Rắn hoa cổ đỏ - "sát thủ" ẩn mình gây tử vong bé 3 tuổi nguy hiểm ra sao?

Minh Khôi

(Dân trí) - Hiện trên thế giới chưa tìm ra được huyết thanh có tác dụng kháng lại nọc độc do loài rắn này cắn phải. Do đó, người dân cần đặc biệt cảnh giác trước loài động vật này.

Nhiều người coi như "thú cưng"

Rắn hoa cổ đỏ - sát thủ ẩn mình gây tử vong bé 3 tuổi nguy hiểm ra sao? - 1

Rắn hoa cổ đỏ.

Chiều 5/10, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, vừa qua nơi đây đã tiếp nhận một trường hợp bị rắn cắn tử vong rất thương tâm.

Bệnh nhi là một bé trai khoảng 3 tuổi, ngụ huyện Củ Chi (TPHCM). Trước đó qua khai thác bệnh sử, ông ngoại bé trai có nuôi một con rắn hoa cổ đỏ đã được cắt hết răng (nhưng vẫn còn răng hàm trong). Chủ quan là rắn an toàn, ông ngoại để bé tự do vui chơi với rắn thì cậu bé bị cắn vào mu bàn tay.

Thời điểm nhập viện, bệnh nhi vẫn tỉnh táo tươi cười, có thể ngồi chơi được. Tuy nhiên qua các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ xác định bé bị rối loạn đông máu rất nặng.

không có huyết thanh kháng nọc rắn hoa cổ đỏ, bệnh nhi diễn tiến tiểu ra máu, suy thận, được tiến hành lọc máu liên tục nhưng nọc độc vẫn phát tán mạnh. Cuối cùng bé suy tim, suy đa tạng và tử vong vào ngày 3/10 dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa.

Hồi đầu tháng 4, một bé gái 15 tháng tuổi, ngụ tại Tiền Giang cũng bị loài rắn này cắn dẫn đến tử vong.

Điều đáng nói là loài rắn này từng được nhiều người chọn nuôi làm "thú cưng" vì vẻ đẹp bên ngoài của nó, nhưng trên thực tế lại có nọc độc vô cùng nguy hiểm.

Rắn hoa cổ đỏ - sát thủ ẩn mình gây tử vong bé 3 tuổi nguy hiểm ra sao? - 2

Rắn hoa cổ đỏ - "sát thủ" ẩn mình vô cùng nguy hiểm.

Rắn hoa cổ đỏ - tại sao có sự lầm tưởng "vô hại"?

Theo dữ liệu tham khảo trên Wikipedia, rắn hoa cổ đỏ có tên khoa học là "Rhabdophis subminiatus", tên dân gian là rắn cổ trĩ đỏ, rắn nữ hoàng, rắn nước cổ đỏ, rắn cổ bẹt. Sở dĩ có tên gọi này là bởi vùng "cổ" của rắn - cụ thể là đoạn thân trước có màu đỏ rất đặc trưng.

Trong tất cả các tài liệu ghi chép, rắn hoa cổ đỏ đều được liệt vào hàng "có độc". Tuy nhiên khác với các loài rắn phổ biến khác như rắn hổ tre, rắn hổ mang chúa chứa nọc độc tại hai răng nanh, loài rắn này có 2 chiếc răng bơm chất độc nằm ở góc sâu của hàm chứ không phải răng nanh như các loài rắn khác.

Rắn hoa cổ đỏ - sát thủ ẩn mình gây tử vong bé 3 tuổi nguy hiểm ra sao? - 3

Nanh độc của rắn hoa cổ đỏ nằm sâu trong hàm, dẫn tới hiểu lầm rằng đây là loài vô hại.

Vì vậy nếu chỉ bị cắn nhẹ, rắn không mở to miệng thì răng chứa nọc độc sẽ không chạm vào người, không gây nguy hiểm. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho lời đồn đại rằng rắn hoa cổ đỏ không có độc, và nuôi làm "thú cưng".

Trong một số trường hợp hiếm gặp, khi nọc độc từ răng nanh phía sau có thể tiếp cận được vết thương hở, hoặc cắn trực tiếp vào da, có thể nhanh chóng gây xuất huyết nội tạng, bao gồm xuất huyết não, cũng như buồn nôn, rối loạn đông máu,... dẫn tới suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Bản thân loài rắn này cũng có tập tính khá thất thường. Đa số các cá thể rắn rất hiền lành, để yên cho con người chạm, cầm trên tay làm thú vui tiêu khiển.

Nhưng đôi khi, chúng trở nên hung dữ và sẵn sàng tấn công bất cứ đối tượng nào, đặc biệt là khi tới gần mùa sinh sản.

Rắn hoa cổ đỏ thường xuất hiện ở đâu, phòng tránh thế nào?

Rắn hoa cổ đỏ - sát thủ ẩn mình gây tử vong bé 3 tuổi nguy hiểm ra sao? - 4

Người dân cần tuyệt đối không nuôi loài rắn này làm cảnh.

Theo một số tài liệu ghi chép, rắn hoa cổ đỏ có tầm hoạt động khá rộng. Chúng thường săn mồi trong các khu vực ruộng lúa nước hoặc nơi có dòng chảy chậm, thậm chí ở ao hồ, đập nước và khe suối.

Đây là loài rắn hoạt động ban ngày, phần nhiều phát hiện ở chỗ sát gần rãnh, mương, kênh, ngòi nước của vùng cày ruộng trồng trọt, chủ yếu lấy cóc, ếch, nhái làm thức ăn.

Theo một số chuyên gia về khoa học, hiện trên thế giới chưa tìm ra được huyết thanh có tác dụng kháng lại nọc độc do loài rắn này cắn phải. Do đó, người dùng cần đặc biệt cảnh giác, không nên nuôi các loài động vật hoang dã đặc biệt là rắn đề tránh rủi ro có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, nọc của rắn độc đa số không bị biến đổi bởi nhiệt, axit, rượu... nên cần đặc biệt lưu ý không được ăn hay ngâm rượu.

Trong trường hợp bị rắn cắn, cần hạn chế nạn nhân tự đi lại bằng cách bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp, do vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn. Sau đó, cần tiến hành sơ cứu và liên hệ với cơ sở y tế gần nhất.

Trong trường hợp nghi bị rắn độc cắn, có thể sơ cứu bằng cách chích nặn rửa vết cắn dưới vòi nước sạch với xà phòng, rồi sát trùng.

Nếu bệnh nhân khó thở, tiến hành hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..). Nếu có dấu hiệu ngừng tuần hoàn thì tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến.