DNews

Chuyện về chiếc máy bay "mắc kẹt" 74 phút trong vùng tối của Mặt Trời

Minh Khôi

(Dân trí) - Năm 1973, các nhà khoa học đã tìm ra cách kéo dài thời gian quan sát nhật thực toàn phần lên 74 phút bằng cách di chuyển bên dưới bóng của Mặt Trăng phủ lên Trái Đất.

Chuyện về chiếc máy bay "mắc kẹt" 74 phút trong vùng tối của Mặt Trời

Nhật thực là hiện tượng thiên văn kỳ thú mà ắt hẳn ai cũng mong muốn được nhìn thấy dù chỉ một lần trong đời. Thế nhưng nếu chỉ đứng tại 1 điểm cố định, bạn sẽ chỉ có thể theo dõi quá trình nhật thực diễn ra trong khoảng 3-4 phút.

Muốn kéo dài thời gian này, chúng ta buộc phải di chuyển cùng hướng với vùng tối mà Mặt Trăng phủ lên Trái Đất trong lúc diễn ra nhật thực. Năm 1973, các nhà khoa học đã lần đầu tiên đưa thí nghiệm này vào thực tế, và kết quả của nó đã mang đến sự bất ngờ lớn.

Chuyến bay phá vỡ mọi kỷ lục

Ngày 30/6/1973, chiếc máy bay phản lực siêu âm mang mã hiệu Concorde 001 do Tập đoàn máy bay Anh Quốc (BAC) chế tạo, cất cánh từ Las Palmas, Gran Canaria, thuộc Quần đảo Canary của Tây Ban Nha.

Nhiệm vụ của Concorde 001 rất rõ ràng, là "đuổi theo" đường di chuyển của nhật thực - hay bóng của Mặt Trăng phủ lên Trái Đất trong quá trình diễn ra nhật thực.

Chuyện về chiếc máy bay mắc kẹt 74 phút trong vùng tối của Mặt Trời - 1

Nguyên mẫu Concorde 001 trong lần bay đầu tiên tại sân bay Toulouse, Pháp vào ngày 2/3/1969 (Ảnh: Getty).

Trước đó, Concorde 001 đã được chỉnh sửa kết cấu để phù hợp với mục tiêu quan sát nhật thực. Nó bao gồm các thiết bị chuyên dụng được tích hợp trên cửa sổ, giúp các nhà khoa học có thể dễ dàng phân tích quầng sáng của Mặt Trời, sắc quyển, cũng như cường độ ánh sáng phía trên bầu khí quyển của Trái Đất.

Được biết, đường đi của nhật thực toàn phần ngày hôm đó rộng khoảng 251km, và di chuyển với tốc độ 2.400 km/h trên bề mặt Trái Đất.

Bởi vậy, chuyên cơ Concorde 001 được lệnh phải duy trì ở tốc độ tối đa là 2.200 km/h (hay Mach 2) dọc theo đường đi cùng hướng với bóng của Mặt Trăng. Nhờ đó, máy bay có thể theo kịp diễn biến của nhật thực toàn phần lâu nhất có thể.

Concorde 001 cất cánh lúc 10:08 (theo múi giờ Mỹ) và đã bay qua Mauritania, một quốc gia ở châu Phi. Trong 4 phút tiếp theo, nó bay qua sa mạc Sahara ở Mali, Nigeria và Niger trước khi hạ cánh xuống Tchad. Đây cũng là thời điểm máy bay không còn đủ khả năng đuổi theo đường di chuyển của nhật thực.

Dẫu vậy, đối với 7 nhà quan sát đến từ Pháp, Anh và Mỹ, chuyến bay rốt cuộc đã hoàn tất sự kỳ vọng ban đầu, khi phá kỷ lục về tổng thời gian quan sát nhật thực toàn phần trong lịch sử loài người.

Trong báo cáo của mình, ông Donald Liebenberg, nhà khoa học từ Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos, một trong những người có mặt trên chuyến bay, cho biết: "Chúng tôi đã ở trong vùng nhật thực 74 phút trước khi hạ cánh xuống quốc gia Chad".

"Nhóm đã thực sự lập được một kỷ lục về tổng thời gian mà có lẽ sẽ còn rất lâu nữa mới bị phá vỡ. Đó là trải nghiệm mà tôi sẽ không bao giờ quên".

Chuyện về chiếc máy bay mắc kẹt 74 phút trong vùng tối của Mặt Trời - 2

Donald Liebenberg (trái) dành phần lớn thời gian trong hành trình nghiên cứu khoa học để tìm hiểu về hiện tượng nhật thực (Ảnh: AP).

Ngoài việc trải nghiệm nhật thực toàn phần kéo dài, các nhà khoa học còn chứng kiến "lần tiếp xúc đầu tiên" trong chu trình nhật thực kéo dài tới 7 phút, và "lần tiếp xúc thứ ba" kéo dài 12 phút. 

Đây là các giai đoạn bắt đầu và kết thúc của hiện tượng nhật thực, thường chỉ kéo dài 1-2 phút, nếu người xem quan sát từ mặt đất.

Truyền cảm hứng cho những chuyến bay hiện đại

Chuyến bay năm 1973 của chuyên cơ Concorde 001 không phải là lần cuối cùng nó "đuổi" theo nhật thực toàn phần. Hai mươi sáu năm sau, vào năm 1999, ba chiếc Concorde - một từ Pháp và hai từ Anh - tái hiện kỳ tích khi đưa du khách tiến vào vùng tối của Mặt Trời.

Mỗi chiếc khi ấy được trả 2.400 USD (tương đương 4.467 USD theo mệnh giá ngày nay) để làm điều tương tự mà Concorde 001 đã làm tổng quá khứ. Tuy nhiên, tất cả những gì mà ba chiếc máy bay làm được là kéo dài thời gian quan sát nhật thực lên khoảng 4-5 phút, so với chỉ 2 phút khi quan sát trên mặt đất.

Đó là lời nhắc nhở rằng việc đuổi theo nhật thực bằng máy bay là điều không hề dễ dàng.

Sau sự thành công của Concorde 001, thành tích tốt nhất mà một chuyến bay thương mại có thể làm được trong những năm gần đây là E-Flight 2019-MAX, thực hiện bởi một chiếc Boeing 787-9 Dreamliner, cất cánh tại Sân bay Mataveri trên Rapa Nui (Đảo Phục Sinh) ngày 2/7/2019.

Chuyến bay này đã tăng gấp đôi tổng thời lượng quan sát nhật thực toàn phần, từ 4 phút 32 giây lên 9 phút.

Chuyện về chiếc máy bay mắc kẹt 74 phút trong vùng tối của Mặt Trời - 3

Một chiếc Boeing 787-9 Dreamliner đang bay trên bầu trời (Ảnh: Getty).

Có thể thấy, dù kỳ tích của Concorde 001 năm 1973 là gần như không thể tái hiện, song ý tưởng này vẫn truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những chuyến bay du lịch siêu sang, nhằm thỏa mãn nhu cầu từ giới thượng lưu, những người sẵn sàng bỏ một khoản tiền kếch sù để chiêm ngưỡng khoảnh khắc "có một không hai" trong đời người.

Trong lần nhật thực diễn ra vào ngày 8/4 vừa qua, những hành khách trên chuyến bay của hãng Delta Airlines, Mỹ đã có một "bữa tiệc" nhật thực toàn phần mãn nhãn.

Thay vì đuổi theo nhật thực, chuyến bay lơ lửng ở độ cao 9.144m so với mặt đất, tạo điều kiện cho hành khách quan sát cảnh tượng bên ngoài mà không bị thời tiết và mây cản trở.

Không chỉ vậy, các phi công đã thực hiện nhiều thao tác chuyển hướng, quay đầu chiếc phi cơ, để phục vụ hành khách ở cả hai bên máy bay có thể quan sát nhật thực một cách rõ nhất.

Bên cạnh đó, cũng nhiều "chuyến bay nhật thực" được bố trí với đường bay và độ cao cố định, trùng đường đi của nhật thực tại lục địa Bắc Mỹ. Điều này nhằm giúp du khách có được trải nghiệm quan sát hiện tượng này một cách liên tục, và kéo dài nhất có thể.