Nơi nào trên Trái Đất chứng kiến nhiều nhật thực nhất?

Minh Khôi

(Dân trí) - Dựa vào dữ liệu nhật thực trong 15.000 năm, các nhà khoa học đã tìm ra nơi trên Trái Đất có tỷ lệ cao nhất diễn ra hiện tượng này.

Nơi nào trên Trái Đất chứng kiến nhiều nhật thực nhất? - 1

Nhật thực toàn phần là hiện tượng đặc biệt hiếm gặp. Theo thống kê, mỗi thành phố trên Trái Đất phải đợi khoảng 374 năm để có thể quan sát hiện tượng này (Ảnh: Getty).

Nhật thực toàn phần ngày 8/4 là sự kiện được nhiều người trên thế giới chờ mong, nhưng đáng tiếc là chỉ một số khu vực nhất định có thể quan sát hiện tượng này.

Nhật thực toàn phần sẽ diễn ra chủ yếu trên một dải đất chạy dọc từ Mexico cho tới Mỹ, Canada. Những khu vực lân cận sẽ chỉ có thể chứng kiến nhật thực hình khuyên, hoặc thậm chí không nhận thấy sự khác biệt nào trên bầu trời.

Dựa vào dữ liệu nhật thực trong 15.000 năm, một nghiên cứu do Time and Date thực hiện cho thấy trung bình mỗi thành phố trên Trái Đất sẽ trải qua chu kỳ nhật thực toàn phần kéo dài khoảng 374 năm/lần.

Trong khi đó, nhật thực hình khuyên, hay còn gọi là "vòng lửa" Mặt Trời sẽ diễn ra thường xuyên hơn, với khoảng 226 năm/lần. Đối với nhật thực một phần, con số này chỉ là 2,6 năm/lần.

Theo thống kê, các khu vực có vĩ độ cao, thường là xung quanh vòng Bắc Cực và Nam Cực là nơi sẽ có nhật thực xảy ra thường xuyên hơn. Nguyên nhân là vì tại những khu vực này, Mặt Trời có xu hướng nằm ở phía trên đường chân trời lâu hơn, đồng nghĩa sẽ có nhiều thời gian hơn để nhật thực xảy ra.

Theo cách tính này, nơi tốt nhất để chờ nhật thực trên Trái Đất là thành phố Longyearbyen, thuộc quần đảo Svalbard, Na Uy, vì đây là thành phố nằm sát với vĩ độ Bắc nhất.

Nơi nào trên Trái Đất chứng kiến nhiều nhật thực nhất? - 2

Nhật thực toàn phần 2024 được người Mỹ chờ mong (Ảnh minh họa: Getty).

Theo NASA, nhật thực xảy ra khi Mặt Trăng đi qua giữa Mặt Trời và Trái Đất. Tuy nhiên, do quỹ đạo của Mặt Trăng quanh hành tinh của chúng ta là một hình elip, nên nhật thực cũng có nhiều dạng khác nhau.

Khi Mặt Trăng nằm ở quỹ đạo xa Trái Đất, kích thước của nó sẽ nhỏ hơn Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất. Khi diễn ra nhật thực vào lúc này, Mặt Trăng chỉ che khuất một phần của Mặt Trời, tạo ra hiệu ứng hình khuyên. Đó là nhật thực hình khuyên.

Mặt Trăng đôi khi cũng không đi qua chính giữa Mặt Trời, mà chỉ tạo thành một mảng tối khi quan sát từ Trái Đất. Đây gọi là hiện tượng nhật thực một phần.

Hiếm gặp nhất chính là nhật thực toàn phần, khi quỹ đạo của Mặt Trăng ở vị trí hoàn hảo, cho phép nó sẽ che khuất hoàn toàn bề mặt của Mặt Trời.

Tuy nhiên, để xem được tất cả các giai đoạn của nhật thực toàn phần, chúng ta phải quan sát nó từ một nơi nào đó dọc theo đường đi toàn phần. Những người quan sát bên ngoài phạm vi này sẽ chỉ nhìn thấy nhật thực một phần của Mặt Trời.

Nếu bỏ lỡ nhật thực toàn phần năm 2024, những người theo dõi ở Mỹ sẽ phải đợi gần 9 năm nữa, cụ thể là ngày 30/3/2033 để có thể quan sát nhật thực toàn phần tiếp theo.