DMagazine

Mối tình đẹp như mơ của cô gái Sài Gòn nguyện yêu và bế chồng suốt đời

(Dân trí) - Biết sẽ bị gia đình Thơ phản đối chuyện tình cảm, Lâm quyết trở thành giáo viên, làm đủ việc để chứng tỏ lo được cho vợ dù anh liệt tứ chi.

Mối tình đẹp như mơ của cô gái Sài Gòn nguyện yêu và bế chồng suốt đời

(Dân trí) - Biết sẽ bị gia đình Thơ phản đối chuyện tình cảm, Lâm quyết trở thành giáo viên, làm đủ việc để chứng tỏ lo được cho vợ dù anh liệt tứ chi.

5h30 sáng, trong căn hộ nhỏ ở Làng May Mắn, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân (TPHCM), Nguyễn Thị Minh Thơ, 36 tuổi, bắt đầu một ngày mới bằng việc làm quen thuộc: Tập vật lý trị liệu cho chồng.

Nắm cánh tay mềm nhũn của chồng, Thơ kéo ra, co vào để lưu thông máu. Hết bài tập tay lại đến chân, thỉnh thoảng cô lật chồng nằm nghiêng rồi xoa bóp bả vai.

Chừng nửa tiếng sau, người phụ nữ bặm môi, dùng hết sức xốc mạnh một hơi bế chồng từ giường ngồi vào chiếc xe lăn điện. Chiếc áo đẫm mồ hôi, Thơ vuốt qua mái tóc vẫn chưa kịp chải, vào bếp lo bữa sáng.

Người chồng của Thơ, anh Nguyễn Ngọc Lâm, 37 tuổi, quê Thanh Hóa liệt tứ chi sau vụ tai nạn năm 2004, khi vừa học xong năm nhất trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước.

Lâm nằm viện gần hai năm nhưng sức khỏe không tiến triển. Đến khi gia đình cạn tiền, bố anh vào TPHCM định chuyển anh về quê, bởi theo lời bác sĩ, một người sống thực vật như anh, "nằm viện không có kết quả" lại rất tốn kém.

Mối tình đẹp như mơ của cô gái Sài Gòn nguyện yêu và bế chồng suốt đời - 1

Thơ trở thành đôi tay, đôi chân của Lâm. Mọi sinh hoạt của anh đều phải nhờ vợ. Trước đây, Thơ chỉ bưng được thùng nước nặng 20 kg, nhưng giờ cô ẵm được chồng nặng gần 45 kg. Ảnh: Xuân Hà

Đoán chắc nếu mình về quê chỉ nằm một chỗ sớm muộn gì cũng chết, Lâm và cậu em trai xin bố cho ở lại thành phố này bán vé số, tìm kiếm cơ hội điều trị. "Tôi chưa bao giờ có ý định tự tử vì tôi sống được đã là một điều may mắn. Tôi còn trẻ, tôi phải sống", Lâm hồi tưởng.

Được người quen giới thiệu, Lâm biết đến Nhà May Mắn - mái ấm dành riêng cho bệnh nhân, trẻ mồ côi và người khuyết tật. Ở đây, Lâm được chăm sóc y tế, tập vật lý trị liệu, ăn uống miễn phí. Anh còn được trung tâm dạy nghề tin học. Kết quả giám định y khoa ngày Lâm vào trung tâm cho biết, anh chỉ còn 3% sức khỏe.

Cũng chính vì thế, để sử dụng được phím và chuột, lấy chứng chỉ tin học, anh mất gần 7 năm. Những đồng tiền thu nhập đầu tiên của chàng trai liệt cả tứ chi đến từ công việc: Đánh máy thuê.

Lâm và Thơ quen nhau từ giữa năm 2013. Khi đó, cô gái quê Bến Tre đang làm công nhân ở quận 7. Lần đầu đọc bài thơ của Lâm trên nhóm Facebook, cô cảm thấy rất cảm động. "Thấy tấm hình anh ngồi trên xe lăn nên tôi lại càng tò mò muốn tìm hiểu", Thơ nhớ lại.

Cuối năm 2014, Thơ quyết định gặp mặt Lâm với tư cách là những người bạn. Đến đúng bữa trưa, Thơ chứng kiến Lâm phải dùng chiếc muỗng đặc biệt kẹp vào cổ tay để xúc ăn, nhưng cơm vẫn rơi trên bàn. Chưa xong bữa, chân Lâm bỗng gồng lên, co cứng đạp vào bàn hất đổ, cơm văng tung tóe. "Nhìn trên hình, tôi nghĩ anh chỉ không đi được còn tay vẫn bình thường vì anh nhắn tin rất nhanh", Thơ nhớ lại.

Mối tình đẹp như mơ của cô gái Sài Gòn nguyện yêu và bế chồng suốt đời - 2

Lâm đang là giáo viên dạy tin học cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 tại Làng May Mắn. Để điều khiển được cổ tay, anh phải mang nẹp, thanh tre giúp anh hướng dẫn học sinh dễ hơn các thao tác trên máy tính. Ảnh: Xuân Hà

Qua những dòng tin nhắn, tình cảm của hai người lớn dần. Anh Lâm kể, lần thứ hai họ gặp mặt nhau sau một tháng, khi thấy dáng cô bạn sang đường, anh có cảm giác như mình đang chờ đón vợ.

Thơ chuyển đến ở trọ gần chỗ Lâm để hỗ trợ anh được nhiều hơn. Từ đó, cứ sáng sớm cô đến phụ cậu em trai chăm sóc bạn trai, tan làm lại đến lo cơm nước. Nhưng bản thân cô cũng gặp những khó khăn. Thơ thử nhiều chỗ làm mới nhưng không phù hợp, lương thấp, mẹ ở quê bệnh nhưng không có tiền gửi về.

Thấy bạn gái định chuyển về Tiền Giang làm cùng một người em, anh Lâm nghĩ, nếu cô đi, tình cảm của hai người sẽ khó duy trì, Nhưng để tiến tới hôn nhân khi chưa lo được cho vợ, chắc chắn sẽ bị gia đình phản đối. Vì thế, anh thuyết phục cô ở lại, cùng tạo dựng sự nghiệp.

Thơ đồng ý ở lại, như một minh chứng về tình cảm của cô dành cho anh. Lâm sau đó được trung tâm nhận làm giáo viên dạy tin học cho học sinh cấp 1 và cộng tác viết bài cho nhiều tờ báo. Thơ cũng xin được chỗ làm phù hợp hơn. Hai người bắt đầu để dành được tiền.

Đã xác định tình cảm của mình từ ngày dọn đến ở cạnh Lâm, Thơ quyết định làm vợ người thanh niên nhưng vẫn giấu gia đình. Một lần về thăm nhà, Thơ lén lấy hộ khẩu làm thủ tục để đăng ký kết hôn. Vợ chồng anh được trung tâm hỗ trợ cho thuê một căn phòng giá rẻ để ở và tiện việc dạy học. Thơ nghỉ việc công ty, ở nhà bán hàng online và chăm sóc chồng.

Mối tình đẹp như mơ của cô gái Sài Gòn nguyện yêu và bế chồng suốt đời - 3

Mỗi ngày, Thơ bế Lâm lên, xuống giường khoảng 4 lần. Trước khi xuống xe, Lâm phải tập vật lý trị liệu khoảng 30 phút. Ảnh chỉ còn cảm giác từ phần ngực trở lên. Ảnh: Xuân Hà

Năm 2018, khi Lâm phụ gia đình trả dứt số nợ vay kể từ ngày anh bị tai nạn, Thơ phụ mẹ một số tiền sửa lại căn nhà xập xệ, lo xong gia đình, hai người quyết định làm đám cưới.

Ngày Thơ đưa tấm hình của Lâm cho mẹ xem, mẹ cô chỉ khóc, bà nói: "Nó như vậy rồi làm gì ăn, sao lo được vợ con?". Thơ kể về Lâm, nói về việc đã phấn đấu có sự nghiệp, lo cho gia đình xong mới dám công khai tình cảm, mẹ cô xuôi lòng.

Sau cái gật đầu của mẹ kèm lời dặn "Sau này khổ vẫn ráng phải chịu", tháng 12 năm đó, vợ chồng Lâm tổ chức tiệc cưới tại khuôn viên Làng May Mắn với hơn 400 khách mời.

Cô Phạm Thị Hà, 63 tuổi, giáo viên tiểu học ở Làng May Mắn nói: "Lâm là trường hợp liệt tứ chi nặng nhất ở trung tâm từ trước đến nay. Việc em ấy nỗ lực để có cái nghề đã là một điều tuyệt vời. Chuyện Lâm lấy được vợ, lại là một cô gái bình thường là điều không ai dám nghĩ".

Bên nhau gần 7 năm, Thơ ít khi gặp bạn bè, ít đi chơi xa hay mua sắm. Cô khép mình trong căn phòng nhỏ cùng chồng, chăm sóc anh như một đứa trẻ. Những lần về quê của cô thưa dần, vội vã 1-2 ngày lại phải lên Sài Gòn để chăm sóc chồng.

Tết năm ngoái, Thơ ốm, nhấc người lên cũng không nổi, cô phải nhờ một người trong trung tâm nấu hộ chén cháo. Lâm chỉ biết giúp vợ bằng cách lái xe lăn điện ra cửa hàng mua vài hũ nước yến tẩm bổ. "Ngày thường đã lo cho chồng, đến lúc bệnh cũng phải lo. Chẳng biết đến tối ai sẽ bế chồng lên giường", nhìn chồng trên xe lăn, bản thân thì nhớ nhà, người vợ trẻ quay mặt kìm giọt nước mắt.

Suốt 9 năm qua, cặp vợ chồng trẻ chưa lúc nào cảm thấy hối hận dù có những lúc gặp khó khăn tưởng chừng như không vượt qua nổi. Giờ đây, trong căn phòng nhỏ của họ có thêm 2 chú chó nhỏ làm bạn. Thi thoảng, nhìn vợ chọn lựa những bộ quần áo nhỏ xíu mặc cho lũ chó, dù không nói nhưng Lâm biết, vợ cũng thèm có tiếng trẻ bi bô trong nhà.

Thơ cũng thừa nhận mơ ước của mình. "Tôi không trẻ khỏe mãi để chăm sóc anh, ước nguyện lớn nhất của vợ chồng tôi bây giờ là có một đứa con", Thơ nói với giọng hy vọng. Nhưng khi nhớ đến những người liệt tứ chi như chồng chưa ai có con trong khi kinh phí để làm thụ tinh nhân tạo lại quá sức với cả hai vợ chồng, cô nén tiếng thở dài.

"Một người nỗ lực, biết nghĩ lo cho mình, nghĩ cho người khác như Lâm xứng đáng có một tình yêu đẹp. Còn một cô gái như Thơ cũng xứng đáng có một đứa con", cô giáo Hà nói.

Xuân Hà