Lưu ý trong chế độ ăn của bệnh nhân viêm gan cấp tính

Minh Nhật

(Dân trí) - Viêm gan cấp tính là bệnh phát sinh đột xuất và thời gian mắc bệnh ngắn. Phần lớn người bị viêm gan cấp tính thường phục hồi sau khoảng một đến hai tháng.

 Tuy vậy, có một số ít trường hợp kéo dài nhiều tháng, thậm chí hàng năm hoặc phát triển tiến tới suy gan. Do vậy chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị - chăm sóc người bệnh viêm gan cấp tính.

Khi bị viêm gan cấp thì hàng loạt rối loạn về chuyển hóa sẽ xảy ra do tế bào gan bị hoại tử. Trong giai đoạn điều trị viêm gan cấp, chế độ ăn uống và nghỉ ngơi đóng một vai trò rất quan trọng.

Lưu ý trong chế độ ăn của bệnh nhân viêm gan cấp tính - 1

Dưới đây là những lưu ý trong chế độ ăn uống của bệnh nhân viêm gan:

- Các loại thức ăn dành cho người bệnh trong giai đoạn này là những loại dễ tiêu hóa, dễ hấp thu như: ngũ cốc, đường, mật ong và hoa quả ngọt. Đối với chất đạm, nên chọn loại có giá trị dinh dưỡng cao nhưng ít chất béo như lòng trắng trứng, cá nạc, sữa không béo, đậu hũ…với số lượng khoảng 50 - 70g mỗi ngày.

- Nếu bị sút cân nhiều và có cả những triệu chứng suy dinh dưỡng khác (như phù chân, lở mép, sưng nướu…) cần tăng số calo có khi tới 3.000 calo và lượng protein dưới dạng thức ăn động vật lên tới 100 g hoặc hơn nữa. Cho ăn bột đường để tăng lượng calo.

- Nếu có vàng da tắc mật thì không nên cho ăn dầu mỡ vì bệnh nhân không hấp thu được. Lúc này chế độ ăn của bệnh nhân cần giảm cung cấp chất béo, chỉ sử dụng khoảng 15g mỗi ngày, tuyệt đối không ăn các loại thức ăn có nhiều cholesterol như óc, tim, gan, lòng heo, lòng đỏ trứng…

- Nếu có biểu hiện suy gan thì càng phải giảm lượng đạm xuống dưới 40g mỗi ngày, kiêng đạm động vật, bắt buộc phải lựa chọn các chất đạm thực vật. Vì đạm động vật có nhiều acid amin mà gan chuyển hóa thành amoniac và urê không còn được gan đào thải mà sẽ tích tụ trong máu dễ dẫn đến hôn mê gan. Đạm động vật cũng chứa nhiều hemoglobin là những chất có cấu trúc vòng, bắt gan phải làm việc nhiều.

- Bệnh nhân nên ăn nhẹ và nhiều hơn về buổi sáng vì một số nghiên cứu cho thấy buổi sáng cơ thể và khả năng hấp thu của gan tốt hơn so với chiều, do tình trạng nhiễm độc vì vậy buổi chiều nên ăn ít hơn để tránh bị đầy bụng.

- Bệnh nhân viêm gan cấp cần phải ăn nhiều rau quả tươi để cung cấp chất khoáng và các vitamin cần thiết giúp cho gan hoạt động tốt hơn

- Bên cạnh đó trong giai đoạn viêm cấp cần có chế độ nghỉ ngơi thường xuyên, không làm việc quá sức, tránh các căng thẳng tâm lý.