1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thế giới ráo riết gửi "phao cứu sinh" giúp Ấn Độ thoát "sóng thần" Covid-19

Thành Đạt

(Dân trí) - Viện trợ y tế khẩn cấp từ nước ngoài tiếp tục được chuyển đến Ấn Độ hôm nay 2/5, khi số ca tử vong vì Covid-19 ở quốc gia Nam Á tăng lên mức kỷ lục mới.

Thế giới ráo riết gửi phao cứu sinh giúp Ấn Độ thoát sóng thần Covid-19 - 1

Vật tư y tế được đưa lên máy bay tại sân bay Roissy, Pháp ngày 1/5 để chuyển tới Ấn Độ (Ảnh: Reuters).

Ấn Độ đang lập kỷ lục gần như hàng ngày về số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19, khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh "càn quét" các bệnh viện quá tải ở các thành phố và lan tới các vùng nông thôn.

Hôm nay 2/5, đất nước 1,3 tỷ dân đã ghi nhận 3.689 người chết vì Covid-19 - mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát. Tính đến nay, tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại Ấn Độ lên đến hơn 215.000 người.

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ cũng ghi nhận thêm gần 400.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này vượt 19,5 triệu người.

Các số liệu mới nhất về tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ được công bố khi các thiết bị y tế, bao gồm máy tạo ôxy, đang cấp tập được chuyển từ Pháp và Đức đến thủ đô New Delhi như một phần của nỗ lực quốc tế nhằm "cứu" Ấn Độ thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19.

"Chúng tôi có mặt ở đây vì chúng tôi đang mang đến sự trợ giúp mà sẽ cứu được nhiều mạng người", Đại sứ Đức tại Ấn Độ Walter J. Lindner nói, đồng thời cho biết 120 máy thở đã được chuyển đến Ấn Độ vào cuối ngày 1/5.

"Ngoài kia, các bệnh viện đều kín chỗ. Đôi khi có những người chết trước cửa bệnh viện. Họ không còn ôxy. Có khi họ chết ngay trong ô tô của mình", Đại sứ Đức cho biết thêm.

Đại sứ Pháp tại Ấn Độ Emmanuel Lenain nói rằng đất nước của ông muốn thể hiện tình đoàn kết với Ấn Độ.

"Dịch bệnh vẫn đang xảy ra ở một quốc gia. Thế giới sẽ không an toàn cho đến khi tất cả chúng ta đều an toàn. Vì vậy, đây là một vấn đề cấp bách", Đại sứ Pháp nói hôm 2/5, sau khi bàn giao 8 máy tạo ôxy và hàng chục máy thở từ Pháp cho Ấn Độ.

Thế giới ráo riết gửi phao cứu sinh giúp Ấn Độ thoát sóng thần Covid-19 - 2

Máy bay vận tải chở vật tư y tế từ Mỹ tới Ấn Độ hôm 30/4 (Ảnh: Reuters).

Mỹ cũng thông báo sẽ hỗ trợ 100 triệu USD vật tư y tế cho Ấn Độ để chống dịch Covid-19, gồm hơn 1.000 bình ôxy, 20.000 liều thuốc kháng virus remdesivir và nguyên liệu thô đủ dùng để điều chế khoảng 20 triệu liều vắc xin Covid-19.

Máy bay vận tải quân sự Super Galaxy của Mỹ chở theo 440 bình ôxy và bộ điều chỉnh, 960.000 bộ xét nghiệm Covid-19 nhanh, 100.000 khẩu trang N95, cùng nhiều loại thiết bị y tế khác đã đến New Delhi hôm 30/4.

Hơn 40 quốc gia cam kết gửi viện trợ y tế đến Ấn Độ. Anh cam kết hỗ trợ thiết bị y tế, bao gồm 495 máy tạo oxy và 140 máy thở. Nga, Australia, Nhật Bản, Singapore… cũng đã lên kế hoạch hoặc bắt đầu triển khai việc đưa viện trợ y tế tới Ấn Độ.

Ngày càng có nhiều lo ngại về sự gia tăng của số ca mắc Covid-19 ở các vùng nông thôn của Ấn Độ, nơi cơ sở hạ tầng y tế vốn "chắp vá" và còn nhiều hạn chế.

Các bệnh viện ở thủ đô New Delhi tiếp tục phát đi lời kêu gọi cung cấp ôxy khẩn cấp trên mạng xã hội, trong đó lời kêu gọi mới nhất do một bệnh viện nhi đăng trên Twitter hôm nay. Một ngày trước đó, hàng chục bệnh nhân đã chết tại một bệnh viện ở New Delhi trong bối cảnh thiếu ôxy.

Thế giới ráo riết gửi phao cứu sinh giúp Ấn Độ thoát sóng thần Covid-19 - 3

Người phụ nữ Ấn Độ đau buồn sau khi chồng tử vong vì Covid-19 (Ảnh: Reuters).

Ngày 1/5, Ấn Độ đã mở rộng tiêm chủng cho tất cả công dân trưởng thành, nhưng nguồn cung vắc xin đang cạn kiệt và chỉ những người dưới 45 tuổi mới được phép đăng ký tiêm chủng trực tuyến.

Các chuyên gia kêu gọi chính phủ Ấn Độ cho phép linh hoạt hơn trong việc triển khai vắc xin, đặc biệt ở các vùng nông thôn nơi có điều kiện sống thấp hơn và mức độ tiếp cận Internet hạn chế hơn.

"Việc tiêm chủng đang rất cấp bách. Chúng tôi đang chứng kiến quá nhiều người có kết quả xét nghiệm dương tính", nhà khoa học dữ liệu Megha Srivastava, 35 tuổi, nói với AFP bên ngoài một trung tâm tiêm chủng ở New Delhi khi đang chờ được tiêm.

"Chúng tôi phải đi 20 km tới đây vì đây là nơi duy nhất còn chỗ để tiêm", Srivastava cho biết.