Cô giáo miền núi cõng học sinh mùa lũ: "Tôi không muốn các em nghỉ học"

Tú Như Mai Châm

(Dân trí) - Mỗi mùa bão lũ, cô Đặng Thị Hương, giáo viên Trường Tiểu học Bát Mọt 1 (Thanh Hóa), đều cõng học sinh qua con suối chảy xiết vì không muốn học trò của mình bỏ lỡ lớp học.

Tấm gương của cô giáo Đặng Thị Hương là một điển hình cho thấy kết quả tuyên truyền của dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Trường Tiểu học Bát Mọt 1, thuộc huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), là một ngôi trường miền núi giáp đường biên giới nước Lào. Đây là nơi cô Đặng Thị Hương (44 tuổi) sinh sống và giảng dạy hơn 20 năm.

Cõng chữ, cõng trò

Mỗi khi trời mưa to hay lũ về, lớp học lại được "lót" bằng một lớp bùn đất, có khi là "sóng nước mênh mông", nhưng cả cô Đặng Thị Hương và học trò đều nỗ lực để tiếp tục được lên lớp.

Cô giáo miền núi cõng học sinh mùa lũ: Tôi không muốn các em nghỉ học - 1
Một khu lẻ của Trường Tiểu học Bát Mọt 1 sau trận lũ quét (Ảnh: NVCC). 

Cô Hương kể: "Nước đổ về từ trên cao, chúng tôi thường trở tay không kịp. Có những em học sinh ở cách trường một con suối. Mùa khô các em thường đến trường bằng cây cầu do dân xây. Đến mùa nước lũ, cầu bị cuốn trôi mất.

Khi mưa tạnh, nước rút nhưng vẫn còn chảy xiết. Những ngày này, tôi thường ra bờ suối chờ và cõng các em học sinh đến trường. Lớp học buộc phải bắt đầu muộn vài phút, nhưng tôi vẫn muốn các em được đi học đầy đủ".

Cô giáo miền núi cõng học sinh mùa lũ: Tôi không muốn các em nghỉ học - 2
Cô Đặng Thị Hương (bên phải) cõng học sinh qua con suối chảy xiết ở xã (Ảnh: NVCC). 

Khí hậu vùng cao khắc nghiệt, nhiều hôm cô giáo phải đi dạy trong tình trạng "không thấy đường" vì sương mù phủ kín lối đi: "Những ngày trời lạnh, nếu không nhanh chóng bọc quần áo bằng túi ni-lông, sương sẽ làm ẩm quần áo. Tôi phải đốt lửa sấy khô quần áo để kịp mặc đi dạy. 

Lớp học những ngày này cũng không tránh khỏi tình trạng ẩm ướt. Học trò phải vào học tầm 9 giờ để chờ sương tan hết. Nhưng khi thấy các em đến lớp đầy đủ, tôi rất vui". 

Cô giáo miền núi cõng học sinh mùa lũ: Tôi không muốn các em nghỉ học - 3
Sau bão, cô Đặng Thị Hương và học trò phải học tạm tại nhà dân (Ảnh: NVCC). 

Cô Hương chia sẻ, mùa lạnh đối với cô là "ác mộng". Vì khi tan trường, đường về nhà đã rất tối: "Cộng hưởng thêm độ dày đặc của sương mù nên tôi gặp khó khăn trong việc di chuyển. 

Vào những thời điểm này, tôi thường mở thêm giờ dạy vào buổi tối dành cho em học sinh nào muốn bổ túc. Sau đó, tôi sẽ ngủ lại trường. Dân bản làm cho tôi một phòng nhỏ được lợp bằng lá cọ và thân phên nứa. Quý lắm!". 

Tình nguyện mang con chữ lên miền núi

Cô Đặng Thị Hương chia sẻ, ngay từ những ngày đầu đi học, cô đã không ít lần chứng kiến các bạn đồng trang lứa bỏ học giữa chừng để phụ giúp gia đình: "Có bạn đến lớp học với tôi vài ngày, sau lại không thấy đi học nữa. Hỏi thì tôi mới biết bạn ấy nghỉ học để làm nông giúp bố mẹ". 

Nỗi trăn trở vì nhiều người không biết chữ và không còn nhiệt huyết đến trường đã giúp cô Đặng Thị Hương quyết tâm đi theo con đường nghề giáo. Với cô, càng nhiều người biết đọc, biết viết thì cô càng hạnh phúc. 

Cô giáo miền núi cõng học sinh mùa lũ: Tôi không muốn các em nghỉ học - 4

Cô Đặng Thị Hương hiện đang là giáo viên tại Trường Tiểu học Bát Mọt 1, thuộc huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) (Ảnh: Yến Nhi).

Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm, cô trực tiếp về giảng dạy tại xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân. Cô Hương là một trong những giáo viên nữ đầu tiên về giảng dạy tại đây. 

"Tâm huyết duy nhất của đời tôi chính là được nhìn thấy tất cả trẻ em trên thế giới này được đến trường. Vì vậy, tôi muốn dạy các em người dân tộc thiểu số người Thái đọc, viết và nói thông thạo tiếng Kinh. 

Rồi một ngày, khi trở thành một người có ích cho xã hội, các em sẽ tiếp tục thực hiện ước mơ mang con chữ đến vùng cao như tôi đã từng làm", cô Hương nói. 

Nói về lý do tình nguyện đến một nơi còn khó khăn và thiếu thốn cơ sở vật chất, cô Hương nhận định: "Nếu người thầy nào cũng muốn về dạy điểm trường gần nhà, thì ai sẽ là người xung phong về vùng sâu vùng xa công tác?".

Cô giáo miền núi cõng học sinh mùa lũ: Tôi không muốn các em nghỉ học - 5
Cô Đặng Thị Hương (thứ hai, từ trái sang phải) tổ chức sinh nhật cho các em học sinh trong lớp (Ảnh: NVCC). 

Bố mất sớm, mẹ ở nhà một mình nuôi anh trai mắc trầm cảm, cô Hương và chị gái (cũng là giáo viên) trở thành trụ cột gia đình. Khi nghe cô tình nguyện về vùng cao giảng dạy, mẹ ủng hộ cô hết mực. 

"Mẹ tôi từng là cán bộ, có thời gian bà từng sống với người đồng bào dân tộc thiểu số. Bà hiểu được những khó khăn, vất vả và thiếu thốn của bà con vùng cao. Chính vì thế, mẹ đã ủng hộ khi tôi bày tỏ ý định về đây giảng dạy", cô Hương nói. 

Hơn 20 năm đối mặt nhiều khó khăn nhưng quyết không từ bỏ

Ngày đầu đi dạy, cô Hương không biết tiếng Thái, các em học sinh không biết tiếng Kinh. Cô trò dường như bất đồng ngôn ngữ. Thấy các em không theo kịp tiến độ bài học vì mù tịt tiếng Việt, cô Hương quyết định học tiếng dân tộc.

"Tôi thống nhất với các em, nếu tôi dạy các em tiếng Kinh, các em sẽ dạy tôi tiếng Thái. Từ đó, tôi hiểu được các câu giao tiếp cơ bản. Dần dà, tôi biết nhiều hơn nhờ giao tiếp với phụ huynh và bà con tại đây.

Trong giờ học tôi thường giảng dạy song ngữ để em học sinh nào cũng được hiểu tường tận bài học", cô nói. 

Đôi lúc, cô Hương chứng kiến nhiều học sinh của mình bỏ học. Có em vì ham chơi, có em vì tự ti không theo kịp bài trên lớp. Những lúc như thế, cô Hương đều lặn lội đường xa đến nhà từng em để khuyên nhủ, vận động các em đi học. 

Cô giáo miền núi cõng học sinh mùa lũ: Tôi không muốn các em nghỉ học - 6
Nếu có em học sinh nào chưa hiểu bài, cô Đặng Thị Hương (thứ nhất, từ phải sang trái) sẽ đến tận nhà để bổ túc (Ảnh: NVCC). 

"Có em sau khi nghỉ học được tôi thúc đẩy đến lớp trở lại, nay em đã hoàn thành chương trình tiểu học và đang học cấp trung học cơ sở", cô Hương vui vẻ nói. 

Nếu các em không hiểu bài, cô sẽ giảng bằng cả hai thứ tiếng cho đến khi nào học trò hiểu mới thôi. Nếu học sinh của mình đã biết đọc, viết tiếng Việt tốt, cô Hương sẽ nâng cấp bài học và bắt đầu cho các em tiếp xúc với các môn học khác như môn toán. 

Khi hiểu được tầm quan trọng của việc đi học, học trò cô Hương trở nên tự tin và đến trường nhiều hơn. Đây là niềm vui, mong mỏi của một người thầy tâm huyết như cô. Ngoài đến lớp, cô Hương còn khuyến khích học sinh tham gia câu lạc bộ, văn nghệ,... 

"Không ít lần các em học sinh do tôi giảng dạy đạt những thành tích xuất sắc cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh. Nếu nhìn thấy học sinh ham học, tôi sẽ rất vui và hạnh phúc. Nhưng không từ nào có thể diễn tả được nỗi buồn nếu tôi nhìn thấy các em bỏ học", cô bộc bạch. 

Cô giáo miền núi cõng học sinh mùa lũ: Tôi không muốn các em nghỉ học - 7

Cô Đặng Thị Hương cùng các em học sinh trong hoạt động ngoài giờ lên lớp (Ảnh: Yến Nhi).

Có một kỷ niệm mà cô Hương vẫn nhớ mãi. Đó là trong một lần giao lưu văn nghệ dưới huyện, cô Hương và học trò ngồi trên một chiếc xe tải chở hàng di chuyển về dưới xuôi. Trong hơn hai tiếng đồng hồ đi trên con đường gập ghềnh sỏi đá, cô đã cùng học trò thuộc hơn 100 từ vựng tiếng Việt. 

Dạy học ở một nơi thiếu thốn nhiều thứ, nhưng cô Hương không bao giờ nghĩ đến hai chữ "bỏ cuộc". Cô nói: "Có những hôm lớp học không có điện, chúng tôi phải thắp đèn dầu. Nhưng qua ánh đèn leo lắt, nhìn thấy ánh mắt ham học của các em, tôi lại thấy mình chọn đúng nghề". 

Từ chối về thành phố giảng dạy 

Cô Đặng Thị Hương dù đối mặt với bao nhiêu khó khăn, nhưng cô vẫn luôn vững lòng với con đường mình lựa chọn: "Người dân ở đây đối xử với tôi bằng sự nhiệt tình, ấm áp. Các em học sinh cho tôi biết được niềm vui của nghề giáo là như thế nào.  

Tôi còn nhớ, năm 2009, tôi được huyện đề xuất chuyển về một ngôi trường dưới thị trấn cách nhà tôi khoảng 3-4 km. Nhưng tôi từ chối. Thời điểm đó, tôi đã gắn bó với Bát Mọt được 9 năm rồi. Tôi không nỡ xa học trò của mình". 

Cô giáo miền núi cõng học sinh mùa lũ: Tôi không muốn các em nghỉ học - 8

Cô Đặng Thị Hương (áo đỏ) giảng bài cho các em học sinh (Ảnh: Yến Nhi).

Cô Hương đã lập gia đình và có hai cô con gái. Gia đình đều cảm thông, chia sẻ gánh nặng công việc với cô. Chồng cô Hương luôn phụ giúp cô đỡ đần việc nhà cửa và san sẻ tinh thần giúp cô vượt qua những khó khăn.  

"Hiểu được công việc vất vả của mẹ, con gái tôi đã bắt đầu tự lập từ khi lên 6 tuổi. Nhiều lúc tôi cảm thấy thương con vì con phải chịu nhiều thiệt thòi với so các bạn đồng trang lứa.

Có những đêm dài tôi canh cánh trong lòng khi không thể bên cạnh chăm sóc gia đình. Nhưng để tôi vững lòng, yên tâm công tác, chị gái và chồng tôi đã trở thành hậu phương vững chắc. Họ luôn ủng hộ con đường mà tôi chọn", cô nói.

Cô giáo miền núi cõng học sinh mùa lũ: Tôi không muốn các em nghỉ học - 9
Lễ khai giảng tại Trường Tiểu học Bát Mọt 1 (Ảnh: NVCC). 

Thầy Lê Trung Hậu, đồng nghiệp của cô Hương, nhận xét: "Cô giáo Đặng Thị Hương là một người giáo viên tâm huyết với nghề. Cô luôn được đồng nghiệp, học sinh, và phụ huynh tin yêu, tôn trọng. 

Lúc mới về công tác, cô Hương phải đi bộ hàng chục cây số mới tới được trường. Nhưng cô luôn có tinh thần vượt khó. Nhiều năm qua, cô Hương luôn là giáo viên giỏi cấp huyện, tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở...".

Mỗi năm, cô Đặng Thị Hương sẽ về thăm nhà hai lần. Vì xã Bát Mọt ở xa trung tâm huyện Thường Xuân, đường núi gập ghềnh và dễ có mưa lũ, phương tiện qua lại cũng rất ít. Cô Hương thường đi nhờ xe tải chở hàng về dưới huyện. Có những lúc không có xe, cô Hương phải đi bộ vài chục km. 

"Mỗi chuyến xe đi "nhờ", tôi phải chi số tiền gần bằng cả một tuần lương. Vì vậy để tiết kiệm thời gian và tiền bạc, một học kỳ tôi mới về nhà một lần", cô Hương bộc bạch. 

Chia sẻ về dự định tương lai, cô Đặng Thị Hương cho biết cô vẫn sẽ tiếp tục dạy chữ cho các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngày 17/11, cô Đặng Thị Hương cùng với 57 thầy cô giáo khác được vinh danh tại chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" do Bộ Giáo dục & Đào tạo, Hội Liên hiệp Thanh niên, Ủy ban Dân tộc và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức.