1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bốn lý do giải mã tốc độ lây lan nguy hiểm của chủng SARS-CoV-2 Ấn Độ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Biến chủng B.1.617, lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ đang gây ra làn sóng lây nhiễm ở nhiều nước trên thế giới, có cấu tạo đặc biệt khiến nó rất dễ lây lan.

Bốn lý do giải mã tốc độ lây lan nguy hiểm của chủng SARS-CoV-2 Ấn Độ - 1

Biến thể B.1.617, lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ, đang lây lan sang hàng chục quốc gia khác (Ảnh minh họa: AFP).

Straits Times đưa tin, biến chủng B.1.617 kể từ lần đầu xuất hiện hồi cuối năm ngoái, đã lây lan ra trên 50 quốc gia, có dấu hiệu "vượt mặt" các chủng virus khác và tiếp tục lan rộng. B.1.617 có 3 phiên bản, trong đó, biến thể B.1.617.2 hiện đang có xu hướng trở nên phổ biến nhất. 

Tiến sĩ Sebastian Maurer-Stroh, chuyên gia về virus, giám đốc điều hành Viện Tin sinh học tại Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu (Singapore), đã chỉ ra 4 đặc điểm khiến B.1.617 dễ lây lan hơn các chủng khác.

Đột biến đặc biệt

Theo chuyên gia trên, chủng B.1.617 có đột biến trong cấu tạo khiến nó có thể dễ dàng liên kết với ACE2 - một protein thụ thể trong tế bào của vật chủ, cụ thể ở đây là người.

ACE2 được tìm thấy ở nhiều bộ phận trên cơ thể, bao gồm cả đường hô hấp. Nó chính là điểm mà virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào của cơ thể người.

SARS-CoV-2 tiến vào bên trong tế bào vật chủ thông qua protein gai. Gai protein của virus và thụ thể có các cấu hình cho phép chúng liên kết với nhau và virus chỉ xâm nhập vào các tế bào có thụ thể. Gai protein của virus sẽ dính chặt vào ACE2 tại tế bào vật chủ trước khi được kích hoạt bởi các enzyme khác.

Các nhà khoa học cho rằng, đột biến L452R hoặc đột biến T478K ở gai protein đã giúp chủng B.1.617 dễ gắn kết hơn với thụ thể để đi vào sâu trong tế bào. Khi vào bên trong, nó sẽ dễ dàng lan truyền tới các tế bào khác. Tuy nhiên, giới khoa học cũng cho biết, biến chủng dễ lây nhiễm hơn không phải lúc nào cũng đồng nghĩa là nó có độc lực mạnh hơn.

Giảm liên kết với kháng thể

Đột biến T478K trên chủng B.1.617 được cho có thể giúp virus ít có khả năng liên kết vào kháng thể trong cơ thể người. 

Các chuyên gia chỉ ra rằng đột biến T478K có vị trí trên gai protein khá tương đồng với đột biến E484K trên các chủng B.1.351 và P1 - những biến thể có khả năng tránh kháng thể. Vì vậy, T478K dường như có khả năng cao cũng đã khiến B.1.617 dễ "né" kháng thể hơn.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, một đột biến có thể làm ảnh hưởng tới khả năng trốn tránh kháng thể của biến chủng, nhưng nó chưa đủ mạnh để giúp biến thể có thể "né" hoàn toàn. Vì vậy, việc đạt được kháng thể thông qua vắc xin vẫn là một cách hiệu quả để giảm thiểu khả năng mắc và lây lan mầm bệnh, cũng như giúp người mắc bệnh không rơi vào tình trạng nguy kịch.

Protein gai ổn định hơn

Chủng B.1.617 có đột biến D614G, giúp gai protein trở nên ổn định hơn, tạo ra một cấu trúc mở rộng, mang lại cho biến chủng một bề mặt rộng hơn để phần gai tương tác với thụ thể ACE2 dễ dàng, từ đó dẫn tới khả năng lây nhiễm cao hơn.

Phần gai protein ổn định hơn cũng có thể dẫn tới nó xuất hiện nhiều trên bề mặt virus và tăng khả năng bám vào tế bào vật chủ. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong thời gian qua chỉ ra rằng D614G dường như chỉ khiến khả năng lây nhiễm mầm bệnh cao hơn, nhưng không làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh khi virus xâm nhập vào cơ thể người.

Tỷ lệ phân tách gia tăng

Để xâm nhập vào tế bào vật chủ, phần gai protein phải phân tách thành 2 phần nhỏ là S1 và S2 để tạo nên thay đổi cấu trúc cần thiết. Đột biến P681R trên B.1.617 dường như làm gia tăng tỷ lệ phân tách và vì vậy, đã giúp phần gai protein đạt được điều kiện cần thiết để lây nhiễm dễ hơn.

Mức độ đặc biệt nguy hiểm của biến chủng Covid-19 từ Ấn Độ