Lưu ý về chế độ ăn của bệnh nhân ung thư tuyến giáp khi điều trị

Minh Nhật

(Dân trí) - Tuân thủ chế độ ăn ít i-ốt trước khi điều trị bằng i-ốt phóng xạ có thể giúp liệu pháp đạt hiệu quả tốt nhất.

Theo Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai, ung thư tuyến giáp là loại ung thư phổ biến nhất trong các ung thư của hệ thống tuyến nội tiết. Tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp có xu hướng ngày càng gia tăng.

Ung thư tuyến giáp chia làm hai nhóm khác nhau về lâm sàng, điều trị và tiên lượng. Đó là ung thư tuyến giáp thể biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa. Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa tiến triển chậm, tiên lượng tốt, gồm thể nhú, thể nang hoặc hỗn hợp nhú và nang. Thể nhú là thể hay gặp nhất của ung thư tuyến giáp, chiếm 70 - 80%. Vị trí di căn xa hay gặp của ung thư tuyến giáp là xương, phổi…

Lưu ý về chế độ ăn của bệnh nhân ung thư tuyến giáp khi điều trị - 1

Đối với ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, mô hình phối hợp đa phương thức: Phẫu thuật + i-ốt phóng xạ + Hormone liệu pháp hiện được áp dụng phổ biến và cho kết quả tốt. Trong đó phẫu thuật cắt giáp toàn phần và vét hạch là phương thức điều trị cơ bản, i-ốt phóng xạ và hormone là phương thức điều trị bổ trợ.

I-ốt là một khoáng chất mà cơ thể sử dụng để tổng hợp ra hormone tuyến giáp. Tất cả i-ốt trong cơ thể đều đến từ chế độ ăn uống. Hầu hết i-ốt trong chế độ ăn uống của chúng ta đến từ muối i-ốt và các sản phẩm khác được chế biến có bổ sung i-ốt. Chỉ một số loại thực phẩm (chẳng hạn như rong biển, sữa và một số loại cá) có chứa i-ốt tự nhiên.

Tuân thủ chế độ ăn ít i-ốt trước khi điều trị bằng i-ốt phóng xạ có thể giúp liệu pháp đạt hiệu quả tốt nhất. Nếu có quá nhiều i-ốt trong cơ thể trong quá trình điều trị bằng i-ốt phóng xạ, tuyến giáp của chúng ta có thể sử dụng i-ốt đó thay vì i-ốt phóng xạ. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả của điều trị.

Hầu hết bệnh nhân sẽ được hướng dẫn chế độ ăn ít i-ốt bắt đầu 2 tuần trước khi điều trị và bắt đầu lại chế độ ăn i-ốt như bình thường sau một đến 3 ngày điều trị bằng i-ốt phóng xạ. Tuy nhiên, khoảng thời gian trên có thể thay đổi ở một số bệnh nhân.

 Sau đây là chế độ ăn ít i-ốt khuyến cáo cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp trước khi điều trị bằng i-ốt phóng xạ:

Những thực phẩm cần tránh:

- Muối i-ốt.

- Các loại vitamin tổng hợp có chứa i-ốt (nên đọc kỹ thành phần trước khi sử dụng).

- Sữa hoặc các sản phẩm từ sữa: kem, pho mát, sữa chua, bơ.

- Hải sản: cá, động vật có vỏ, tảo bẹ hoặc rong biển.

- Các loại bánh quy, bánh gato.

- Lòng đỏ trứng, thức ăn có lòng đỏ trứng.

- Các sản phẩm từ đậu nành như nước tương, sữa đậu nành, đậu phụ (Lưu ý: Đậu nành không chứa i-ốt. Tuy nhiên, ăn nhiều đậu nành đã được chứng minh là có thể cản trở sự hấp thu i-ốt phóng xạ trong các nghiên cứu trên động vật). 

Những thực phẩm có thể ăn thay thế trong thời kỳ kiêng i-ốt:

- Muối không chứa i-ốt.

- Lòng trắng trứng.

- Bánh mì (không có sữa, muối i-ốt , bơ, lòng đỏ trứng…).

- Rau quả tươi hoặc đông lạnh.

- Ngũ cốc, các sản phẩm từ ngũ cốc (gạo, lúa mì..).

- Trái cây đóng hộp.

- Các loại hạt không ướp muối tự nhiên và bơ (lạc, hạt điều, hạnh nhân,...).

- Nước ngọt, bia, rượu, nước chanh, nước hoa quả.

- Cà phê hoặc trà nguyên chất (không sữa, kem).

- Hạt tiêu đen, các loại thảo mộc và gia vị tươi hoặc khô, tất cả các loại dầu thực vật.

- Đường, mứt, thạch, mật ong.