1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Công nhân mong việc làm ổn định dù nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát

Phạm Công

(Dân trí) - Trước tình hình dịch Covid-19 lại có nguy cơ bùng phát, nhiều công nhân ở Hà Nội mong có việc làm và thu nhập trang trải cuộc sống sau hơn 1 năm khó khăn vì tác động của dịch.

Hy vọng việc làm ổn định

Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Long quê ở Hàm Yên (Tuyên Quang) đang làm công nhân tại KCN Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), cho biết: "Tôi vừa ở quê quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ, nhà trường có thông báo cho các con nghỉ học. Vợ chồng tôi đang phải thay nhau nghỉ để trông con, cuối tuần này sẽ phải đưa các cháu về nhờ ông bà ở quê trông".

Từ hôm dịch bệnh trở lại, anh Nguyễn Văn Long đi làm rồi quay trở về phòng trọ ngay. Tuy nhiên anh không khỏi bất an vì nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh.

Công nhân mong việc làm ổn định dù nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát - 1

Anh Nguyễn Văn Long không khỏi lo lắng khi dịch bệnh lại ập đến.

"Năm 2020, tôi phải dừng việc một lần còn vợ chật vật đi tìm công việc mới do công ty cắt giảm công nhân. Thu nhập của cả gia đình chỉ đủ nuôi hai con nhỏ, trả tiền thuê nhà và đỡ đần bố mẹ già ở quê" - anh Nguyễn Văn Long chia sẻ.

Đối với hoàn cảnh hai vợ chồng làm công nhân, khi một người trong gia đình phải dừng việc do Covid-19, khó khăn sẽ được nhân đôi, khiến anh vô cùng lo lắng. 

Vừa xong ca làm đêm, anh Lê Văn Hợp quê ở Ba Vì (Hà Nội) cho biết: "Năm ngoái dịch bệnh, công ty tôi bố trí mỗi lao động luân phiên nhau làm khoảng 10 công/tháng để duy trì đóng BHXH do thiếu nguyên liệu để sản xuất".

Không có việc làm đi kèm với việc thu nhập không có nên vợ chồng anh phải sử dụng số tiền tiết kiệm dành dụm trước đây để chi tiêu hàng ngày, chủ yếu mua bỉm, sữa chăm sóc con.

"Dịch bệnh lần này bùng phát mạnh, công ty mà cho nghỉ, Thực phẩm như gạo, rau được bố mẹ ở quê gửi ra được chứ tiền tiết kiệm hết rồi, nhỡ có ốm đau tôi không biết xoay xở ra sao" - anh Lê Văn Hợp chia sẻ.

Công nhân mong việc làm ổn định dù nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát - 2

Anh Hợp cho rằng, nếu mất việc trong thời gian này thì thực sự khó khăn.

Vừa mới tìm được công việc làm mới cách đây 4 tháng, chị Nguyễn Thúy Vân quê ở Nam Đàn, (Nghệ An) không khỏi lo lắng khi dịch bệnh bùng phát có thể khiến công việc đang làm có thể mất đi.

"Đợt bùng phát dịch thứ 2, công ty cũ tôi từng làm đã cho công nhân tạm nghỉ để phòng dịch. Nhưng nếu nghỉ mà không có lương thì chúng tôi chọn đi tìm việc mới để làm. Bởi không có lương, chúng tôi sẽ sống ở thành phố này như thế nào. Mới đầu năm mà cuộc sống khó khăn quá!" - chị Nguyễn Thúy Vân lo lắng.

Nâng mức phòng chống lên cao nhất 

Theo LĐLĐ TP Hà Nội, TP Hà Nội đã xuất hiện 2 trường hợp dương tính với Covid-19 là công nhân làm việc tại KCN Bắc Thăng Long. Đây là khu vực tập trung đông công nhân lao động nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn.

Công nhân mong việc làm ổn định dù nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát - 3

Chị Nguyễn Thúy Vân mới tìm được công việc mới chưa lâu lại phải đối mặt với nguy cơ thiếu việc làm do dịch bệnh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, cho biết: "Trước tình hình cấp bách đó, chúng tôi nâng mức phòng chống dịch bệnh tại các nhà máy, xí nghiệp lên cao nhất từ trước đến nay".

Theo ông Đinh Quốc Toản, khu vực công ty phát hiện công nhân dương tính với Covid-19 đã được phong tỏa ngay sau đó. Gần 40 công nhân tiếp xúc trực tiếp với 2 công nhân dương tính với Covid-19 đã được đưa đi cách ly y tế.

Ngoài ra, hàng trăm công nhân thuộc diện F2 được nghỉ việc, cách ly tại nhà và được đảm bảo về lương, thưởng và chế độ phúc lợi.

"Chúng tôi đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ tuyên truyền, bám sát địa bàn để tuyên truyền vận động phòng chống dịch, đồng thời động viên, chia sẻ công nhân yên tâm lao động sản xuất" - ông Đinh Quốc Toản thông tin.

Bên cạnh đó, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp và người sử dụng lao động trong các tổ chức, doanh nghiệp để làm tốt công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly đảm bảo nguyên tắc "4 tại chỗ" và thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa phòng chống dịch, vừa phát triển sản xuất kinh doanh.

"Đến thời điểm hiện tại, các công ty đều hoạt động sản xuất bình thường, công nhân lao động đeo khẩu trang 100% khi đến công ty, đồng thời được đo nhiệt độ 3 lần/ca làm việc và đảm bảo giãn cách trong giờ giải lao" - ông Đinh Quốc Toản thông tin thêm.

Theo ông Đinh Quốc Toản, công nhân lao động tại thời điểm này cần nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, tránh hoang mang lo sợ, đồng thời tích cực lao động sản xuất và tin tưởng vào chính sách phòng chống dịch của Chính phủ và của TP Hà Nội.