DMagazine

"Trái đắng" cho người nghèo miền Tây lên Sài Gòn… thuê đất làm ruộng

(Dân trí) - Đứng nhìn ba công dưa chín rục không kịp bán, bàn tay thô ráp của ông Bá vuốt trái dưa gang thở dài, cổ nghẹn đắng.

"Trái đắng" cho người nghèo miền Tây lên Sài Gòn… thuê đất làm ruộng

(Dân trí) - Đứng nhìn ba công dưa chín rục không kịp bán, bàn tay thô ráp của ông Bá vuốt trái dưa gang thở dài, cổ nghẹn đắng. 

Gần nửa tháng nay, ruộng dưa gang của ông Nguyễn Văn Bá (56 tuổi), nằm sát đường Nguyễn Văn Linh - đoạn qua xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh (TPHCM) chín vàng rực. Giữa mùa khô, cây thiếu nước bắt đầu héo, đất nứt nẻ. Nhìn từ xa chỉ thấy hàng ngàn quả dưa vàng của ông Bá phơi mình dưới nắng.

Để vớt vát, hàng ngày vợ chồng ông trải bạt sát mép đường, cắt dưa bán lẻ để mong lấy lại chút vốn. "Tôi tiếc lắm, thương lái bỗng dưng ngưng thu mua, dưa đã chín mềm không kịp bán đi đâu", ông Bá chia sẻ. 

Trái đắng cho người nghèo miền Tây lên Sài Gòn… thuê đất làm ruộng - 1

Ông Bá đang thu hoạch dưa gang chín cây để bán lẻ. Thương lái ngừng thu mua khiến 3 tấn dưa của ông chín rục phải đổ bỏ. Ảnh: Diệp Phan.

12 năm trước vợ chồng ông Bá từ Trà Vinh lên Sài Gòn lập nghiệp, chồng làm thợ đóng cốp pha, vợ phụ hồ. Hai người con đã lớn đều có công việc làm ăn riêng. Nhưng càng ngày, ông Bá thấy sức khỏe của mình giảm sút, tay cầm búa không còn chắc, thi công những ngôi nhà cao tầng, ông bắt đầu thấy hồi hộp. 

Dù lên Sài Gòn làm thuê đã lâu, nhưng nhìn thấy mảnh đất dự án đang bỏ hoang, hình ảnh đồng lúa, luống dưa bất chợt hiện trong đầu ông. Hơn nửa đời làm thuê, ông Bá vẫn muốn làm một ông nông dân, trồng thật nhiều loại cây từ chính sức lao động của mình. "Máu làm nông" của ông nổi lên, vậy là ông hỏi thăm người dân xung quanh về những chủ đất rồi tìm đến thuê. 

Ông Bá thuê được 17 công đất (17.000m2), một công mỗi năm chỉ 600.000 đồng. Vợ chồng ông trả nhà trọ, chuyển đến dựng túp lều nhỏ trên mảnh đất để sinh sống và bắt đầu canh tác. "Giá thuê đất này rẻ bằng 1/5 ở dưới quê tôi, đất rẻ mình bỏ sức làm ắt có dư", ông háo hức kể lại. 
Mùa đầu tiên, vợ chồng ông bắt đầu với 5 công lúa. Mùa mưa nước dồi dào, đất mềm dễ cày, nên chỉ sau một tuần, những hạt giống đầu tiên bắt đầu được gieo xuống. Phần đất còn lại, ông trồng dưa hấu, dưa gang và cả hoa để bán Tết. 

"Ngày xưa ở dưới quê, nếu thuê được mảnh đất như thế này thì tôi không cần bỏ quê lên Sài Gòn làm thuê làm gì", ông chia sẻ. 

Làm có lãi được một vụ dưa gang và một vụ lúa, ông Bá hy vọng tương lai mảnh đất này sẽ giúp ông có công việc và thu nhập ổn định. Nhưng hai năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch, ông Bá trồng dưa trong tâm trạng thấp thỏm, sợ thương lái ngừng thu mua.

5 luống dưa hấu vừa gieo hạt tháng trước cũng đã bị bỏ hoang vì không có nước tưới. Mùa khô đến, nước trong các kênh rạch xung quanh đều bị nhiễm mặn.

Hiện tại, vợ chồng ông đang thu lại vốn từ việc bán lẻ phần dưa vừa chín tới, còn hơn 3 tấn dưa đang nằm ngoài đồng chờ đổ bỏ. Vì chưa quen buôn bán lại tin người, nên tuần trước, ông Bá bị một lái buôn lừa mất 7 triệu đồng.

"Họ mua dưa nhưng chậm trả tiền, sau một tuần lấy dưa thì đi mất tăm, tui nghĩ có làm thì có ăn, không ngờ lại nhiều rủi ro đến vậy", ông chia sẻ. 

Trái đắng cho người nghèo miền Tây lên Sài Gòn… thuê đất làm ruộng - 2

Căn lều vợ chồng ông Bá dựng trên mảnh đất thuê được. Để có nước nấu ăn, vợ chồng ông phải mua từng can nước máy, giá 13.000 đồng/can 20 lít. Tắm rửa, giặt đồ sử dụng nước dưới ao. Ảnh: Diệp Phan. 

Cách chỗ của ông Bá khoảng 500m, 3 ao nuôi cá trê của vợ chồng ông Thạch Thanh (58 tuổi) vừa thu hoạch đợt cuối trước khi cạn nước. Giữa mùa khô nên không thể nuôi cá hay tiếp tục trồng trọt, 5 công đất thuê của ông đang bỏ không.

"Chục ngày trước tui gieo thử một giàn bầu, nhưng nước dưới ao mặn quá, tưới cây không sống nổi", ông kể. 

Để có tiền trang trải sinh hoạt, mỗi buổi sáng, ông Thanh đến các con sông lớn quanh vùng để bắt cá. Vợ ông, bà Thạch Thị Phượng (47 tuổi) đi mót rau đắng ở những bãi đất trống. Sau bữa cơm trưa, hai vợ chồng ông Thanh đem những thứ mình kiếm được ra đường bán đến tối mịt.

Vợ chồng ông Thanh là người dân tộc Khơ-me, quê ở Sóc Trăng. 5 năm trước, họ mất đi một người con vì đuối nước. Ám ảnh con sông trước mặt nhà đã cuốn con đi, ông Thanh bàn với vợ bán nhà lên Bình Dương làm ăn. "Tui xin vào làm mướn ở một vài công trình, rồi bảo vệ công ty nhưng người ta chê tôi già không nhận", ông Thanh nhớ lại. 

Cầm 60 triệu tiền bán nhà, vợ chồng ông thuê đất trồng rau, cà chua... Nhưng mỗi nơi chỉ làm một hai vụ thì bị chủ đất đòi lại. Không có kinh nghiệm và chậm cải tiến nên sản phẩm làm ra không đạt chất lượng, xoay sở cũng chỉ đủ ăn chứ không có lãi.

Hai năm trước, vợ chồng ông dẫn người con út tiếp tục lên Sài Gòn thuê đất đào ao nuôi cá. Đợt đầu tiên ông thả 100kg cá giống, chi phí gần 20 triệu nhưng chỉ thu về hơn 10 triệu. Lớp thì cá chết, lớp thì mưa xuống tràn ao, cá trôi đi mất. Thuê tiếp mảnh đất dự án để trồng dưa hấu thì bị mất trắng 12 triệu vì chủ đầu tư đến khởi công công trình. 

Trái đắng cho người nghèo miền Tây lên Sài Gòn… thuê đất làm ruộng - 3

Vợ chồng ông Thanh làm cá và bán ngay trên đường. Mỗi ngày ông Thanh thả lưới được hơn 10kg các loại cá, thu nhập mỗi ngày khoảng 150.000 đồng. Ảnh: Diệp Phan. 

Vốn cạn, nhà ở quê đã bán, vợ chồng ông Thanh được người ta chỉ đến mảnh đất gần nơi ông Bá đang thuê. Thuê được một mảnh đất rộng là cứu cánh cuối cùng của vợ chồng ông nếu họ vẫn còn muốn ở lại Sài Gòn. 

Sau 2 ngày hỏi thăm, ông tìm được chủ đất và thuê được 5 công, chỉ toàn cỏ lau mọc cao quá đầu người. Ông Thanh mua cây rựa dài, bắt tay "khai hoang". Rồi ông dựng một lều nhỏ ở sát đường lớn, gom cỏ khô đốt sạch. Trước mặt ông, những ao cá, luống dưa, giàn bầu hiện ra.

"Tui ước chủ đất cho tui thuê lâu dài, nuôi trồng được, về già, có vốn vợ chồng tui sẽ về quê. Ở quê giờ này tui cũng không làm gì được vì hạn mặn, đất Sài Gòn thuê rẻ vậy tui nghĩ sẽ làm được, chỉ sợ chủ dự án đến thu hồi đất thì buộc phải đi chỗ khác", ông Thanh cười. 

Dọn cỏ xong, ông thuê xe xúc đào 3 cái ao, vợ chồng ông tiếp tục nuôi cá. 1h-5h sáng, vợ chồng ông đến chợ đầu mối Bình Điền làm ca thuê. "Vừa kiếm thêm thu nhập lại được đem ruột cá về làm thức ăn cho cá", bà Phượng, vợ ông kể. 

Có những ngày ruột cá nhiều, ông Thanh chở về trước, bà Phượng đi bộ về sau. Bị bệnh đau khớp nên trên đoạn đường gần 2km từ chợ về nhà, bà Phượng dừng lại nghỉ chân không biết bao nhiêu lần. "Đi một đoạn lại phải ngồi nghỉ, đau quá tôi lại khóc", bà Phượng kể. 

"Quanh đây đất dự án nhiều nhưng đa số bỏ hoang, ít ai bỏ công ra để làm, thấy có người đến trồng lúa, trồng dưa khiến tui bất ngờ. Đất đai ở đây không ai nghĩ sẽ trồng trọt được", ông Nguyễn Văn Nguyên (67 tuổi), một người dân sống ở khu vực chia sẻ. 

Trái đắng cho người nghèo miền Tây lên Sài Gòn… thuê đất làm ruộng - 4

Cá không bán được, vợ chồng ông sẽ phơi khô bán tiếp. Ông Thanh chờ mùa mưa mới bắt đầu trồng trọt lại. Ảnh: Diệp Phan.

Trên mảnh đất dự án thuộc ấp 2, xã An Phú Tây còn có thêm vài hộ gia đình từ miền Tây lên Sài Gòn thuê đất dự án làm ruộng, làm rẫy. Ngồi trong căn chòi vừa mới dựng được hơn 3 tháng nay, ông Thạch Than, em trai ông Thanh rót trà mời những người hàng xóm đến chơi. 

Theo anh trai lên Sài Gòn mấy tháng nay, vừa thuê được vài công đất để dựng lều và trồng dưa hấu nhưng ông Than đã thấy cảnh lỗ vốn, thất nghiệp trước mắt. 

"Mọi người ở đây không ai biết Sài Gòn mùa khô nước cũng bị nhiễm mặn nên cứ gieo hạt. Đến thời điểm này khi dưa chuẩn bị ra trái thì không có nước tưới, tui đã bỏ liều 2 công dưa rồi", ông nghẹn giọng nói. 

Để an ủi người bạn và cũng là người hàng xóm mới của mình, ông Bá nói với vợ chồng ông Than: "Sắp đến mùa mưa rồi, ráng xoay sở đến lúc đó ắt sẽ trồng được". 

Con trai ông Than là Thạch Bằng, mới 15 tuổi nhưng đã nghỉ học theo cha mẹ lên Sài Gòn, Bằng nói: "Em nghĩ lên Sài Gòn sẽ có cuộc sống khác, nhưng hóa ra cũng giống như ở dưới quê. Khác một điều là dưới đó gia đình em mần mướn, lên đây thì mần cho nhà mình". 

                                                                                                               Diệp Phan