1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường: "Có những thời điểm hết sức... sóng gió"

Thế Kha

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ngành Tài nguyên - Môi trường từng đứng trước những những thời điểm hết sức khó khăn, sóng gió, nhưng rồi đã dần thoát khỏi thế bị động, bất ngờ...

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi với báo chí về những kết quả đã đạt được của ngành trong 5 năm qua, kế hoạch sẽ triển khai trong thời gian tới và những trăn trở của cá nhân ông.

Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường:

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (Ảnh: Khương Trung).

- Nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm qua (2016-2020), Bộ trưởng có thể khái quát những kết quả nổi bật nhất mà ngành tài nguyên và môi trường đã đạt được?

- Trong 5 năm qua, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ, ngành tài nguyên và môi trường đã đứng trước những thời điểm hết sức khó khăn, sóng gió. Các lĩnh vực quản lý của ngành, nhất là môi trường luôn có những điều hết sức bị động, bất ngờ. Nhiều địa bàn khác nhau, nhiều dự án khác nhau, các sự sự cố môi trường thường xảy ra. Đáng chú ý nhất là sự cố gây ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra.

Các lĩnh vực khác như đất đai, khoáng sản cũng trở thành điểm nóng. Biến đổi khí hậu tác động ngày càng lớn và nghiêm trọng; thời tiết cực đoan xảy ra trên khắp cả nước…

Tôi nói như vậy để thấy các lĩnh vực mà ngành tài nguyên môi trường quản lý luôn đứng trước những vấn đề hết sức bị động, bất ngờ và lúng túng. Cá nhân tôi là Bộ trưởng, cũng như toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức của ngành đều có tâm trạng hết sức lo lắng. Vì thế, chúng tôi đã tập trung, toàn tâm toàn ý để giải quyết các sự cố, giải quyết các vấn đề mang tính chất sự vụ để ứng phó với các vấn đề mới nảy sinh.

Trong nhiệm kỳ 2016-2020, Đảng và Nhà nước đã khẳng định đây là giai đoạn chuyển tiếp, sang giai đoạn mới, phát triển thân thiện với môi trường. Trung ương, Bộ Chính trị đã có những chủ trương để xây dựng chính sách mới theo hướng phát triển kinh tế không ảnh hưởng đến môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu nên đã đạt được những kết quả to lớn.

Đây cũng là bài học hết sức quan trọng đối với công tác quản lý tài nguyên và môi trường. Nếu còn quan điểm, nhận thức là phát triển trước, xử lý môi trường sau thì bài toán về kinh tế sẽ phải trả giá rất đắt.

Bên cạnh đó, việc ban hành nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển cũng đã làm thay đổi cơ bản về nhận thức và tư duy quản lý. Trong đó lấy tiêu chí phát triển kinh tế xã hội dựa trên sự phát triển hài hòa, nền tảng bền vững về hệ sinh thái tự nhiên.

Các vấn đề khác như tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản cũng đã được chúng tôi tập trung rà soát cùng với các địa phương, lắng nghe địa phương để thấu hiểu các vướng mắc và từ đó tháo gỡ khó khăn, đưa các nguồn lực vào phát triển, sử dụng hiệu quả.

Có thể khẳng định rằng, công tác quản lý tài nguyên và môi trường đã chuyển biến từ bị động, bất ngờ sang chuẩn bị bài bản, đồng bộ các cơ chế chính sách. Nhận thức của người dân về môi trường đã được nâng lên rất cao.

Chính nhờ những việc đó đã xác định được các phương pháp quản lý, xác định mô hình về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế cacbon thấp và kinh tế tuần hoàn là nhiệm vụ hết sức chủ đạo, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững hơn.

Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường:

Đoàn công tác liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì kiểm tra công tác môi trường, xử lý chất thải tại Công ty Formosa Hà Tĩnh vào tháng 12/2020.

Sau "bài học Formosa Hà Tĩnh" xả thải gây ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những điều chỉnh về cơ chế chính sách, giải pháp như thế nào để việc quản lý chuyển sang hướng "chủ động kiểm soát nguồn thải" ?

- Sau bài học nêu trên, chúng tôi đã xác định ngay từ chủ trương đầu tư, quy hoạch phát triển, ngay trong quá trình thẩm định sơ bộ và đánh giá tác động môi trường,… phải làm thực chất, kỹ lưỡng và dựa trên đánh giá về trình độ công nghệ, kinh nghiệm của thế giới bởi chúng ta không có đầy đủ thông tin.

Chúng tôi cũng xác định rất rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư để có thể đánh giá, dự báo và nhận dạng được các tác động có thể xảy ra, đặc biệt là khí thải, nước thải và chất thải rắn. Cùng với đó là những yêu cầu hết sức cụ thể về giám sát chặt chẽ các nguồn thải và tính toán đến giải pháp kỹ thuật để phòng ngừa các sự cố môi trường. Đồng thời với đó là các biện pháp xử lý cụ thể chất thải.

Nhưng điều quan trọng hơn, tôi cho rằng nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ ngành, địa phương thì các cơ quan quản lý không thể phát huy hết được năng lực. Vì thế nên phải thông qua các hội đồng, quá trình thẩm định phải huy động được lực lượng chuyên gia, nhà khoa học. Việc tập trung này được làm với mọi dự án.

Chúng tôi cũng đã phân ra 17 loại ngành công nghiệp phải được giám sát đặc biệt. Trong đó xác định quy mô và tính chất nguy hiểm để từ đó xác định các trường hợp để giám sát đặc biệt.

Một bài học quan trọng nữa cũng hết sức quan trọng, tôi cho rằng cần sự tham gia giám sát của người dân và trách nhiệm của chính quyền địa phương. Một khi đã nhận dạng được tác động sẽ đưa ra được các yêu cầu, đòi hỏi các dự án phải công khai tất cả thông tin để người dân biết. Chính người dân sẽ là "tai mắt" của chúng ta để phát hiện và kịp thời có giải pháp, xử lý.

Thậm chí, ngay từ khi làm quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch liên quan đến môi trường đã cần phải có sự tính toán để không xảy ra các xung đột trong tương lai. Các bộ, ngành, các địa phương cần có sự phối hợp mạnh mẽ hơn nữa và cao hơn là sự phối hợp giữa các quốc gia trong việc giải quyết vấn đề môi trường.

- Vậy trong năm 2021 và giai đoạn tới, ngành tài nguyên và môi trường sẽ có những định hướng, chiến lược quản lý, phát triển nào, thưa ông?

- Tôi muốn nói rằng những việc chúng tôi đã thực hiện được trong thời gian qua mới chỉ là xây dựng những nền tảng ban đầu, mà không phải tất cả các lĩnh vực đều làm được.

Đối với lĩnh vực môi trường, chúng ta đã có nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, đã có những chủ trương quan trọng được đưa vào các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Chúng ta cũng đã có Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ tháng 1/2022 nên đối với môi trường - 1 trong 3 trụ cột quan trọng của phát triển bền vững, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện, triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, chế định nhiều chính sách quan trọng mà trong luật đã quy định khung, tạo ra hoạt động truyền thông rộng lớn hơn nữa.

Một trong những nội dung quan trọng của Luật Bảo vệ môi trường là lấy người dân làm lực lượng nòng cốt. Người dân phải là người thực hiện, tham gia nhưng đồng thời cũng là người giám sát về các vấn đề môi trường.

Nếu mỗi người dân đều có ý thức, đoàn kết, có quyết tâm cao và coi việc bảo vệ môi trường quan trọng giống như người dân đất nước ta đang rất đoàn kết chống lại dịch Covid-19 thì tôi cho rằng đó là sức mạnh rất lớn để thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, cũng như góp phần làm cho đất nước chúng ta đi vào giai đoạn mới phát triển kinh tế mới, phát triển bền vững đất nước.

Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường:

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trong cuộc trao đổi với báo chí trước thềm năm mới (Ảnh: Khương Trung).

- Đến thời điểm hiện tại, ông còn điều gì trăn trở với công tác quản lý tài nguyên môi trường hiện nay?

- Tôi còn rất nhiều điều trăn trở. Bởi vì lĩnh vực tài nguyên môi trường rất rộng lớn, phụ thuộc rất nhiều vào các lĩnh vực kinh tế khác, phụ thuộc vào tư duy và mô hình phát triển. Để khắc phục, sửa chữa các vấn đề môi trường trong một mô hình phát triển không phù hợp thì khắc phục, sửa chữa không phải một sớm một chiều.

Tài nguyên là tài sản quốc gia, nguồn lực quốc gia. Vì vậy làm sao chúng ta phải nắm chắc, lượng hóa để sử dụng nguồn lực này một cách hiệu quả nhất. Điều này đòi hỏi công tác điều tra, đánh giá rất nhiều mới có thể đạt được. Trong khi đó nguồn lực hằng năm đầu tư cho điều tra cơ bản thiếu, trên đất liền ta mới đánh giá được một phần, ở biển thì chúng ta hoàn toàn chưa nắm bắt được.

Do đó, chúng ta chưa thể hạch toán, phân bổ, tính toán cho đầu vào phát triển. Hay như trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, dù đã có nhiều cố gắng nhưng rõ ràng biến đổi khí hậu cực đoan, khó đoán định, có thể nói đang đặt ra một gánh nặng lên ngành tài nguyên môi trường, đặc biệt ngành khí tượng thủy văn vào mùa mưa lũ. Nó đòi hỏi chúng ta nâng cao hơn nữa chất lượng dự báo, cảnh báo. Điều quan trọng hơn là phải đánh giá được tác động của biến đổi khí hậu, từ đó đưa ra quy hoạch thích ứng chứ không phải hàng năm bị động và ứng phó. Điều này là sự trăn trở rất lớn đối với tôi.

Chúng ta đang ở một quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu như vậy thì một mặt phải giảm nhẹ các nguyên nhân gây ra biến đổi nhưng mặt khác phải làm tốt công tác giám sát về biến đổi khí hậu.

Tài nguyên môi trường là lĩnh vực hoạt động liên quan sát sườn đến người dân, đặc biệt chúng ta đang chủ yếu dựa vào nó để phát triển kinh tế. Do đó, cần phải giải quyết mối quan hệ cân bằng giữa việc đưa nguồn lực này vào phát triển và vấn đề bảo tồn, hài hòa giữa các nhu cầu.

Nhu cầu này không chỉ giải quyết cho từng lĩnh vực mà phải giải quyết cho nhiều thế hệ. Vì thế hệ sau cũng cần có không gian, cần có đất đai, cần có nguồn lực để phát triển. Nếu môi trường ô nhiễm rồi thì thế hệ tương lai cũng không thể phát triển được. Điều này là bài toán rất khó.

Tôi cho rằng chúng ta cần phải giải quyết bài bản từ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, từ nhận thức, thay đổi trong tư duy của chúng ta để lựa chọn mô hình phát triển. Phòng ngừa là chính, chứ việc xảy ra rồi thì việc khắc phục, sửa chữa thì giá phải trả rất đắt, rất khó.

-Xin cảm ơn ông !