Tại sao cỏ cây lại thường có màu xanh?

Minh Khôi

(Dân trí) - Ai cũng biết cỏ và đa số các loại thực vật chứa một sắc tố màu xanh lục, được gọi là diệp lục. Nhưng tại sao diệp lục lại có màu xanh?

Tại sao cỏ cây lại thường có màu xanh? - 1

Câu trả lời liên quan đến bước sóng và các thành phần tế bào được gọi là bào quan và quang tổng hợp (quang hợp), mà thực vật sử dụng để tạo ra "thức ăn" từ ánh sáng mặt trời.

Ẩn mình bên trong các bào quan nhỏ bé là các phân tử diệp lục. Một phân tử chất diệp lục bao gồm một ion magiê ở trung tâm của nó, liên kết với một porphyrin, hay còn được biết đến như một phân tử nitơ hữu cơ, theo WebExhibits.

Phân tử hấp thụ các bước sóng nhất định của ánh sáng nhìn thấy, chủ yếu là màu đỏ (nằm trong bước sóng dài) và màu xanh lam ở bước sóng ngắn hơn.

Tuy nhiên, vùng màu xanh lá cây của quang phổ điện từ không bị hấp thụ, và thay vào đó được phản xạ lại ngay trước mắt chúng ta. Vì thế, chúng ta nhìn thấy cây cỏ hầu như đều có màu xanh.

Trên thực tế, chất diệp lục còn làm được nhiều điều hơn là phủ lên thảm cỏ một màu xanh tươi, điển hình như đóng một vai trò rất quan trọng đối với quá trình quang hợp. Trong đó, thực vật sử dụng năng lượng của mặt trời để biến carbon dioxide và nước thành thức ăn (ở dạng đường) để phát triển.

Quá trình tạo ra đường này diễn ra bên trong lục lạp. Với cấu trúc này, chất diệp lục, và ở mức độ thấp hơn là các sắc tố khác, hấp thụ ánh sáng mặt trời và chuyển năng lượng từ ánh sáng đó đến các phân tử lưu trữ năng lượng.

Sau đó, cây cỏ sử dụng năng lượng đó để biến CO2 và nước thành đường. Khi kết hợp với các chất dinh dưỡng có sẵn trong đất, thực vật có thể sử dụng các loại đường đó để nuôi dưỡng các bộ phận khác của cây xanh.

Theo www.livescience.com
Dòng sự kiện: Tại sao lại thế?