DMagazine

"Gã điên" Argentina khởi nghiệp ở Việt Nam, biến rác thành kho báu

(Dân trí) - Công ty của Nano Morante không có bất kỳ sản phẩm nào trong kho vì tất cả đều đã được bán ra thị trường và đi vào sử dụng.

Nano Morante rời Argentina cách đây 15 năm ở tuổi 28 với 300 USD (khoảng 7 triệu đồng) trong túi. Ông đã làm nhiều công việc khác nhau để kiếm tiền và đặt chân đến hàng chục quốc gia trên thế giới.

Nano đến Việt Nam 3 lần và từng suýt rời khỏi đây mãi mãi. Vậy điều gì đã níu chân người đàn ông Argentina ở lại Việt Nam và gắn bó với mảnh đất này. 

Gã điên Argentina khởi nghiệp ở Việt Nam, biến rác thành kho báu - 2

Nano Morante đến từ Argentina. Còn Nestor Catalan đến từ Tây Ban Nha. Họ không hề biết nhau cho tới khi gặp nhau cách đây 4 năm nhờ một nhóm bạn chung. Khi nhận ra những mục tiêu và quan điểm tương đồng về giải pháp xử lý rác nhựa, họ quyết định bắt đầu "một cái gì đó" ở TPHCM.

Trước khi đặt chân đến Việt Nam, Nestor đã bỏ công việc ngành quảng cáo để khám phá thế giới. Còn Nano vốn dĩ có nhiều kinh nghiệm sống khi từng là lính cứu hỏa, đầu bếp và người tạo hiệu ứng hình ảnh trong phim.

Thời điểm gặp Nestor, Nano thậm chí còn chuẩn bị rời Việt Nam mãi mãi. Trước khi rời đi, ông muốn làm một bộ phim tài liệu về rác thải nhựa ở Việt Nam nên đã kết nối với một số người chuyên về mảng này.

Gã điên Argentina khởi nghiệp ở Việt Nam, biến rác thành kho báu - 4

Tuy nhiên trong quá trình đó, Nano nhận ra "nhiều thứ chưa đủ tốt vì mới chỉ là kế hoạch trên giấy và ông thực sự muốn tạo ra sự thay đổi". Đó là thứ đã níu chân Nano ở lại mảnh đất hình chữ S.

Nano và Nestor thành lập PLASTICPeople vào tháng 9/2019 với sứ mệnh tái chế rác nhựa thành vật liệu bền vững. Đến năm ngoái, Nestor quyết định quay trở về Tây Ban Nha. Việc thiếu đi một nhà đồng sáng lập là một trong những thách thức mà công ty phải đối mặt.

Đó là giai đoạn khó khăn nhưng Nano không bỏ cuộc bởi ông cho rằng mình "nợ" những người tin tưởng vào công ty, từ các nhà đầu tư, nhân viên cho đến những người đều đặn gửi rác nhựa đến công ty để tái chế. Ngoài ra, sự đồng hành của đội ngũ nhân viên cũng giúp Nano vượt qua khó khăn.

Gã điên Argentina khởi nghiệp ở Việt Nam, biến rác thành kho báu - 6

Khi thành lập PLASTICPeople, Nano tâm niệm đây là thời điểm để trả lại những điều tốt đẹp.

"Chúng ta không thể nhận mãi từ cuộc sống mà phải trả lại. Tôi thực sự đã nhận được nhiều hơn khi cho đi. Bạn biết đấy, những trải nghiệm mà tôi có được trong quá trình phát triển công ty và giúp đỡ mọi người quả thực vượt xa mọi giá trị khác", Nano nói.

Gã điên Argentina khởi nghiệp ở Việt Nam, biến rác thành kho báu - 8

Về tên gọi của công ty, Nano cho biết ban đầu, ông và Nestor nghĩ đến một số từ như "Recycle" (tái chế) hay những từ liên quan đến môi trường. Ý tưởng về cái tên PLASTICPeople được đưa ra trong một cuộc họp, khi bài thuyết trình nhắc rất nhiều đến nhựa và con người.

Đột nhiên, Nano nhận ra vấn đề chủ yếu xoay quanh nhựa và con người nhưng giải pháp cho vấn đề của họ cũng là nhựa và con người. Đó là 2 từ tiếng Anh mà gần như ai trên thế giới cũng biết. Chúng cũng dễ phát âm khi đặt cạnh nhau nên Nano quyết định ghép lại thành PLASTICPeople.

"Cha mẹ thường bảo tôi là một gã điên vì tôi không nhận thức được những rủi ro hay khó khăn xung quanh mình. Đối với tôi, thách thức chính trong việc điều hành công ty là làm cho nó sinh lời và bền vững. Để làm được điều đó, chúng tôi phải tạo ra sản phẩm tốt, tăng tính cạnh tranh, tất cả từ con số 0", Nano kể.

Trong một bữa tối vào ngày 31/12/2019, Nano và Nestor nói với nhau rằng 2020 sẽ là một năm tuyệt vời. Nhưng đó là khi đại dịch Covid-19 chưa ập đến. Vì còn rất non trẻ, sản xuất sản phẩm còn tương đối mới mẻ với thị trường nên công ty đã gặp rất nhiều thách thức.

Gã điên Argentina khởi nghiệp ở Việt Nam, biến rác thành kho báu - 10

Nhờ tiền của một nhà đầu tư, công ty mới trả được lương cho nhân viên và mua sắm máy móc. Sang đến năm 2021, tình hình vẫn không được cải thiện nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đội ngũ của công ty đã san sẻ số tiền ít ỏi mà họ kiếm được để trang trải cuộc sống.

"Mọi thứ thực sự khó khăn nhưng nhìn lại, Covid-19 đã dạy chúng tôi rất nhiều điều. Trong đó, điều quan trọng nhất khi hoạt động với tư cách một công ty là khả năng thích ứng. Nếu không thích nghi, doanh nghiệp sẽ chết", Nano nói.

Trước sự bất ngờ của Nano và đội ngũ, vẫn có những khách hàng muốn mua sản phẩm của công ty, ngay cả trong thời gian phong tỏa. Tháng 10/2021, thời điểm mọi thứ được mở trở lại, nhà máy của PLASTICPeople đã tạm dừng hoạt động được 3 tháng.

PLASTICPeople bắt đầu hoạt động trở lại vào tháng 10 năm này và mọi người điều làm việc hết công suất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Gã điên Argentina khởi nghiệp ở Việt Nam, biến rác thành kho báu - 12

"Dù phải liên tục làm thêm giờ nhưng ai cũng vui vẻ. Các khoản thanh toán đồng nghĩa với mọi người có thu nhập. Đó là một trong những trải nghiệm đặc biệt nhất của tất cả chúng tôi. Thật tuyệt vời vì PLASTICPeople đã sống sót", Nano kể lại.

Một trong những kỷ niệm khó quên nhất đối với Nano là vào sát Tết Nguyên đán năm 2021, khi công ty không có đủ tiền để thưởng cho nhân viên. Nano lo lắng họ sẽ nghỉ việc và ông phải tìm người mới nhưng trái với suy nghĩ của ông, họ vẫn quyết định ở lại để cùng công ty vượt qua khó khăn.

"Việc đó vượt quá bất cứ điều gì tôi có thể mong đợi. Họ không chỉ làm việc với vai trò là nhân viên mà còn là những người bạn, là gia đình thứ 2 của tôi. Chúng ta không bao giờ đơn độc. PLASTICPeople được như ngày hôm nay là nhờ nhận sự giúp đỡ của mọi người xung quanh bằng cách này hay cách khác", Nano bày tỏ.

Gã điên Argentina khởi nghiệp ở Việt Nam, biến rác thành kho báu - 14

Câu nói "rác của người này có thể là kho báu của người khác" có phần đúng với start up trên. Họ biến đồ phế thải vô giá trị thành những sản phẩm có giá trị, thậm chí là sản phẩm giá trị cao để phục vụ đời sống.

Các nguồn thu gom rác nhựa chính của PLASTICPeople là cá nhân hoặc hộ gia đình; người thu gom hoặc khu tập kết rác nhựa và các tổ chức, doanh nghiệp.

Nano kể rằng năm ngoái, một người phụ nữ gọi điện đến PLASTICPeople và hỏi cách phân loại để gửi rác nhựa đến tái chế. Từ đó, công ty đã hướng dẫn mọi người cách phân loại, làm sạch rồi mới gửi đến nhà máy.

"Hiện đã có hàng trăm gia đình thường xuyên gửi rác từ nhà cho chúng tôi mà không yêu cầu nhận lại bất cứ thứ gì. Khi vứt rác, bạn không phải chịu trách nhiệm mà là người khác. Còn khi dọn dẹp, phân loại và làm sạch rác trong nhà để gửi cho chúng tôi, bạn đã trở thành một phần của việc bảo vệ môi trường", Nano nói.

Gã điên Argentina khởi nghiệp ở Việt Nam, biến rác thành kho báu - 16

Theo Mekongeye, khi một người gửi nhựa cho PLASTICPeople, họ sẽ nhận mã thành viên và được hướng dẫn cách phân loại nhựa tại nhà. Với mỗi 30 kg nhựa gửi tới công ty, người gửi sẽ nhận được món quà ngẫu nhiên là một số sản phẩm tái chế như đế lót cốc.

Bên cạnh nhận rác nhựa từ các nơi, PLASTICPeople còn thu mua một số loại rác nhựa mà các công ty tái chế khác không thu mua như gói snack, khẩu trang, túi ni-lông hay hộp xốp… Công ty truy xuất nguồn gốc đầu vào để biết những loại rác đó là gì, đến từ đâu, có an toàn và sạch hay không.

Những nguyên liệu đầu vào an toàn và sạch sẽ được dùng để làm ra sản phẩm nội thất, mặt bàn, tấm lót cốc trong khi nguyên liệu chất lượng thấp hơn được dùng để làm vật liệu xây dựng tạm thời, tấm lót ngoài trời hay những thứ không tiếp xúc trực tiếp với con người.

Nano giải thích rằng trong hộp sữa có cả giấy, nhựa và nhôm, trong túi snack có nhôm và một số lớp khác… Nếu muốn tái chế theo cách truyền thống thì phải bóc từng lớp để tạo ra sản phẩm cùng loại.

"85% rác nhựa không thể tái chế bằng cách truyền thống nhưng chúng tôi lại có thể tái chế gần như 100% các loại nhựa trong rác nhựa. Chúng tôi tạo ra sản phẩm cuối cùng có chất lượng tốt, thậm chí là hàng cao cấp từ những loại rác nhựa thông dụng nhất", Nano nói.

Về giá, Nano cho biết nếu so sánh với vật liệu giá rẻ, tất nhiên sản phẩm của công ty ông đắt hơn. Tuy nhiên, so với vật liệu cao cấp thì sản phẩm của họ lại rẻ hơn từ 10 đến 15 lần do không thấm nước, không gồm hóa chất như keo dính, màu nhân tạo… Quan trọng hơn nữa, Nano nói công ty hầu như không có hàng tồn. "Mọi thứ là nhờ xu hướng bền vững đang phổ biến trên toàn cầu", ông thừa nhận.

Gã điên Argentina khởi nghiệp ở Việt Nam, biến rác thành kho báu - 18

Không lâu nữa, công ty sẽ mở một trung tâm xử lý sơ bộ tại Hà Nội. Khi đó, người dân thủ đô có thể gửi rác nhựa đến trung tâm. Tuy nhiên, quá trình xử lý cuối cùng vẫn diễn ra ở TPHCM.

Nano cho biết công ty chưa đủ kinh phí để xây dựng trung tâm tái chế ở Hà Nội vào thời điểm này nhưng ông tin rằng với việc xuất hiện tại đây thì công ty sẽ thu hút được nhiều sự chú ý và dần phát triển như cách mà họ đã phát triển ở TPHCM.

Người sáng lập cho biết ngay từ đầu, dự án đã được nhà đầu tư rót vốn dù số tiền không nhiều. Lần cuối công ty nhận đầu tư là vào tháng 10/2021, còn lại là tái đầu tư lợi nhuận để phát triển. Việc hợp tác với một số tổ chức quốc tế cũng giúp cho start up này mở rộng từng chút một.

"Điều mà tôi muốn nhắn nhủ là chúng ta đang sắp hết thời gian để bảo vệ và khôi phục môi trường. Hãy hành động trước khi quá muộn. Nền văn hóa siêu anh hùng khiến chúng ta nghĩ rằng ai đó sẽ xuất hiện và giải cứu nhân loại khỏi các thảm họa nhưng siêu anh hùng đó không phải ai khác ngoài chính bản thân mỗi người", Nano chia sẻ.

Gã điên Argentina khởi nghiệp ở Việt Nam, biến rác thành kho báu - 20

Ông cho biết, những gì mà công ty có không phải là "một kế hoạch được trình bày đẹp đẽ, thu hút trên giấy mà là lượng rác thải nhựa đã được xử lý và những sản phẩm thân thiện với môi trường. "Cũng cần nói thêm rằng chúng tôi chỉ là phương tiện để chúng ta cùng chung tay tạo nên tác động tốt tới môi trường", Nano nói.

"Tôi coi Việt Nam là đất nước của mình và luôn muốn đóng góp công sức để tạo ra những điều tốt đẹp cho nơi đây", Nano bày tỏ.

Nội dung: Huyền Thanh, Thiết kế: Thủy Tiên