Hải Phòng dừng dạy trực tuyến lớp 1,2: "Thực tế, thấu hiểu và quyết đoán"!

(Dân trí) - Một thực tế mà rất nhiều bạn đọc chia sẻ nữa là sau mỗi thời điểm học online, mắt con lại tăng độ cận hoặc bắt đầu bị cận từ khi học online...

Nhận thấy việc dạy học trực tuyến có nhiều khó khăn, không thuận lợi cho phụ huynh học sinh, Sở GD-ĐT Hải Phòng đã có quyết định dừng việc dạy học trực tuyến đối với học sinh khối lớp 1, lớp 2 và không dạy kiến thức mới bằng hình thức trực tuyến với học sinh khối 3, 4, 5 cấp tiểu học kể từ ngày 22/2/2021.

Thực tế, qua quá trình kiểm tra tại các nhà trường và qua báo cáo của các đơn vị giáo dục trên địa bàn tỉnh cho thấy, việc dạy học trực tuyến đối với cấp tiểu học, nhất là các lớp đầu cấp đã phát sinh quá nhiều bất cập.

Với HS lớp 1 và 2, các em còn nhỏ, không tự vận hành máy tính, thao tác kỹ thuật trong quá trình học với thầy cô giáo. Trong khi phụ huynh đi làm, không thể kèm con.

Nhiều trường học linh hoạt lịch dạy ngoài giờ hành chính, nhưng việc dạy học trực tuyến với HS tiểu học còn nhiều bất cập. Đặc biệt, với HS lớp 1 đang học theo chương trình SGK mới gây ra nhiều trở ngại với phụ huynh.

Hiện, đối với khối lớp còn lại của bậc tiểu học, Sở GD&ĐT Hải Phòng chỉ đạo không dạy bài mới. Giáo viên gửi chương trình học cho phụ huynh để giao cho các con làm. Sau đó, thầy cô sẽ lên lớp trực tuyến vào một thời gian phù hợp trong ngày để chữa bài tập, sửa bài cho HS.

"Thực tế, thấu hiểu và quyết đoán"

Quyết định này của Hải Phòng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình không chỉ của các bậc phụ huynh trong địa bàn tỉnh  bởi sự "thực tế", "thấu hiểu" và rất quyết đoán.

"Thực tế, thấu hiểu" bởi, chỉ có những phụ huynh đang có con trong độ tuổi này mới hiểu được những bất cập khi con phải học online, nhiều bạn đọc đã chỉ ra điều đó:

Hải Phòng dừng dạy trực tuyến lớp 1,2: Thực tế, thấu hiểu và quyết đoán! - 1
Nhiều phụ huynh lo lắng vì thực tế con đã bị cận chỉ sau 2 tuần học trực tuyến

"Ủng hộ quyết định của Hải Phòng! Nhà tôi có 2 cháu học thì số máy cần tương đương, vậy là bố mẹ phải hi sinh công cụ làm việc cho các con học hoặc phải bỏ khoản tiền ngoài kế hoạch ra mua máy mới cho con. Bất cập thứ hai là bố mẹ phải đi làm, bà ngoài 70 tuổi không biết phải làm thế nào để cùng cháu học được, đang học mà máy bị trục trặc, hình lộn ngược thế là bà cháu đành ngồi nhìn nhau…", bạn đọc Đức Khôi.

Bạn đọc Ngọc Anh: "Tôi thấy quyết định này quá chuẩn bởi việc học online không hề hiệu quả, mạng thì bập bõm, chập chờn, câu được câu mất, xong bố mẹ phải ngồi kế bên để làm công nghệ thông tin rồi phải nhắc con học nghiêm túc, không thì lát lại chạy ra ăn, lát chạy ra uống, đang học kêu đau bụng, đủ lí do…"

"Với phụ huynh gia đình không có điều kiện kinh tế, việc mua máy tính phục vụ việc học online cho con quả thực là gánh nặng vô cùng lớn, rồi còn lắp đặt và sử dụng mạng internet, sử dụng phần mềm học…. không khác gì sự đánh đố. Nên theo tôi, trong thời gian này các trường nên tận dụng đây là dịp để giao bài tập ôn lại kiến thức cũ cho học sinh thêm vững chắc, bằng cách in bài ra gửi cho các con bằng hình thức nào đó thuận lợi nhất", bạn Thanh Nga

"1 triệu like cho Hải Phòng. Phải có tỉnh đi đầu nói lên thực tế. Học kiểu online chỉ được cho các cháu đã hình thành tính tự giác, tập trung như các con ở cấp 2 hoặc cấp 3. Còn với các cháu nhỏ đang ở cấp tiểu học, học vậy sẽ làm trẻ không tập trung, tạo thói quen xấu", bạn đọc Tuệ Minh

"Con tôi học lớp 2. Tuần trước học cô giáo nói phụ huynh cho bé học trên phần mềm Zoom, sang tuần này cô bảo phụ huynh cho con học trên meet.google... Không biết trẻ học online kiểu gì nếu phụ huynh không biết gì về công nghệ, mà đâu phải nhà bé nào cũng có điều kiện về thiết bị, về con người để giúp bé học (bố mẹ đi làm chỉ có ông bà già vv...). Thiết nghĩ giáo dục đổi mới kiểu gì thì cũng không nên áp đặt suy nghĩ của người lớn vào trẻ nhỏ", bạn đọc Linh Nga.

Bạn đọc Lê Ngọc: "Quyết định của Hải Phòng rất nhân văn! Thực sự việc học trực tuyến chỉ có tác dụng đối với học sinh đã có nền tảng ý thức! Việc cho học sinh bậc tiểu học học trực tuyến là điều vô cùng mất thời gian và không hiệu quả!"

"Mình cho rằng đây là quyết định đúng. Các tỉnh, thành cần học tập và cũng không nên dạy online với trẻ lớp 3, 4. Các bé lớp 5 thì có thể vì năm cuối bậc tiểu học, cần luyện tập nhiều hơn", bạn đọc Minh Hạnh

Trách nhiệm dồn lên vai phụ huynh?

Bạn đọc Thu Hoài cho rằng, việc học trực tuyến dường như đang dồn trách nhiệm lên vai phụ huynh vì ý thức tự học ở nhiều học sinh chưa cao, nhất là ở các em cấp 1, 2: "Đang trong giờ các con học, vẫn thấy tiếng cô giáo giảng bài nhưng khi ba mẹ kiểm tra thì phát hiện con đang chơi game, nghe nhạc, chả dính líu gì tới việc học. Đây cũng là điều gây khó khăn cho phụ huynh, thậm chí nhiều ba mẹ phải thay phiên nhau canh chừng con, sợ con không lo học mà sa đà vào game.

Thêm nữa, việc học qua mạng cũng khiến không ít phụ huynh đau đầu, nhất là các mẹ "mù" công nghệ. Tải phần mềm này, ứng dụng kia rồi thao tác lấy bài xuống hoặc chuyển đi in đôi khi làm các mẹ bối rối thật sự. Hoặc có khi file thầy cô gởi không tương thích với máy khiến cả mẹ và con không xem được, thế là phải nhờ đến bố hoặc người "có chuyên môn" hơn".

Một thực tế mà rất nhiều bạn đọc chia sẻ nữa là sau mỗi thời điểm học online, mắt con lại tăng độ cận hoặc bắt đầu bị cận từ khi học online.

"Gia đình tôi cấm hoặc hạn chế tối đa cho con sử dụng thiết bị điện tử như ti vi, máy tính, điện thoại để giữ cho mắt của con được sáng khỏe, thì chỉ sau đợt học online năm ngoái, mắt con thành cận 2 đi ốp. Tôi thực sự buồn và oải vì con hỏng mất đôi mắt mà kiến thức thì chẳng đọng lại được điều gì, qua tháng học online này nữa không biết mắt con tăng thêm mấy độ nữa.

Thiết nghĩ các trường tiểu học nên tìm một cách mới mẻ và thực tế hơn, như cách làm của Hải Phòng, là thay vì đua nhau dạy học online, hãy tận dụng dịp này để giao những bài tập thực tế cuộc sống cho các con như học cách giúp đỡ bố mẹ việc nhà, quan sát chủ đề nào đó rồi viết thành bài tổng hợp, hay đơn giản giao những bài tập để ôn lại và củng cố kiến thức cho các con thì hơn", bạn đọc Lê Quân.

"Đừng để chuyện con học online thành nỗi ám ảnh của cha mẹ. Cha mẹ phải lần lượt nghỉ làm để canh mở máy tính và giúp con học, liệu người sử dụng lao động có đồng ý không? Học ít lại chút mình nghĩ cũng không sao đâu nhỉ? Rồi thiết bị đâu nếu cha mẹ không có tiền mua?", bạn đọc Thu Thảo

"Nhà mình cũng vậy, năm ngoái sau đợt học online con cận luôn 2 đi ốp, cuối tuần vừa rồi đi khám đã tăng lên 3,5 rồi. Kết quả học tập năm ngoái lớp các con bị kém vô cùng, tôi không hiểu có cả 3 tháng hè sao nhà trường không lùi chương trình học lại mà cứ máy móc phải học online vậy.

Tiết học online 40 phút thì mất đến quá nửa cô ổn định trật tự, gọi các con online đúng giờ, rồi nhắc bạn nọ bạn kia làm việc riêng, không bật màn hình... vậy chất lượng ở đâu?", bạn đọc Ngọc Quỳnh.

Nhiều tình huống bi hài, hay những điều không mong muốn gặp phải khi học online chắc chắn sẽ là những kỷ niệm khó quên trong mùa dịch Covid-19. Tuy nhiên, học trực tuyến cũng là xu hướng bắt buộc trong thời đại mới, chứa đựng nhiều cơ hội và thách thức. Cơ hội để các con hình thành thói quen tự học, còn thách thức là dành cho phụ huynh, những người buộc phải theo sát, kèm cặp trẻ để việc học đạt kết quả như mong muốn. Và hay chăng, nó cũng là cả cơ hội và thách thức cho những nhà giáo dục để có được những sáng kiến hữu dụng hơn trong bối cảnh này?

Ý kiến của bạn về vấn đề này như thế nào? hãy gửi nội dung bình luận ở khung bên dưới nhé!