Vụ cháu bé rơi ở chung cư: Cảnh báo về môi trường sống an toàn của trẻ em

Phạm Công

(Dân trí) - Theo Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), vụ việc bé gái 4 tuổi rơi ở chung cư Xuân Mai Complex (Hà Đông, Hà Nội) hôm 19/4 là sự cảnh báo về việc xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ tại gia đình.

Thời điểm xảy ra sự việc, trong căn hộ chỉ có mẹ và cháu bé, bố cháu đang đi công tác. Mẹ cháu bận làm việc ở ngoài và tưởng cháu ngủ trong phòng nên đã không hay biết sự việc. Cháu bị rơi từ tầng 24 khi trèo qua cửa sổ tại phòng ngủ.

Trao đổi về vấn đề này, bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: "Thời gian gần đây, xảy ra nhiều vụ trẻ em rơi ngã từ các nhà cao tầng, đặc biệt là các chung cư. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh các phụ huynh cần chú ý xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ".

Vụ cháu bé rơi ở chung cư: Cảnh báo về môi trường sống an toàn của trẻ em - 1

Khu vực cháu bé bị rơi xuống từ tầng 24 chung cư Xuân Mai Complex. (Ảnh: Trần Thanh)

Trước thực trạng này, Cục Trẻ em đã có tham mưu với Ủy ban quốc gia vì trẻ em để chỉ đạo các địa phương, bộ ngành liên quan trong phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em. Đồng thời triển khai tuyên truyền, cung cấp thông tin kiến thức cho cha mẹ nhất là xây dựng ngôi nhà an toàn theo quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH của bộ LĐ-TB&XH về  tiêu chuẩn ngôi nhà an toàn. 

Theo đó, các hộ gia đình cần nghiên cứu và tuân thủ 15 tiêu chí bắt buộc về ngôi nhà an toàn. Nếu thực hiện tốt thì có thể loại bỏ các nguy cơ gây thương tích cho trẻ em, đặc biệt là việc ngã ở trẻ em.

Đồng thời, các hộ gia đình phải thường xuyên rà soát, loại bỏ các nguy cơ gây ngã cho trẻ em đặc biệt là các khu chung cư. Ủy ban quốc gia về trẻ em đã có văn bản chỉ đạo bộ liên quan như Bộ Xây dựng để rà soát các tiêu chí xây dựng, giám sát việc thực hiện các quy định về ngôi nhà an toàn tại khu chung cư.

Một số các tiêu chí về ngôi nhà an toàn cần lưu ý, như: Hàng rào liên quan đến các gia đình có ao hồ xung quanh, các quy định nắp đậy giếng, bể nước quy chuẩn về chắn song cửa sổ, hệ thống điện an toàn, lan can cầu thang, hành lang… để trẻ không tiếp xúc với các mối nguy hiểm.

"Thực tế thì các trường hợp xảy ra ngã vừa qua là sự thiếu tích cực giám sát của cha mẹ. Cha mẹ cần phải quan tâm và có người trông giữ trẻ, ở gần bên giám sát trẻ nhỏ. Hầu hết các trường hợp tai nạn của trẻ đều không có cha mẹ ở bên cạnh" - bà Vũ Thị Kim Hoa thông tin.

Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tai nạn thương tích ở trẻ. Trong khi nguyên nhân chính là cha mẹ thiếu kiến thức, kỹ năng trong việc loại bỏ các nguy cơ gây thương tích cho trẻ.

"Ngoài ra, vấn đề hướng dẫn và giúp trẻ nhận biết để phòng tránh các nguy cơ gây tai nạn thương tích cũng vô cùng quan trọng. Khi trẻ em bắt đầu có nhận thức, cha mẹ, nhà trường cần giáo dục trẻ biết phòng tránh các mối nguy hại xung quanh" - bà Vũ Thị Kim Hoa cho biết thêm.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ. Định kỳ kiểm tra giám sát để loại bỏ các nguy cơ có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

"Đối với tình trạng trẻ bị rơi thì cần xác định nguyên nhân từ đâu, lý do tại sao, tại ai, những tổ chức, cá nhân liên quan phải có trách nhiệm trước sự việc" - bà Vũ Thị Kim Hoa nhấn mạnh.

Theo thống kê gây đây của Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy, năm 2018, gần 37.000 vụ tai nạn thương tích do ngã khiến 77 cháu nhỏ tử vong. Hơn 50% số vụ tai nạn thương tích của trẻ xảy ra ngay trong chính gia đình.

Trong đó, tai nạn thương tích do rơi ngã thường xảy ra nhiều và để lại hậu quả nghiêm trọng. Tai nạn thương tích không chỉ gây tổn thất nặng nề về người và tài sản, mà còn để lại nỗi đau dai dẳng đối với nhiều gia đình.