Lỡ sang tên hết tài sản cho con, giờ sống như kẻ "ăn bám"

Khả Vân

(Dân trí) - Cha mẹ già có tài sản trong tay thì như nắm "quyền lực ngầm" với con cái; nhưng cách sử dụng thứ quyền lực ấy có lẽ còn quan trọng hơn nhiều, bởi nó liên quan trực tiếp đến cuộc sống cuối đời của họ.

Chia sẻ của một "bà nội" dưới đây là minh chứng rõ nét cho điều này.

"Ngày quyết định sang tên nhà cửa cho con, nhiều anh chị em, bạn bè khuyên tôi hãy chỉ làm di chúc thôi chứ chưa sang tên cho con vội, nhưng tôi nghĩ trước sau gì cũng phải cho chúng thì cho từ lúc còn minh mẫn, để con cái yên tâm mà tập trung lo công tác.

Chồng tôi mất sớm, tài sản của 2 vợ chồng là căn nhà đang ở với 2 mảnh đất nhỏ, xác định sống cùng vợ chồng cậu con trưởng nên tôi sang tên căn nhà đang ở có giá trị hơn cho chúng để cùng lo việc thờ cúng tổ tiên và cậy nhờ các con khi về già; cậu con út và con thứ được thừa hưởng 2 mảnh đất còn lại.

Khi quyết định lập di chúc, sang tên hết nhà đất cho các con, tôi có nói rõ rằng mẹ không giữ lại gì cho bản thân hết, sau này các con phải có trách nhiệm với mẹ.

Các con tôi vui vẻ đồng ý, chúng hứa hẹn sẽ đoàn kết chăm lo cho mẹ. Thế nhưng thực tế sau đấy lại không được như tôi nghĩ. Lúc trước khi tôi chưa cho chúng đất cát thì chúng còn quan tâm hỏi han mẹ, chứ từ ngày mẹ cho hết tài sản rồi chúng thờ ơ lạnh nhạt ra mặt.

Ban đầu tôi ở với con trai trưởng, được vài ngày đầu con trai con dâu vui vẻ chăm sóc nhưng sau khó chịu ra mặt và có nhiều hành động, thái độ không thể chấp nhận được. Nhiều hôm trái gió trở trời cơ thể đau nhức, ốm sốt cũng không được lời hỏi han chứ đừng nói hành động chăm sóc của các con. 

Sống với con trưởng tủi quá, tôi qua với 2 cậu con trai thứ và út, nhưng tình cảnh cũng chẳng khác gì. Hóa ra chúng tị nạnh về việc mẹ cho anh cả căn nhà giá trị hơn, và anh trưởng thì phải có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ chứ không phải là nhiệm vụ của con thứ, con út.

Nghe con nói mà tôi rơi nước mắt. Mấy tháng nay tôi cứ chạy đi chạy lại nhà 3 cậu con trai mà cuộc sống đảo lộn, rõ là chủ nhà mà giờ tôi lạc lõng, bơ vơ trong chính ngôi nhà của mình. Tôi đã sai, nước mắt chỉ chảy xuôi, không bao giờ chảy ngược. Mình thương con quá quên không tính nước phòng thân, tự nhiên đẩy mình vào tình cảnh sống phụ thuộc, quỵ lụy".

Câu chuyện sau khi được chia sẻ đã nhận được sự quan tâm, sẻ chia của nhiều người:

"Tuổi già có tiền, không phiền con cái, nhiều cảnh ngộ tôi đã gặp trong cuộc sống cũng khẳng định điều này. Có cụ 90 tuổi, có tiền, ở riêng thuê osin phục vụ, sống thoải mái, tự tin!... Có cụ chồng chết, nhà cửa giấy tờ, tiền bạc trao hết cho con trai, con dâu... thế rồi cụ thành người thừa trong nhà của mình, tới bữa, bưng tô cơm với chút thức ăn, ngồi ở chân cầu thang... trong khi con trai, con dâu và các cháu quây quần vui vẻ bên bàn ăn... Sự đời cay đắng, khó tin, nhưng lại rất thật!

Bản thân tôi sau khi chứng kiến những sự cay đắng đó đã rút ra bài học cho bản thân là: tôi đã chuẩn bị sẵn việc cho con thừa kế căn nhà mặt đường nhưng chỉ sau khi tôi chết và di chúc sẽ được cập nhật bất kỳ lúc nào tùy theo biểu hiện của nó", bạn đọc Nguyễn Thị Năm.

Bạn đọc Tuấn Nghĩa: "Mở đầu bài thơ "Mười thích của người cao tuổi" là câu:

Một thích trong túi có tiền

Ai mời hiếu hỷ khỏi phiền cháu con…

Người già có tiền là có thể tự lo cho mình cha mẹ thương con chính là khi về già không cần nhờ đến con cái phải nuôi mình, nếu mình ốm đau bệnh tật mà con cái quá bận rộn không thể chăm sóc, nếu mình có tiền thì mình có thể thuê người chăm sóc mình, ngày nay có dịch vụ chăm sóc người già và người bệnh, họ là những người được đào tạo chuyên nghiệp, họ chăm sóc có khi còn tốt hơn cả con cái, do vậy khi về già đồng tiền chính là sức mạnh của người già.

Do vậy, nếu cha mẹ có tài sản, cứ để lo cho bản thân trước, còn lại bao nhiêu thì lập di chúc để lại cho con cháu, không nên giao tài sản của mình cho con cháu khi còn sống. Có trường hợp khi cha mẹ còn sống, làm thủ tục tặng cho nhà cho con, tự nhiên nhà đang của cha mẹ, cha mẹ lại trở thành người đi ở nhờ con, như trường hợp của bác ở đây vậy";

Nhiều bạn đọc "tư vấn": "Cô hãy tới nhờ luật sư để thay đổi di chúc vẫn còn kịp mà, giờ vẫn chưa muộn để họp gia đình lại, lấy tư cách người mẹ nhắc cho chúng nhớ tài sản này là do cô chú bỏ công sức gây dựng. Di chúc có thể thay đổi nếu các con cô không thay đổi thái độ và nhìn nhận lại trách nhiệm với mẹ của mình".

"Chuyện này chỉ phổ biến ở các thành phố lớn thôi. Ở quê tôi, việc con cháu nuôi dưỡng, chăm sóc bố mẹ, ông bà chu đáo là việc bình thường, vì các cụ xưa chỉ làm nông nên sự tích lũy là gần như bằng 0. Lo cho vài đứa ăn học, dựng vợ gả chồng, thêm thắt cho chúng lúc "ra riêng" là toát mồ hôi hột rồi. Đất cát, vườn tược cũng phải chia cho chúng để chúng còn có chỗ "cắm dùi", có còn gì nữa đâu. Có chăng trong "bọc" còn đôi "hoa tai" là giàu lắm rồi. Nhà đông con cháu ngày xưa rất khổ, bây giờ kinh tế khá lên thì bố mẹ già được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt chứ cũng (gần như) là không có cảnh ngược đãi gì. Tuy nhiên việc phân chia phục vụ bố mẹ ốm đau, liệt giường đôi khi cũng có điều tiếng là không tránh khỏi", bạn đọc Huế Bùi.

"Tôi chỉ cần mạnh khỏe, sống hạnh phúc, không cần thọ quá. Tài sản cho con là cho nó học thành tài có nghề nuôi thân, có đạo đức và lối sống thiện lành của cha mẹ trao truyền. Còn lại vật chất khác thì các con tự tạo trong tương lai, chúng ta cả đời cần mẫn, có ít tài sản để dưỡng già, khi ta mất đi nó trở thành của con. Thông điệp cho các con là: Tuổi trẻ cần lao động và tích cóp, không ỷ lại, khi về già các con cũng ung dung như ba mẹ xưa kia", bạn đọc Hải Trang.

Chia sẻ kinh nghiệm bản thân, bạn đọc Quốc Bảo: "Tâm sự của bác là tấm gương khá cơ bản cho hướng đi về già cho mỗi chúng ta rồi đó. Với tôi, tôi đã có sẵn những kế hoạch khi về già: tôi mua lương hưu tự nguyện, sau có lương rau cháo. Tôi mua bảo hiểm để ốm đau con cái đỡ khổ vì mình, tài sản thì tôi chia làm 3 để sẵn đó, đương nhiên tôi phải có 1 phần dưỡng già, không bao giờ tôi chia hết cho con để mình thành vô sản. Tôi luôn mang di chúc bên mình, tuy nhiên nếu con đã trưởng thành, cần tài sản đó để làm ăn hoặc ở, tôi sẽ trao cho sớm cũng ko sao, vì tạo bật đà cho con làm ăn cũng tốt.

Nhưng, là cho tặng riêng đứng tên con mình, cho trước hay sau không quan trọng, quan trọng là đúng thời cơ tốt nhất của con. Tôi tâm đắc 1 câu này ''quyền lực tối cao nhất của người già là tài sản", ngẫm thật sâu, thấy rất đúng, nên hãy chuẩn bị hành trang về già ngay từ khi còn trẻ, đừng để về già mắc sai lầm thì trở tay không kịp, gián tiếp tạo nghiệp cho chính con cháu mang tội bất hiếu với mình".

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Nên để lại hết tài sản cho con cháu hay giữ lại để có kế hoạch dưỡng già? Hãy gửi cho chúng tôi suy nghĩ của bạn vào phần bình luận phía cuối bài, những ý kiến hay sẽ được đăng tải trên mục Bạn đọc - Diễn đàn của báo. Trân trọng cảm ơn.