PhotoStory

Theo chân dân công sở đi làm bằng xe đạp gấp và tàu điện, không lo giá xăng

Thực hiện: Toàn Vũ - Viên Minh

(Dân trí) - Buổi sáng đến công ty của Vũ Khiêu (Hà Nội) thoải mái và nhẹ nhàng mà không lo nắng nóng hay ùn tắc, nhờ kết hợp xe đạp gấp và tàu điện.

6h30 mỗi sáng, Vũ Khiêu, 25 tuổi, lập trình viên, quận Hà Đông, Hà Nội thức dậy, ăn sáng cùng bố mẹ, sau đó chuẩn bị đi làm. Từ hồi tháng 11/2021, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành, Khiêu bắt đầu bỏ xe máy, lựa chọn phương tiện di chuyển mới là xe đạp gấp kết hợp tàu điện.

Theo chân dân công sở đi làm bằng xe đạp gấp và tàu điện, không lo giá xăng - 1

Là một dân công sở "gương mẫu", Khiêu mang cơm trưa đến cơ quan. Hộp cơm dinh dưỡng được mẹ anh chuẩn bị và xếp ngay ngắn trong balo.

Gần 7h, Khiêu rời nhà. Trước khi bắt đầu một ngày làm việc, anh đạp xe đến bể bơi cách nhà 2km. Theo anh, bơi vào buổi sáng giúp cơ thể thoải mái và được kéo giãn sau một giấc ngủ dài, tốt cho sự rèn luyện thể lực và tràn đầy năng lượng (Ảnh: Viên Minh).

Theo chân dân công sở đi làm bằng xe đạp gấp và tàu điện, không lo giá xăng - 2

Chiếc xe đạp gấp nặng khoảng 10kg, giá 6 triệu đồng, được Khiêu tháo lắp đơn giản với một vài động tác cơ bản. Khiêu cho biết, xe đạp gấp vừa thuận tiện để đi làm, vừa có thể được gấp gọn mang theo picnic, thậm chí đưa lên núi phục vụ du lịch nhẹ nhàng.

"Tôi sử dụng xe đạp gấp nhiều tháng qua giúp nâng cao thể chất, tinh thần rèn luyện sức khỏe, đồng thời giảm tải ô nhiễm môi trường", Khiêu nói (Ảnh: Viên Minh).

Theo chân dân công sở đi làm bằng xe đạp gấp và tàu điện, không lo giá xăng - 3

Đường phố Hà Nội đông đúc và tấp nập mỗi sáng cũng không thể làm khó Vũ Khiêu. Chiếc xe đạp nhỏ gọn giúp anh tranh thủ mọi không gian để di chuyển (Ảnh: Toàn Vũ).

Theo chân lập trình viên đi làm bằng xe đạp gấp, tàu điện không lo giá xăng

Theo chân dân công sở đi làm bằng xe đạp gấp và tàu điện, không lo giá xăng - 4

Sau 30 phút bơi lội, Khiêu thay sang trang phục công sở với quần bò và áo phông. Anh tiếp tục đạp xe đến ga Vành Đai 3, chuyển sang sử dụng tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông để đến công ty. (Ảnh: Toàn Vũ)

Theo chân dân công sở đi làm bằng xe đạp gấp và tàu điện, không lo giá xăng - 5

Khiêu nói, thói quen đạp xe đi làm giúp anh thoát được guồng quay bão giá hiện nay. Trước đây, mỗi tháng, anh tốn khoảng 400.000-500.000 đồng/ tiền xăng. Nhưng từ ngày kết hợp xe đạp gấp và tàu điện, khoản tiền này giảm xuống một nửa.

"Tôi dường như nằm ngoài ảnh hưởng bão giá nhờ mang cơm trưa và đạp xe đi làm. Hơn nữa, những ngày thời tiết như "đổ lửa", ngồi trên tàu điện vừa tránh ùn tắc vừa tránh nắng nóng", Khiêu cho hay. 

Theo Khiêu, khoản tiền tiết kiệm mỗi tháng từ việc đạp xe đi làm, giúp anh có thêm cơ hội gặp gỡ và giao lưu bạn bè (Ảnh: Viên Minh).

Theo chân dân công sở đi làm bằng xe đạp gấp và tàu điện, không lo giá xăng - 6

Tại ga Vành Đai 3, Khiêu mua vé tại quầy tự động, có giá 10.000 đồng cho hành trình đến ga Cát Linh. (Ảnh: Viên Minh).

Theo chân dân công sở đi làm bằng xe đạp gấp và tàu điện, không lo giá xăng - 7

Trước đó, trao đổi với PV, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, đơn vị đã có quy chế theo thông tư của Bộ Giao thông Vận tải về những hành lý có kích thước, trọng lượng được phép đưa lên tàu. Theo đó, những chiếc xe đạp gấp, kích thước nhỏ gọn nằm trong danh mục được phép. Tuy nhiên, nếu xe quá cồng kềnh, ảnh hưởng tới hành khách khác, nhà ga sẽ từ chối phục vụ. (Ảnh: Viên Minh).

Theo chân dân công sở đi làm bằng xe đạp gấp và tàu điện, không lo giá xăng - 8

Quãng đường từ nhà (quận Hà Đông) đến công ty (quận Ba Đình) của Vũ Khiêu kéo dài 10km. Ngày trước, anh mất khoảng 30 - 40 phút lái xe máy, cộng thêm cảnh tắc đường, nắng nóng và mệt mỏi.

Từ ngày sử dụng kết hợp xe đạp gấp và tàu điện, thời gian di chuyển tuy không giảm nhiều, nhưng bù lại, anh rất thoải mái và thong thả. Cũng có những ngày, anh đạp xe thẳng từ nhà đến công ty, tận hưởng những niềm vui đặc biệt theo vòng quay bánh xe (Ảnh: Viên Minh).

Theo chân dân công sở đi làm bằng xe đạp gấp và tàu điện, không lo giá xăng - 9

7h30- 8h mỗi sáng, tàu điện Cát Linh - Hà Đông luôn trong tình trạng đông đúc và không còn chỗ ngồi. Khiêu đứng một góc tàu, dùng chân cố định xe đạp gấp. Mỗi lần đến nhà ga, anh đều chủ động xuống trước để nhường đường cho những người phía sau.

"Theo quan sát, tôi thấy trên tàu cũng rất nhiều anh chị em công sở sử dụng xe đạp gấp giống mình, hoặc những loại xe khác phục vụ di chuyển được phép mang lên tàu", anh nói. (Ảnh: Viên Minh)

Theo chân dân công sở đi làm bằng xe đạp gấp và tàu điện, không lo giá xăng - 10

Sau 15 phút, anh Khiêu đến ga Cát Linh, cách công ty 1km. Nam lập trình viên khuyên mọi người nên thử một lần trải nghiệm đi làm bằng xe đạp gấp, hoặc kết hợp các phương tiện công cộng khác như tàu điện, xe buýt,… (Ảnh: Toàn Vũ).

Theo chân dân công sở đi làm bằng xe đạp gấp và tàu điện, không lo giá xăng - 11

Trước xe đạp gấp, Vũ Khiêu từng sử dụng xe đạp địa hình để chinh phục núi Tà Xùa, leo núi Ba Vì, đạp vòng quanh Hà Nội, thậm chí vòng quanh Tây Bắc trong 2 tuần. Ban đầu, anh chỉ đạp một vòng hồ Tây cũng đã mất sức và rã rời.

Không bỏ cuộc, anh luyện tập mỗi ngày, được bạn bè trong hội đạp xe giúp đỡ và động viên, để cùng tiến bộ, cùng khám phá những cung đường mới. (Ảnh: Toàn Vũ).

Theo chân dân công sở đi làm bằng xe đạp gấp và tàu điện, không lo giá xăng - 12

Khiêu là một trong những nhân viên đến công ty sớm nhất. Nhiều đồng nghiệp mỗi khi trông thấy anh bên cạnh chiếc xe đạp gấp, đều rất hứng thú và thường xuyên hỏi mượn để trải nghiệm, dần dà suy nghĩ đến việc mua xe đạp gấp trong tương lai. (Ảnh: Viên Minh).

Anh Trần Thế Nam, quản lý nhóm "Xe đạp gấp siêu cấp - Việt Nam Folding Bike" cho biết, hiện nhóm có khoảng 1.200 thành viên. Mỗi ngày, trung bình từ 10-20 người tham gia, với mong muốn tìm kiếm phương tiện đi làm thay thế xe máy giữa thời điểm giá xăng tăng liên tục.

Theo anh Nam, nhiều tuần nay, trào lưu kết hợp xe đạp gấp và phương tiện công cộng thực sự nở rộ. Các thành viên đến với nhóm chủ yếu tìm hiểu và nhờ tư vấn về xe đạp gấp để đi làm, tập thể dục. Trung bình mỗi chiếc xe có giá từ 2-12 triệu đồng tùy phân khúc, độ hoàn thiện, kiểu cách và mẫu mã. Cá biệt, có chiếc lên đến 80-200 triệu đồng.

"Tôi hi vọng nhóm của mình sẽ tạo nên một cộng đồng xe đạp nói chung và xe đạp gấp nói riêng để Hà Nội hay TP.HCM giảm ô nhiễm, khói bụi, đặc biệt rèn luyện sức khỏe, hướng đến lối sống xanh", anh Nam nói.