1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga - phương Tây đấu khẩu vụ Moscow tập kích Ukraine bằng UAV tự sát

Đức Hoàng

(Dân trí) - Đại diện Nga và các nước phương Tây tranh cãi tại Liên hợp quốc liên quan tới chiến thuật tấn công bằng tên lửa và UAV tự sát của Moscow nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.

Nga - phương Tây đấu khẩu vụ Moscow tập kích Ukraine bằng UAV tự sát - 1

Một UAV tự sát của Nga bay trên bầu trời Ukraine (Ảnh: AFP).

AP đưa tin, Mỹ và các đồng minh phương Tây ngày 21/10 cáo buộc Nga mua máy bay không người lái (UAV) tự sát từ Iran và sử dụng chúng để nhằm vào các mục tiêu dân sự và nhà máy điện của Ukraine, đồng thời cho rằng Moscow vi phạm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2015 và luật nhân đạo quốc tế.

Nga sau đó cáo buộc Ukraine đã tấn công vào cơ sở hạ tầng và công trình dân sự ở các khu vực Donetsk và Lugansk trong 8 năm qua.

Mỹ, Pháp, Đức và Anh đều bày tỏ sự ủng hộ với lời kêu gọi của Ukraine trước đó về việc Liên hợp quốc nên cử chuyên gia tới Ukraine để điều tra nguồn gốc của các UAV tự sát mà Kiev cáo buộc Nga đã mua từ Iran. Cả Moscow và Tehran đều bác bỏ tuyên bố trên.

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cho biết, các UAV là của Nga sản xuất và cảnh báo rằng một cuộc điều tra sẽ vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ giữa Nga và tổ chức này.

Phó đại sứ Mỹ Jeffrey DeLaurentis nói rằng: "Liên hợp quốc phải điều tra bất kỳ vi phạm nào đối với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và chúng tôi không được cho phép Nga hoặc những người khác cản trở hoặc đe dọa Liên hợp quốc thực hiện các trách nhiệm được ủy quyền của mình".

Tranh cãi giữa Nga và phương Tây bùng phát trong bối cảnh Liên hợp quốc nói rằng dân thường Ukraine đang đối mặt với tình hình khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc Denise Brown cho biết gần 18 triệu người Ukraine, tương đương hơn 40% dân số nước này, cần hỗ trợ.

Quan chức phụ trách chính trị Liên hợp quốc Rosemary DiCarlo viện dẫn số liệu của chính phủ Ukraine cung cấp cho biết, 30% cơ sở năng lượng của nước này đã bị phá hủy trong các cuộc tập kích của Nga từ ngày 10-18/10, tại các khu vực Kiev, Dnipropetrovsk, Lviv, Kharkov và Sumy.

"Cùng với giá khí đốt và giá than tăng cao, tình trạng thiếu năng lượng do các cuộc tập kích gây ra có nguy cơ khiến nhiều dân thường phải đối mặt với tình trạng khó khăn trong mùa đông này", bà DiCarlo nhấn mạnh.

Ông Nebenzia trong khi đó cho biết, các tên lửa chính xác cao và UAV của Nga đã tấn công vào số lượng lớn các mục tiêu quân sự bao gồm cơ sở hạ tầng trong nỗ lực làm suy giảm các hoạt động của quân đội Ukraine.

"Tất nhiên, phương Tây không thích điều này và họ trở nên kích động, và chúng ta đang chứng kiến một cách rõ ràng điều này vào ngày hôm nay tại cuộc họp", Đại sứ Nga nói.

Nhà ngoại giao Moscow cho rằng, phương Tây không muốn "đối mặt với sự thật" và thừa nhận rằng các UAV đã bay vào cơ sở hạ tầng dân sự sau bị đổi hướng do Kiev đánh chặn. Ông Nebenzia cáo buộc phòng không của Ukraine đã vô tình bắn hỏa lực vào cơ sở dân sự vì chặn hụt các đòn tập kích của Nga.

Trong một bức thư gửi tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hồi giữa tuần, Đại sứ Ukraine Sergiy Kyslytsya cáo buộc Iran vi phạm lệnh cấm của Hội đồng về việc chuyển giao các UAV có tầm bay 300km. Điều khoản đó là một phần của Nghị quyết 2231, văn bản giúp thông qua thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 nhằm hạn chế các hoạt động hạt nhân của Tehran và ngăn nước này phát triển vũ khí nguyên tử.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận trên vào năm 2018 và các nỗ lực đàm phán giữa chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện tại với Iran về việc Washington gia nhập lại vẫn đang đình trệ.

Theo Nghị quyết 2331, một lệnh cấm vận vũ khí thông thường đối với Iran có hiệu lực cho đến tháng 10/2020, nhưng các hạn chế đối với tên lửa và các công nghệ liên quan sẽ kéo dài đến tháng 10/2023. Các nhà ngoại giao phương Tây nói rằng, các hạn chế trên bao gồm việc xuất khẩu và mua các hệ thống quân sự tiên tiến như UAV.

Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Amir Saeid Iravani tuyên bố, Tehran bác bỏ dứt khoát những tuyên bố vô căn cứ rằng Iran đã chuyển giao các UAV cho Nga để sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine. Ông cáo buộc các một số nước đang cố gắng thực hiện một chiến dịch cung cấp thông tin sai lệch nhằm vào Iran.

Pháp, Đức và Anh hôm 21/10 đã ủng hộ cáo buộc của Ukraine rằng Iran cung cấp UAV cho Nga vi phạm Nghị quyết năm 2015. Ba nước châu Âu cho biết, các báo cáo nguồn mở cho thấy Iran dường như có ý định chuyển giao thêm nhiều UAV và tên lửa đạn đạo cho Nga. Mỹ cũng đưa ra các cáo buộc tương tự và đề nghị Liên hợp quốc mở cuộc điều tra.

Ông Nebenzia sau đó cho hay, Liên hợp quốc không có thẩm quyền tiến hành hoặc tham gia vào bất kỳ cuộc điều tra nào liên quan đến Nghị quyết 2231.

Theo AP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine