1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Ukraine kêu gọi phương Tây viện trợ nhiều hệ thống phòng không?

Linh Phong

(Dân trí) - Lợi thế về số lượng hệ thống phòng không là yếu tố cần thiết để Ukraine có thể đối phó với các cuộc không khích bằng tên lửa và thiết bị không người lái từ Nga.

Vì sao Ukraine kêu gọi phương Tây viện trợ nhiều hệ thống phòng không? - 1

Các tên lửa của Nga đã phá hủy nhiều mục tiêu tại Ukraine trong tháng 10 (Ảnh: Reuters).

Tên lửa và thiết bị không người lái

Từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2, Ukraine đã nhận hàng loạt vũ khí từ Mỹ và các đồng minh phương Tây khác. Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra đề nghị khẩn cấp đặc biệt về việc bổ sung các khí tài phòng không từ phương Tây để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng đường không của Nga.

Vào ngày 10/10, quân đội Nga bắn hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tên lửa hành trình vào nhiều mục tiêu tại Ukraine, sau vụ cầu Crimea bị tấn công mà Moscow cáo buộc là Kiev đứng đằng sau. Tên lửa đạn đạo di chuyển theo quỹ đạo định sẵn nên theo dõi chúng là việc tương đối dễ dàng. Tên lửa hành trình có một hệ thống đẩy cho phép chúng duy trì tốc độ và di chuyền theo quỹ đạo khó lường hơn, bao gồm cả quỹ đạo gần mặt đất. Việc phát hiện, theo dõi và bắn chúng khó hơn nhiều.

Sau đó, vào ngày 17/10, quân đội Nga đã phóng một loạt thiết bị không người lái (UAV) mang chất nổ xuống thủ đô Kiev của Ukraine. UAV mang chất nổ đang trở thành loại vũ khí lợi hại mà hệ thống phòng không khó tiêu diệt. Bằng cách bay vòng trên đầu, chúng có thể khảo sát địa hình, thu thập thông tin trước khi xác định một mục tiêu cụ thể để tấn công. Giới chức Mỹ đã cáo buộc Nga mua UAV từ Iran để sử dụng tại Ukraine.

Vì sao Ukraine kêu gọi phương Tây viện trợ nhiều hệ thống phòng không? - 2

Một máy bay không người lái của Nga xuất hiện ở Kiev, Ukraine ngày 17/10 (Ảnh: Reuters).

Các hệ thống phòng không

Hoạt động phòng thủ trước các mối đe dọa trên không liên quan tới một hệ thống gồm nhiều yếu tố. Trước tiên, các radar cảnh báo sớm ở biên giới Ukraine phát hiện sự xuất hiện của tên lửa hoặc thiết bị bay. Một mạng lưới các radar phân tán tiếp tục theo dõi vật thể trong quá trình bay. Tên lửa đất đối không là giải pháp chính để chặn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Đây không phải việc dễ vì hỏa tiễn đất đối không phải theo dõi, khóa mục tiêu rồi lao vào mục tiêu đang di chuyển với tốc độ cao và có thể đổi hướng bất kỳ lúc nào.

Ở Mỹ, các vị trí chiến lược quan trọng như Nhà Trắng được bảo vệ trước những cuộc tấn công từ trên không bởi Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS). NASAMS có khả năng chống nhiều loại vũ khí - bao gồm tên lửa hành trình, máy bay và máy bay không người lái. Mỗi NASAMS chứa 12 tên lửa đánh chặn. NASAMS là một trong những lựa chọn mà Mỹ xem xét để hỗ trợ Ukraine.

Vì sao Ukraine kêu gọi phương Tây viện trợ nhiều hệ thống phòng không? - 3

Mỗi khẩu đội tên lửa Iron Dome (Vòm sắt) bao gồm 3 đến 4 bệ phóng tên lửa, mỗi bệ phóng có tới 20 tên lửa đánh chặn (Ảnh: Mediafax).

Một ví dụ đáng chú ý khác về hệ thống phòng không là Iron Dome (Vòm sắt) của Israel, có khả năng chống tên lửa và đạn pháo từ khoảng cách 250 km. Mỗi khẩu đội tên lửa Iron Dome bao gồm 3 đến 4 bệ phóng tên lửa, mỗi bệ phóng có tới 20 tên lửa đánh chặn.

Nhiều báo cáo cho thấy Iron Dome có khả năng tiêu diệt tới 90% tên lửa bay tới Israel. Mark Thompson, một nhà báo kỳ cựu về quân sự ở Mỹ, nhận định Iron Dome là một trong những hệ thống đánh chặn tên lửa hiệu quả nhất thế giới.

Cả NASAMS và Iron Dome đều là những giải pháp hiệu quả để chống UAV. Tuy nhiên, tên lửa đánh chặn đất đối không là giải pháp tốn kém để phòng thủ trước các mục tiêu chi phí thấp như UAV và chúng có thể lâm vào tình thế bị động nếu số lượng UAV quá lớn. Nhiều trung tâm nghiên cứu đang chế tạo những loại vũ khí năng lượng định hướng như laser năng lượng cao để tạo ra một cách tiếp cận hiệu quả hơn về chi phí trong nỗ lực vô hiệu hóa UAV giá rẻ.

Cuộc đua về số lượng

Có thể dễ dàng hiểu lý do Ukraine cần thêm các hệ thống phòng không trong một cuộc chiến mà số lượng vũ khí sẽ quyết định cục diện. Mỗi hệ thống phòng không có thể ngăn chặn hiệu quả một loại vũ khí tấn công khác nhau. Tuy nhiên, không hệ thống phòng thủ nào đạt hiệu quả 100%.

Hơn nữa, đối phương có thể làm giảm đáng kể hiệu quả của hệ thống phòng không bằng cách phóng nhiều hỏa tiễn cùng lúc. Do đó, bên tấn công luôn có thể áp đảo bên phòng thủ nếu số lượng hỏa tiễn của họ lớn hơn. Ngược lại, việc bên phòng thủ có đủ số lượng hỏa tiễn đánh chặn có thể khiến bên tấn công ngừng bắn hoàn toàn. Nó trở thành một cuộc chiến tiêu hao, với chiến thắng thuộc về bên có nhiều tên lửa hơn.

Ukraine có đủ hệ thống phòng không để bảo vệ các mục tiêu quân sự chiến lược như trung tâm chỉ huy và kiểm soát và kho đạn. Nhưng họ không có đủ hệ thống phòng không để bảo vệ các tài sản quan trọng khác như đầu mối giao thông, nhà máy điện và nước - những loại mục tiêu mà lực lượng Nga nhắm tới trong những ngày gần đây.

Nếu phương Tây đồng ý cung cấp một số lượng lớn hệ thống phòng không cho Ukraine, điều đó có thể làm thay đổi đáng kể diễn biến của cuộc xung đột. Tới thời điểm nào đó, Nga sẽ đối mặt viễn cảnh cạn kiệt tên lửa. Giới phân tích dự báo Nga sắp hết tên lửa có độ chính xác cao.

Nếu không có khả năng làm suy yếu và mất tinh thần Ukraine thông qua các cuộc không kích, Nga sẽ phải đối mặt với viễn cảnh khó khăn hơn nhiều khi chỉ dựa vào lực lượng mặt đất để thực hiện các mục tiêu của họ.

Theo The Conversation