Hà Giang phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc

Hồng Anh

(Dân trí) - Không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, Hà Giang còn được biết đến là nơi cư trú của 19 dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa độc đáo riêng.

Những năm qua, Hà Giang xác định phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc. Chính điều này đã đem lại cho vùng cao nguyên đá những nét hấp dẫn riêng biệt.

Hà Giang hiện có khoảng 87 vạn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 87,3%. Trong số 19 dân tộc thiểu số, dân tộc Mông có dân số đông nhất, chiếm khoảng 31%, còn lại là dân tộc Tày, dân tộc Dao, dân tộc Kinh và các dân tộc khác như Pà Thẻn, Lô Lô, Giáy, La Chí, Pu Péo, Bố Y, Phù Lá…

Sự đa dạng văn hóa của các dân tộc thiểu số đã tạo ra cơ hội lớn để phát triển các loại hình du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nói chung.

Những năm qua, du khách đến với Hà Giang không chỉ để khám phá những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Suối Tiên, cổng trời Quản Bạ, đèo Mã Pì Lèng, sông Nho Quế, cột cờ Lũng Cú, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì… mà còn để được hòa mình vào đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây.

Hà Giang phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc - 1

Hà Giang thu hút khách du lịch vì vẻ đẹp hoang sơ và bức tranh văn hóa đa sắc màu. (Ảnh: H. A).

Chính vì lý do đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được tỉnh đặc biệt quan tâm. Những năm qua, ngành văn hóa, du lịch địa phương đã tiến hành kiểm kê nhận diện hàng trăm di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể để làm cơ sở xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Đến nay, toàn tỉnh có 3 bảo vật quốc gia, 61 di sản văn hóa vật thể, 27 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận và xếp hạng di sản quốc gia và cấp tỉnh.

Hà Giang phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc - 2

Làng văn hóa du lịch giúp quảng bá bản sắc văn hóa địa phương tới du khách. (Ảnh: H. A).

Những năm qua, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã tích cực vận động người dân xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu. Ngoài ra, đơn vị này còn có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc như mở các lớp truyền dạy kỹ thuật, bí quyết thêu hoa văn trang phục dân tộc Lô Lô, Dao, Tày; truyền dạy các làn điệu dân ca và kỹ thuật sử dụng nhạc cụ truyền thống; khảo sát nghi lễ cúng rừng của các dân tộc thiểu số…

Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012. Lễ cúng này cũng được ngành văn hóa, du lịch tỉnh đặc biệt quan tâm bảo tồn.

Không chỉ chú trọng bảo tồn trong cộng đồng, ngành văn hóa du lịch Hà Giang còn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang xây dựng bộ tài liệu giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa truyền thống vào trường học. Các trường sẽ vận dụng, lồng ghép tư liệu này vào các môn học, đảm bảo học sinh lĩnh hội được kiến thức và hiểu thêm về văn hóa địa phương.

Hà Giang phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc - 3

Du khách lưu giữ lại hình ảnh về những ngôi nhà của đồng bào dân tộc ở Hà Giang. (Ảnh: H. A).

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UNND tỉnh Hà Giang cho biết, những năm qua khách du lịch đến với Hà Giang ngày một đông, không chỉ trong một mùa mà suốt bốn mùa trong năm.

Hà Giang xác định phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn, lưu giữ bản sắc văn hóa các dân tộc, giữ được bản chất địa chất, địa mạo, không làm tổn hại đến môi trường.

"Hà Giang sẽ có giải pháp phát triển du lịch trong từng giai đoạn cụ thể. Hà Giang là một tỉnh còn khó khăn. Muốn phát triển phải huy động được sự vào cuộc của nhân dân để bảo đảm môi trường, giữ được văn hóa, bản sắc của con người và cảnh quan địa phương", ông Quý nhấn mạnh.