An toàn cho trẻ ở chung cư, đừng chỉ trông chờ vào phép màu

Hoàng Lam

(Dân trí) - Liên tiếp các vụ trẻ rơi từ các căn hộ chung cư cao tầng thương vong. Phép màu không phải bao giờ cũng xuất hiện, đã có những đứa trẻ phải bỏ mạng một cách đau đớn từ bất cẩn của người lớn.

An toàn cho trẻ ở chung cư, đừng chỉ trông chờ vào phép màu - 1

Ngày 19/4, một bé gái 4 tuổi rơi từ cửa sổ căn hộ tầng 24 của chung cư cao tầng ở Hà Nội. Không có người hùng Nguyễn Ngọc Mạnh thứ hai nào xuất hiện ở thời điểm đó. Cháu bé đã phải bỏ mạng một cách tức tưởi. Cái chết của cháu một lần nữa gióng lên hồi chuông về tình trạng mất an toàn cho trẻ ở các khu chung cư cao tầng vốn đang là lựa chọn về chỗ ở của nhiều gia đình trẻ hiện nay.

Ai có thể cầm lòng được trước cảnh người mẹ tột cùng đau đớn khi mất đi đứa con gái yêu quý bé bỏng của mình? Người mẹ ấy đáng thương không? Có!. Người mẹ ấy có đáng trách, đáng giận không? Có. Không đáng trách sao được khi sự bất cẩn dù chỉ một phút của người mẹ đã khiến đứa trẻ phải bỏ mạng một cách thương tâm và đau đớn.

Trước tình trạng liên tiếp xảy ra tai nạn đối với trẻ ở các khu nhà cao tầng, Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu Ủy ban quốc gia vì trẻ em chỉ đạo các địa phương, bộ ngành liên quan trong phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em. Việc rà soát các tiêu chí trong xây dựng và đảm bảo an toàn trong các khu chung cư đã được Ủy ban quốc gia vì trẻ em chỉ đạo Bộ Xây dựng thực hiện.

Song song với trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin kiến thức cho cha mẹ trong việc xây dựng ngôi nhà an toàn theo Quyết định 548/QĐ-LĐTBXH của bộ LĐ-TB&XH cũng được triển khai. Các hộ gia đình được khuyến cáo cần nghiên cứu và tuân thủ 15 tiêu chí bắt buộc về ngôi nhà an toàn để loại bỏ các nguy cơ gây thương tích cho trẻ em, đặc biệt là việc ngã ở trẻ em.

Quan điểm của người viết, việc đảm bảo an toàn cho trẻ, nhất là trong chính ngôi nhà của mình không phải dừng lại ở việc "cần" mà là điều bắt buộc phải làm, gắn với trách nhiệm trước hết đối với cha mẹ và những người lớn trong gia đình.

Một ông bố người Pháp đã phải lãnh án khi để con trai 4 tuổi ở trong căn hộ một mình đi chợ, khiến cậu bé trèo ra ban công tầng 6 và bị rơi xuống. Người hùng 22 tuổi đã xuất hiện đúng thời điểm và cứu giữ mạng sống cho cháu bé nhưng người cha đã phải chịu hình phạt trước pháp luật khi không thực hiện đúng bổn phận và trách nhiệm của mình trong đảm bảo an toàn cho con.

Đó là câu chuyện ở nước ngoài, còn ở Việt Nam, người viết chưa thấy trường hợp nào bị xử lý trách nhiệm hình sự trong trường hợp tương tự.

Không ai muốn điều bất trắc xảy đến với con mình. Không phải ai cũng có thể giám sát con 24/24h để đảm bảo con cái được an toàn tuyệt đối. Bởi vậy, việc xây dựng môi trường an toàn, trước hết từ chính trong ngôi nhà của mình là điều vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, thay vì bao bọc trẻ, hãy dành thời gian và có biện pháp hướng dẫn và giúp trẻ nhận biết để phòng tránh các nguy cơ gây tai nạn thương tích.

Mỗi đứa trẻ sinh bằng những tháng ngày mang nặng đẻ đau, lớn lên từ những yêu thương chăm bẵm, bởi vậy, bậc cha mẹ phải hành động ngay, đừng để phải hối hận vì chính sự bất cẩn của mình.  

Mọi trẻ em đều có quyền được bảo vệ, được sống một cuộc sống an toàn. Người làm cha, làm mẹ, trước hết phải có trách nhiệm đối với sự an toàn tính mạng, sức khỏe của con trẻ  và trách nhiệm trước pháp luật trong việc đảm bảo việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ.