Báo Mỹ ca ngợi làng nghề làm giấy dó tồn tại suốt 800 năm ở Bắc Ninh

Huy Hoàng

(Dân trí) - Trong bài báo của mình, cây viết của Business Insider đi tìm hiểu lý do vì sao làng nghề thủ công làm giấy dó ở Bắc Ninh, Việt Nam, có thể tồn tại suốt 800 năm.

Hai cây viết Nikita Grant và Amelia Kosciulek của tờ Business Insider (Mỹ), có dịp tới làng làm giấy dó ở làng Dương Ổ, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, để tìm hiểu lý do tại sao nghề thủ công này vẫn có thể tồn tại suốt 800 năm qua.

Đến nay, nghề thủ công này đang dần bị mai một, chỉ còn một số ít gia đình tiếp tục gắn bó với nghề.

Báo Mỹ ca ngợi làng nghề làm giấy dó tồn tại suốt 800 năm ở Bắc Ninh

Làm giấy vốn là nghề quan trọng đóng góp cho kinh tế làng Dương Ổ suốt nhiều thế kỷ. Người ta dùng những tờ giấy dó để làm sách hoặc tranh - một loại hình nghệ thuật dân gian phổ biến từng được sử dụng trang trí nhà trong ngày tết Nguyên Đán của người Việt.

Báo Mỹ ca ngợi làng nghề làm giấy dó tồn tại suốt 800 năm ở Bắc Ninh - 1
Một trong những công đoạn làm giấy dó (Ảnh cắt từ clip).

Từ thế kỷ 13, giấy dó được sử dụng rộng rãi để ghi chép lịch sử, cũng như trong các môn nghệ thuật dân gian. Nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ của thị trường giấy công nghiệp, nghề sản xuất giấy dó đang bị thu nhỏ lại.

Nhu cầu giấy dó giảm dần kể từ khi các nhà máy được mở ra vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Đến năm 2020, khoảng 75% giấy được sản xuất tại nhà máy. Nhưng ở làng Dương Ổ vẫn còn những gia đình, thợ làm giấy truyền thống đang từng ngày cần mẫn gắn bó với nghề mà cha ông truyền lại.

Ông Phạm Văn Tâm là một trong những thợ làm giấy truyền thống cuối cùng, hiện đang điều hành xưởng ở làng. Người đàn ông đã gắn bó với công việc này suốt 40 năm qua. Ông Tâm theo nghề từ năm 20 tuổi, được cha truyền nghề và tự hào khi giữ gìn công việc truyền thống này. Ngày nay, ông thuê thêm một vài thợ hỗ trợ.

Những loại cây làm nguyên liệu tạo nên giấy dó có thể tìm thấy ở các khu rừng phía bắc Việt Nam. Thường thì công nhân thu hoạch vỏ cây từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm. Khi đó, thời tiết nắng nóng khiến vỏ cây dễ bị bong hơn.

Họ ngâm vỏ cây, cắt thành từng khúc dài chừng 2m, tách thành loại tốt và loại xấu. Mài là một trong số ít các bước được thực hiện trên máy. Quá trình biến vỏ cây thành giấy có thể mất tới hàng tuần, đôi khi là hàng tháng.

"Ngày xưa các cụ còn giã bằng tay, chứ chẳng có máy nghiền như bây giờ", ông Tâm nói.

Dù có máy hỗ trợ, nhưng nhiều công đoạn vẫn phải thực hiện bằng tay. Ông Tâm đẩy vỏ cây di chuyển qua máy xay cho tới khi chúng biến thành bột giấy mịn. "Giấy làm thủ công sẽ để được lâu hơn so với bằng máy", ông nhận định.

Báo Mỹ ca ngợi làng nghề làm giấy dó tồn tại suốt 800 năm ở Bắc Ninh - 2
Quá trình làm thành giấy có thể kéo dài vài tuần (Ảnh cắt từ clip).

Ngày nay, xưởng sản xuất nhà ông Tâm chủ yếu bán thứ giấy đặc biệt này cho các viện bảo tàng và kho lưu trữ quốc gia. Dù đang cố sức giữ gìn, nhưng ông cho rằng rất có thể nghề truyền thống này sẽ biến mất hoàn toàn sau đời mình.

Những thanh niên trẻ ngày nay không còn tỏ ra hào hứng với việc bảo tồn nghề mà cha ông để lại. Ngay cả chính bản thân con cái ông Tâm cũng đã chọn cho mình nghề mới, không theo công việc của cha nữa.

Nhưng cô Trần Hồng Nhung lại không muốn điều đó xảy ra. Cô thành lập dự án "Zó" vào năm 2013. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận, tập trung vào việc bảo tồn làm giấy truyền thống ở Việt Nam.

Tổ chức này chuyên mua và dùng giấy dó để sản xuất bưu thiếp, đồ trang trí cũng như các tác phẩm nghệ thuật. Số tiền thu được sẽ dùng để hỗ trợ các nghệ nhân - những người đang làm việc để gìn giữ giấy dó tồn tại trong cộng đồng của họ. Ngoài ra, Nhung cũng đang dạy thêm những người trẻ và khuyến khích họ dùng loại giấy truyền thống.

Còn với những người thợ làm nghề như ông Tâm, đây chính là tình yêu của họ. "Vì yêu nghề nên tôi mới gắn bó. Nếu sau này nó có bị mai một đi, thì thực sự đáng tiếc", ông bộc bạch.