Gia Lai:

Chuyện nghề của người đàn ông có 37 năm "làm bạn" với mây gió Tây Nguyên

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Hơn 37 năm qua, ông Lê Minh Điếu lặng lẽ bám rừng để làm công việc quan trắc khí tượng thủy văn. Những dự báo của ông đã giúp người dân Tây Nguyên phòng tránh được hiểm họa thiên tai.

"Bắt mạch trời" giữa đại ngàn

Cách đây hơn 40 năm, ông Lê Minh Điếu (hiện ngụ tại tổ 1, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, Gia Lai) chuyển từ tỉnh Hưng Yên vào công tác tại một lâm trường ở Gia Lai. Đến năm 1983, ông chuyển sang làm việc tại Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) Gia Lai-Kon Tum, sau này đổi tên thành Đài KTTV khu vực Tây Nguyên.

Mới đầu, ông Điếu làm nhiệm vụ trông coi khu lưu trữ tài liệu được ít năm. Sau đó, ông được phân công nhiệm vụ khảo sát đo lưu lượng mưa, lượng nước sông Sê San để chuẩn bị xây dựng Thủy điện Ia Ly.

Lặn lộn hàng chục năm với nghề, những dãy núi cao, dòng sông lớn ở 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum dường như đều in dấu chân của ông. Giờ đã qua cái tuổi ngoài 60 nhưng hàng ngày, ông Điếu vẫn tự ra dòng sông Ba để đo mực nước, trèo lên đỉnh núi quan sát khí tượng.

Chuyện nghề của người đàn ông có 37 năm làm bạn với mây gió Tây Nguyên - 1

Ông Điếu cùng vợ đã "bám rừng" làm công việc đo khí tượng thiên văn nhiều năm trời.

Trên chiếc xe máy cà tàng, chúng tôi vượt hơn 150km từ TP.Pleiku vào trung tâm xã Krong (huyện Kbang, Gia Lai) để thăm trạm KTTV Krong. Khi vào xã Krong rất ít người biết trạm KTTV nơi có người đàn ông đang ngày đêm trực chiến, canh giữ thời tiết. Sợ bị lạc đường, bà Vũ Thị Nhung (vợ ông Điếu) đã ra tận xã dẫn chúng tôi băng qua hơn 4km đường rừng để vào trạm.

Trạm KTTV Krong được xây dựng sát mép sông Ba, bao quanh là những cánh rừng xanh. Đón chúng tôi, ông Điếu không khỏi vui mừng vì đã lâu nay mới có vị khách vào thăm trạm.

Ông Điếu nhớ lại: "Nghề này không chỉ là công việc mà là cuộc sống của tôi. Tôi nghỉ hưu từ cuối năm 2010 nhưng ở nhà được 1 năm thấy nhớ nghề. Lúc đó, tôi đã lên xin cơ quan xem xét có nơi nào thiếu người để cho tôi làm hợp đồng".

Sau nhiều lần năn nỉ, cơ quan cũng đồng ý để ông làm ở trạm này, vừa bảo vệ cơ sở vật chất và vừa quan trắc khí tượng. "Ấy thế mà tôi cũng làm được hơn 8 năm ở đây rồi", ông Điếu nói.

Chuyện nghề của người đàn ông có 37 năm làm bạn với mây gió Tây Nguyên - 2

Không kể nắng mưa, ông Điếu đều lên núi, xuống sông để kiểm tra lượng nước, gió...

Thấy người chồng bất kể tuổi cao mà tình nguyện vào làm việc giữa núi rừng Kbang, bà Vũ Thị Nhung cũng xách ba lô theo. Bà Nhung bộc bạch: "Tôi hiểu chồng tôi. Điều gì ông ấy đã quyết thì không ai cản được. Con cái đã lớn nên tôi cũng theo ông ấy lên trạm này để lo cơm nước, đỡ dần ông ấy lúc ốm đau".

Và như thế, đôi vợ chồng già cứ lủi thủi, cần mẫn làm công việc đo khí tượng giữa rừng. Công việc thường ngày của ông Điếu là đo mực nước sông, lưu lượng mưa, lượng gió để kịp thời báo cho trung tâm biết nhằm đưa ra các dự báo chính xác nhất đến người dân. Những đêm mưa lũ nhiều, ông Điếu hầu như thức "trắng đêm" để đo mực nước lên xuống trong khoảng thời gian từ 30 phút - 1h.

Không kể nắng mưa, mỗi ngày, ông Điếu phải vượt lên nhiều ngọn núi cao, xuống sông sâu để kiểm tra lượng nước, gió… Để thực hiện công việc, ông chờ hàng giờ nhằm thu thập được số liệu có độ chính xác cao trong mỗi thao tác quan trắc.

Nếu có bất thường, ông sẽ gọi điện thoại thông báo trực tiếp về cơ quan để có phương án ứng phó và báo cho người dân cảnh giác. Khi mọi việc bình thường, ông sẽ đi xe máy ra thị trấn Kbang để gửi số liệu thu thập được về cơ quan. 

Vì sống ở vùng rừng núi thiếu thốn, nước giếng nhiễm phèn nên hai vợ chồng ông Điếu phải dự trữ nước mưa để nấu ăn hàng ngày. Những lúc mưa to, trạm bị cô lập thì hai vợ chồng phải ăn rau tự trồng hoặc hái đồ từ rừng. Khoảng 2 - 3 tháng, bà Nhung lại về thăm nhà và mang gạo, đồ khô lên tích trữ.

"Giằng co với lũ để thoát cửa tử"

Hơn 37 năm làm nghề đo khí tượng thiên văn giữa núi rừng, ông Điều đã nhiều lần chết hụt vì mưa lũ, tai nạn…Ông Điếu kể: "Tôi thường ngồi trên thuyền rồi dùng ròng rọc ra giữa sông để đo độ sâu của nước sông, lượng phù sa. Mới đây, một trận lũ lớn từ thượng nguồn đổ về đã đánh úp mất thuyền. May là hôm ấy, nước lên cao chạm mức cảnh báo nên tôi không phải ngồi thuyền ra đo".

Ban ngày, nhìn dòng nước sông Ba hiền hòa, trôi nhẹ nhàng xuống thượng nguồn. Tuy nhiên khi lũ lên thì dòng sông Ba trở nên hung dữ. Dòng nước cuồn cuộn dâng lên cao kéo theo bùn đất, cây rừng trôi xuống vùng hạ du. Ông Điếu cũng không nhớ đã phải vật lộn trên dòng sông Ba bao nhiêu lần.

Chuyện nghề của người đàn ông có 37 năm làm bạn với mây gió Tây Nguyên - 3

Nhiều lần ông Điếu đã thoát chết trong khi thực hiện nhiệm vụ đo khí tượng.

Một lần vào năm 2002, ông Điếu cùng đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ đo lượng nước tại dòng sông Pô Cô (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Hai người đang ngồi trên thuyền men theo sợi cáp treo ra đến giữa sông thì lũ bất ngờ đổ về.

Dòng nước hung hãn cuốn theo cây gỗ to liên tục va vào khiến thuyền chao đảo suýt lật. May có một cây tre bị gió thổi nghiêng nên hai người đã nắm lấy rồi kéo thuyền vào bờ an toàn.

Năm 2005, ông Điếu phải nằm viện do điện giật nguy kịch. Khi đó, ông được phân công đo KTTV ở xã Ngọc Tem (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) và ở nhờ nhà của một đơn vị bảo vệ rừng.

Đường điện chập chờn không đủ ánh sáng để ông viết báo cáo gửi cấp cho cơ quan. Lúc đó, ông trèo lên sửa thì bị giật. May mắn là mọi người phát hiện và đưa đi cấp cứu sớm mới qua khỏi.

Cái nghề "đếm gió, đo mây" đã là cuộc sống của ông Điếu. Nhờ những hy sinh thầm lặng trên cánh rừng của ông đã cung cấp các số liệu chính xác. Dựa vào đó, mà người dân biết được thiên tai, biến đổi khí hậu sắp diễn ra.

Bà con đồng bào Ba Na luôn coi ông Điếu như một người con của buôn làng. Chiều chiều, ai đi rừng kiếm được con chuột hay nắm rau rừng đều ghé qua trạm để chia bớt cho ông. Mưa bão đến bất ngờ, ông Điếu lại đón bà con trú trong trạm.

Ông Nguyễn Văn Huấn - Trưởng phòng phụ trách Phòng Dự báo KTTV (Đài KTTV khu vực Tây Nguyên) cho biết: "Quan trắc viên Lê Minh Điếu là người xứng đáng được vinh danh với những cống hiến thầm lặng và tận tụy trong công việc quan trắc KTTV ở Tây Nguyên. Dù tuổi đã lớn nhưng ông vẫn tình nguyện vào làm công việc gian khổ giữa núi rừng.".