Số 11 phố Cửa Bắc, Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

ĐT: 0436869656.

* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK: Báo Điện tử Dân trí

Số TK: 0231195149383

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội

* Tài khoản VND tại Ngân hàng Agribank:

- Tên tài khoản: Báo Điện tử Dân trí

- Số tài khoản VND: 1400206035022

- Tại Ngân hàng: Agribank CN Láng Hạ.

* Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)

- Tên tài khoản: Báo Điện tử Dân trí

- Số tài khoản VND: 1017589681

- Chi nhánh Hà Nội.

* Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)

- Tên tài khoản: Báo điện tử Dân trí

- Số tài khoản VND: 333556688888

- Chi nhánh Đông Đô - Phòng GD Thanh Xuân

3: Văn phòng đại diện của báo:

VP Thanh Hóa: Lô 06, đại lộ Võ Nguyên Giáp, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Tel: 0914.86.37.37

- VP Đà Nẵng: Số 1 Lê Duẩn, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.

Tel: 0236. 3653 725

- VP TPHCM: Số 51 - 53 Võ Văn Tần, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM.

Tel: 028. 3517 6331 (trong giờ hành chính) hoặc số hotline 0974567567

- VP Cần Thơ: Số 2, Đại lộ Hòa Bình, Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. 

Tel: 0292.3.733.269

Diệp Phan