Nhiều khách hàng đệ đơn ra tòa kiện tập thể Công ty FLC Hạ Long

Nguyễn Dương

(Dân trí) - TAND TP Hạ Long (Quảng Ninh) đang thụ lý đơn khởi kiện của nhiều người là khách hàng mua căn hộ condotel FLC Grand Hotel Hạ Long (ở TP Hạ Long, Quảng Ninh).

Xác minh thông tin FLC Hạ Long thế chấp dự án đi vay tiền ngân hàng

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Bình Vân, Chánh án TAND TP Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết, đơn vị đang thụ lý nhiều đơn kiện Công ty Đầu tư và phát triển FLC Hạ Long (FLC Hạ Long, trụ sở ở Hạ Long, Quảng Ninh). 

Những người gửi đơn kiện trên là khách hàng từng mua căn hộ condotel tại dự án FLC Grand Hotel Hạ Long (TP Hạ Long, Quảng Ninh) với Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC Group, trụ sở ở Hà Nội).

Các khách hàng kiện FLC Hạ Long vì vi phạm hợp đồng thuê và quản lý tài sản tại dự án FLC Grand Hotel Hạ Long.

"Theo kế hoạch chúng tôi đưa vụ án này ra xét xử trong tháng 9, nhưng quá trình giải quyết vụ án phát sinh tình tiết mới là Công ty FLC Hạ Long đã đem dự án FLC Grand Hotel Hạ Long đi thế chấp quyền khai thác tại ngân hàng Sacombank.

Do đó, chúng tôi phải đưa đại diện Sacombank vào tham gia tố tụng, nên vụ án phải tạm dừng xét xử", ông Vân nói và cho biết, vụ án sẽ được đưa ra xét xử trong tháng 10.

Nhiều khách hàng đệ đơn ra tòa kiện tập thể Công ty FLC Hạ Long - 1

Dự án FLC Grand Hotel Hạ Long (Ảnh: Nguyễn Dương).

Nằm trong số hàng trăm khách hàng đang đệ đơn kiện Công ty FLC Hạ Long, chị Nguyễn Thị Tiên Duyên (ở Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Năm 2018, chị ký hợp đồng mua căn hộ condotel tại dự án FLC Grand Hotel Hạ Long, có diện tích hơn 47m2, với giá gần 1,5 tỷ đồng với FLC Group.

Sau đó, FLC Group đã ủy thác cho bên thứ 3 ký hợp đồng thuê và quản lý tài sản với chị Duyên. Nghĩa là, căn hộ chị Duyên mua sẽ cho FLC Hạ Long thuê lại để khai thác cho khách du lịch hoặc khách hàng khác thuê.

Theo hợp đồng, chị Duyên có quyền được hưởng giá thuê bằng 85% lợi nhuận/năm và trong mọi trường hợp sẽ không thấp hơn 12% giá tính tiền thuê/năm trong vòng 8 năm đầu.

Theo đó, căn hộ chị Duyên mua 1,5 tỷ đồng sẽ được trả giá thuê là 180 triệu đồng/năm (chưa trừ các khoản thuế, phí khác).

Chị Duyên cho biết, vì được FLC Group và FLC Hạ Long cam kết trả 12%/ năm trong 8 năm đầu nên các chủ sở hữu mới trả giá mua căn hộ cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung thời bấy giờ.

Theo chị Duyên, ngay khi dự án đi vào hoạt động năm 2019, FLC Hạ Long đã không thanh toán tiền thuê đúng hạn, để mặc cho "khổ chủ" đi đòi nhiều lần tại trụ sở FLC Group (số 265 Cầu Giấy, Hà Nội) và tại dự án ở Hạ Long, Quảng Ninh.

"Chúng tôi ký với FLC Hạ Long thanh toán tiền thuê là 6 tháng/lần. Nhưng ngay kỳ đầu năm 2019 chúng tôi đã phải đấu tranh thì mới được trả tiền. Đến kỳ 2 của năm 2019, chúng tôi phải đấu tranh gay gắt ở trụ sở chính của FLC Group mới được thanh toán", chị Duyên cho biết.

Người phụ nữ trên chia sẻ thêm, FLC Hạ Long thanh toán cho khách hàng tiền thuê căn hộ đến hết kỳ 1 của năm 2020, còn từ kỳ 2 của năm 2020 cho đến hiện nay, FLC Hạ Long chưa thanh toán tiền thuê cho khách hàng.

"Không phải khách hàng nào cũng được thanh toán tiền thuê, chỉ những người đi đấu tranh mới được trả tiền. Có nhiều khách hàng ở tỉnh, thành phố xa, ở nước ngoài không có điều kiện đến trụ sở FLC Group đòi, nên từ khi ký hợp đồng đến nay họ chưa lấy được đồng tiền thuê nào từ FLC Hạ Long", chị Duyên bức xúc.

Theo chị Duyên, hàng trăm khách hàng đã đệ đơn ra tòa kiện FLC Hạ Long, buộc công ty này phải thanh toán toàn bộ tiền thuê chưa trả cho chủ sở hữu căn hộ theo hợp đồng thuê và quản lý tài sản ký kết giữa 2 bên.

Các khách hàng muốn chấm dứt hợp đồng thuê và quản lý tài sản với FLC Hạ Long, nếu có ký tiếp thì phải đàm phán lại. Trường hợp không đàm phán được, các chủ sở hữu dùng căn hộ của mình để lưu trú như trong Hợp đồng mua bán với FLC Group đã thỏa thuận.

Cùng nội dung kiện FLC Hạ Long, chị Phạm Thị Thao (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội), chia sẻ, năm 2018 chị cũng mua căn hộ condotel tại dự án FLC Grand Hotel Hạ Long, có diện tích 41,7m2, với giá hơn 1,8 tỷ đồng.

Nhưng ròng rã từ năm 2020 đến nay, chị Thao cũng không được FLC Hạ Long thanh toán tiền thuê căn hộ theo hợp đồng thuê và quản lý tài sản đã ký kết giữa 2 bên.

Làm ăn có lãi nhưng không trả tiền?

Tương tự, cuối năm 2018, gia đình ông Lương Thanh Nhã (ở quận Long Biên, Hà Nội) có mua một căn hộ tại dự án trên và cũng rơi vào tình cảnh như 2 "khổ chủ" trên.

Ông Nhã cho biết thêm, do nghi vấn FLC Hạ Long thế chấp tài sản tại dự án FLC Grand Hotel Hạ Long, trong đó có các căn hộ của khách hàng nên đã đề nghị tòa án thu thập báo cáo tài chính của FLC Hạ Long.

Theo ông Nhã, "trong báo cáo tài chính thể hiện FLC Hạ Long có nguồn thu đều đặn, giai đoạn Covid-19, riêng doanh thu từ hoạt động cho thuê phòng đạt từ 90-210 tỷ đồng".

Nhiều khách hàng đệ đơn ra tòa kiện tập thể Công ty FLC Hạ Long - 2

Trước đó, chủ sở hữu condotel FLC Grand Hotel Hạ Long nhiều lần đứng tập trung ở trụ sở Tập đoàn FLC ở Cầu Giấy, Hà Nội để đòi tiền (Ảnh: Hà Phong).

"Hợp đồng mua bán của chúng tôi đã hoàn tất và đã có biên bản bàn giao tài sản từ phía FLC Group. Chúng tôi đã thanh toán đủ 95% số tiền mua căn hộ, sau đó họ ký Hợp đồng thuê và quản lý tài sản (HĐTTS) với Công ty FLC Hạ Long để đơn vị này thuê lại", ông Nhã chia sẻ thêm.

Do vậy, ông Nhã cho rằng bản chất ở đây là Công ty FLC Hạ Long vi phạm nghĩa vụ của HĐTTS, chứ đây không phải là Hợp đồng hợp tác kinh doanh theo kiểu lời ăn lỗ chịu. Chính vì vậy, Công ty FLC Hạ Long phải trả tiền theo cam kết. Nếu vi phạm thì chủ sở hữu có quyền khởi kiện chấm dứt HĐTTS.

Ông Lương Thanh Nhã cho biết, vì bị hoãn xét xử nhiều lần nên ngày 19/10 vừa qua, gần 80 chủ sở hữu đã ký đơn tập thể gửi TAND Tối cao kiến nghị chỉ đạo TAND tỉnh Quảng Ninh sớm đưa vụ án ra xét xử.

"Chúng tôi cũng gửi đơn tập thể đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, kiến nghị giám sát các cấp ủy, tổ chức Đảng của các đơn vị liên quan xem có dấu hiệu bao che cho FLC và FLC Hạ Long hay không", ông Nhã nói.

Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Công ty FLC Hạ Long cho biết, công ty đang nợ tiền thanh toán cho các chủ sở hữu căn hộ đã ký hợp đồng thuê và quản lý tài sản tại dự án FLC Grand Hotel Hạ Long.

Nhưng không phải tất cả các chủ sở hữu căn hộ đều bị FLC Hạ Long nợ đọng tiền, đã có nhiều chủ sở hữu được giải quyết bằng các quyền lợi khác và đang đàm phán, thỏa thuận tìm phương án giải quyết hợp lý với công ty.

Về thông tin FLC Hạ Long thế chấp dự án, trong đó có các căn hộ của chủ sở hữu cho ngân hàng Sacombank vay tiền, vị đại diện trên không trả lời có hoặc không có việc này.

"Nếu có việc này thì phía ngân hàng sẽ phải thẩm định kỹ lưỡng tài sản thế chấp, họ phải rất chắc việc này. Dự án có nhiều hạng mục, ngoài các căn hộ của chủ sở hữu, các hạng mục khác là tài sản của công ty, của tập đoàn", vị đại diện FLC Hạ Long nói.

Còn về thông tin báo cáo tài chính thể hiện dự án FLC Grand Hotel Hạ Long kinh doanh có lãi, kể cả giai đoạn Covid-19, đại diện FLC Hạ Long cho biết, từ khi đưa dự án vào khai thác chưa năm nào có lãi.

"Con số chủ sở hữu đưa ra nếu đúng thì chỉ là doanh thu của dự án, chứ không phải là con số thực lãi. Theo tôi nắm được, quan điểm của công ty, của tập đoàn là không thoái thác nghĩa vụ trả tiền cho các chủ sở hữu, nhưng giai đoạn này tập đoàn kinh doanh gặp khó khăn, biến động nhân sự nên mong các chủ sở hữu cảm thông, chia sẻ", vị đại diện FLC Hạ Long cho biết và nói thêm, còn nếu các chủ sở hữu không thông cảm, chia sẻ thì đành phải nhờ tòa án giải quyết.