1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine: Chiến sự đang bước vào giai đoạn lâu dài

Minh Phương

(Dân trí) - Giới chức Ukraine cho rằng, cuộc xung đột với Nga đang bước vào một giai đoạn mới và kéo dài, đòi hỏi Kiev phải lên kế hoạch thận trọng, tránh những sai sót.

Ukraine: Chiến sự đang bước vào giai đoạn lâu dài - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov (Ảnh: Reuters).

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov hôm 13/5 cho biết, hơn hai tháng qua, quân đội nước này đã buộc Nga phải thu hẹp mục tiêu của chiến dịch quân sự và hiện giờ cuộc xung đột "đang bước vào một giai đoạn mới, lâu dài".

"Để giành chiến thắng, chúng ta phải lập kế hoạch phân bổ nguồn lực một cách thận trọng, tránh những sai lầm, lượng sức mình để đối phương không thể chống đỡ", Bộ trưởng Reznikov bình luận trên Facebook.

Theo ông, khi mở chiến dịch quân sự hồi cuối tháng 2, Nga có lẽ đã dự tính Ukraine chỉ có thể cầm cự vài ngày, tuy nhiên "quân và dân Ukraine đã khiến kế hoạch đó thất bại".

Bộ trưởng Reznikov cũng cho rằng đã có sự thay đổi quan trọng ở quy mô quốc tế sau khi chiến sự bùng phát. "Trong vòng một tháng, Ukraine đã có được sự hội nhập trong lĩnh vực quốc phòng, điều mà Ukraine không thể đạt được suốt 30 năm qua. Chúng tôi nhận được vũ khí hạng nặng từ các đối tác. Đặc biệt, lựu pháo M777 cỡ nòng 155 mm của Mỹ đang được triển khai ở chiến trường. Ba tháng trước, điều này là không tưởng", ông Reznikov nói.

Kiev đang tiến hành các đợt phản công quy mô lớn sau khi Nga chuyển trọng tâm, dồn lực lượng về mặt trận miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, chiến dịch phản công này đối mặt với thách thức không nhỏ khi Moscow vượt trội về lực lượng và khí tài.

Oleksandra Ustinova, một nghị sĩ của Ukraine, chia sẻ với truyền thông rằng tình hình trên chiến trường hiện tại "tệ hơn nhiều" so với ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột. "Chúng tôi mất nhiều người hơn so với giai đoạn đầu", nghị sĩ Ustinova nói.

Bà Ustinova nhấn mạnh, hiện giờ Ukraine không còn đề nghị phương Tây cung cấp các tiêm kích MiG do Liên Xô sản xuất bởi "cuộc chiến đã thay đổi". Thay vào đó, Kiev cần hệ thống pháo phản lực có khả năng phóng nhiều tên lửa cùng lúc (MLRS), pháo tự hành Paladin, máy bay chiến đấu như F-16 để có thể đối phó với lực lượng của Nga. Bà cũng kêu gọi Mỹ bắt đầu hỗ trợ huấn luyện cho phi công Ukraine sử dụng những máy bay chiến đấu kiểu này.

Mỹ đã bắt đầu chuyển vũ khí hạng nặng cho Ukraine, nhưng đến nay vẫn chưa cấp MLRS hay máy bay chiến đấu. Mặt khác Kiev cũng cho rằng, tốc độ bàn giao các hệ thống vũ khí của Mỹ còn chậm trễ. "Nếu chúng tôi có được lựu pháo cách đây hai tháng, bi kịch Mariupol sẽ không xảy ra bởi vì họ (Nga) sẽ không thể bao vây và phá hủy thành phố như họ đã làm", bà Ustinova nói.

Mariupol là thành phố cảng ở Đông Nam Ukraine. Thành phố này bị Nga và lực lượng ly khai thân Nga bao vây và kiểm soát phần lớn. Khoảng 1.000 binh sĩ của Ukraine hiện vẫn cố thủ bên dưới đường hầm của nhà máy luyện kim Azovstal - nơi được coi là pháo đài cuối cùng của Ukraine ở Mariupol. Bất chấp các cuộc tấn công của Nga, lực lượng này tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng.

Theo Interfax
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine