Bài 2:

Kiến nghị xử lý vụ chính quyền cấp sổ đỏ cho người đã chết tại Hà Nam

Anh Thế

(Dân trí) - Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Hà Nam đã có công văn đề nghị Thường trực tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo xử lý dứt điểm việc cấp sổ đỏ cho người đã chết được Báo Dân trí phản ánh.

Làm rõ sai phạm, thu hồi cuốn sổ đỏ cấp cho người đã chết

Ngày 19/2/2021, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Hà Nam có Công văn số 46-BC/BTGTU do Phó trưởng ban Nguyễn Hải Long ký gửi Thường trực tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam tổng hợp tình hình thông tin báo chí của trung ương viết về Hà Nam.

Kiến nghị xử lý vụ chính quyền cấp sổ đỏ cho người đã chết tại Hà Nam - 1

Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Hà Nam đề nghị Thường trực tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo huyện Thanh Liêm xử lý dứt điểm vụ việc Báo Dân trí đăng tải.

Báo cáo cho biết: Báo Dân trí, ngày 6/2, có bài "Hệ lụy khôn lường sau vụ chính quyền cấp sổ đỏ cho người đã chết tại Hà Nam" phản ánh việc Báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh (ở Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội), được chú ruột và trưởng họ ủy quyền tham gia giải quyết về mảnh đất số 44, tờ bản đồ PL16, diện tích 425m2 của Chi đệ tam họ Nguyễn, của cụ Nguyễn Phúc Hạp tại thôn Cẩm Du, xã Thanh Lưu (nay là thị trấn Tân Thanh), huyện Thanh Liêm.

Cụ Hạp có 3 người con gồm: Ông Nguyễn Ngọc Chấn, ông Nguyễn Ngọc Sinh và ông Nguyễn Văn Ba. Ông Sinh là cha đẻ của bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, người đứng đơn.

Năm 2003, UBND huyện Thanh Liêm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh Nguyễn Văn Trung (là cháu ngoại của ông Nguyễn Ngọc Chấn), mặc dù anh Trung đã qua đời hơn 1 năm trước đó gây nên sự phẫn nộ, tạo ra khiếu kiện kéo dài do mảnh đất liên quan tranh chấp nhà thờ họ.

Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Hà Nam đề nghị Thường trực tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo UBND huyện Thanh Liêm phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh Hà Nam xử lý dứt điểm vụ việc của bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh liên quan đến tranh chấp mảnh đất số 44, tờ bản đồ PL 16 tại thôn Cẩm Du, xã Thanh Lưu do Báo Dân trí phản ánh.

Kiến nghị xử lý vụ chính quyền cấp sổ đỏ cho người đã chết tại Hà Nam - 2

Mảnh đất trong vụ tranh chấp được huyện Thanh Liêm cấp sổ đỏ cho người đã chết.

Như thông tin Báo Dân trí đã đăng tải, bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh cho biết: "Cha tôi là ông Nguyễn Ngọc Sinh là một trong 33 vị phi công đầu tiên của Việt Nam thuộc Đoàn 33, (1951-1952) ông chỉ có duy nhất một người con là tôi. Không chỉ cha tôi mà chú ruột tôi là ông Nguyễn Văn Ba mà cả ông bà trong nội tộc cũng đã nhất trí ủy quyền cho tôi để xây nhà thờ cho dòng tộc. Khi cha tôi còn sống, ông luôn tâm nguyện xây dựng một nhà thờ họ trên mảnh đất của cha ông để lại (ông Phức Hạp là ông nội tôi).

Để tiện cho việc xây dựng và duy trì khu di tích của dòng họ, tôi đề nghị được đứng tên trên mảnh đất của các cụ tôi để lại. Tuy nhiên, đã nhiều năm nay tôi đề nghị, đồng thời cung cấp đầy đủ giấy tờ xác nhận sự thật nhưng chính quyền xã Thanh Lưu và huyện Thanh Liêm không giải quyết".

Trong khi đó, điều khiến bà Thanh bức xúc là mảnh đất này đã được UBND huyện Thanh Liêm cấp sổ đỏ cho ông Trung khi mà ông Trung đã qua đời trước đó hơn 1 năm.

Sau một thời gian dài bà Thanh đâm đơn phản đối đến nhiều cơ quan chức năng, ngày 5/10/2018, Sở TN&MT tỉnh Hà Nam đã ban hành Công văn số 1564/STNMT-TTr do Phó giám đốc Đinh Xuân Thông ký trả lời bà cho biết: Việc năm 2003, UBND huyện Thanh Liêm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho hộ ông Trung là chưa đúng quy định pháp luật vì thực tế ông Trung chết tháng 10/2002 nhưng UBND huyện Thanh Liêm cấp sổ đỏ cho hộ ông Trung vào tháng 10/2003.

Đồng thời, Sở TN&MT tỉnh Hà Nam khẳng định: Theo hồ sơ địa chính xã Thanh Lưu lập năm 1986 khi thực hiện chỉ thị số 229/TTg của Thủ tướng, chủ sử dụng đất là bà Sói nhưng UBND xã Thanh Lưu lập hồ sơ trình UBND huyện Thanh Liêm cấp sổ đỏ cho hộ ông Trung mà không có thủ tục thừa kế hoặc tặng, cho của cụ Sói cũng như sự đồng ý của các con cụ Sói về phần di sản nói trên.

Kiến nghị xử lý vụ chính quyền cấp sổ đỏ cho người đã chết tại Hà Nam - 3

Sau khi bị Sở TN&MT tỉnh Hà Nam kết luận sai phạm, UBND huyện Thanh Liêm đã phải ra quyết định hủy cuốn sổ đỏ cấp cho người đã chết.

Từ đó, Sở TN&MT tỉnh Hà Nam đề nghị UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo UBND huyện Thanh Liêm thu hồi cuốn sổ đỏ, hướng dẫn những người có quyền thừa kế tự thỏa thuận phân chia di sản của cụ Sói để được cấp sổ đỏ hoặc khởi kiện ra tòa trong trường hợp có tranh chấp.

Người dân bất bình, tố chính quyền quanh co, bao biện

Để làm rõ sự việc, PV Dân trí đã có đặt lịch làm việc với UBND huyện Thanh Liêm. Ngày 21/1, Thanh tra huyện Thanh Liêm đã được phân công làm việc với PV Dân trí.

Ông Nguyễn Trọng Tuệ - Chánh Thanh tra huyện Thanh Liêm thừa nhận việc UBND huyện Thanh Liêm cấp sổ đỏ cho anh Trung khi anh này đã qua đời cách đó hơn 1 năm. Sổ đỏ trái pháp luật này đã bị thu hồi. Hiện mảnh đất này chưa được cấp sổ đỏ cho ai và cũng không có ai đang sinh sống trực tiếp trên mảnh đất này.

Về nguồn gốc thửa đất, ông Tuệ cho rằng: cụ Nguyễn Phúc Hạp có 3 người con trai. Trong đó, cụ Nguyễn Ngọc Chấn lập gia đình với cụ Bùi Thị Sói sinh được 2 người con gồm: Ông Nguyễn Văn Minh và bà Nguyễn Thị Thoa. Từ trước năm 1954, ông Minh theo bố di cư vào miền Nam. Sau đó cụ Chấn tiếp tục sang Mỹ sinh sống và đã mất khoảng năm 1995 tại Mỹ. Ông Minh lấy vợ ở miền Nam, hiện tại đã mất.

Kiến nghị xử lý vụ chính quyền cấp sổ đỏ cho người đã chết tại Hà Nam - 4
Kiến nghị xử lý vụ chính quyền cấp sổ đỏ cho người đã chết tại Hà Nam - 5

Biên bản họp chi đệ tam họ Nguyễn thống nhất ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh đứng tên thửa đất để xây dựng nhà thờ họ.

Cụ Bùi Thị Sói ở cùng con gái là bà Nguyễn Thị Thoa. Bà Thoa lấy chồng sinh được sinh được 4 người con gồm: Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Văn Trường. Cụ Soi, bà Thoa và các con của bà Thoa đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn Cẩm Du và sinh sống trong một gia đình.

Năm 1989, bà Thoa chết, các con của bà Thoa sinh sống cùng cụ Sói. Năm 1991, cụ Sói qua đời.

Sau khi cụ Sói, bà Thoa chết, các con của bà Thoa vẫn sống trên thửa đất đứng tên bà Sói.

Ông Tuệ cho rằng: Bản đồ năm 1986, tại tờ bản đồ số 6, thửa đất số 323 ghi tên cụ Sói. Hồ sơ đo đạc năm 2000, tờ bản đồ PL16, thửa 44, diện tích 452m2 ghi tên: Chung. Đó là căn cứ để ngày 30/10/2003, UBND huyện Thanh Liêm cấp sổ đỏ cho ông Trung.

Theo ông Tuệ, bà Thanh không có quyền lợi gì liên quan đến mảnh đất này.

Kiến nghị xử lý vụ chính quyền cấp sổ đỏ cho người đã chết tại Hà Nam - 6
Kiến nghị xử lý vụ chính quyền cấp sổ đỏ cho người đã chết tại Hà Nam - 7

Chủ tịch UBND xã Thanh Lưu xác nhận xã có tác động đến nhân thân về hàng thừa kế của cụ Hạp, đề nghị gia đình bà Thanh thực hiện kê khai di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, tại biên bản hội nghị tại UBND xã Thanh Lưu ngày 12/8/2019 có đại diện UBND huyện Thanh Liêm là trưởng, phó phòng TN&MT; Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Lưu và gia đình bà Lê Thị Vớt, vợ của cụ Ba (con dâu cụ đội Hạp), bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh kết luận: UBND xã có tác động đến nhân thân về hàng thừa kế của cụ Hạp, đề nghị gia đình bà Thanh thực hiện kê khai di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Chủ tịch UBND xã Đỗ Văn Dũng đã ký và đóng dấu vào biên bản.

Kiến nghị xử lý vụ chính quyền cấp sổ đỏ cho người đã chết tại Hà Nam - 8

Ông Nguyễn Quốc Sỹ, cháu ngoại của cụ Sói và là con ruột bà Nguyễn Thị Kim Thoa có đơn gửi UBND tỉnh Hà Nam, UBND huyện Thanh Liêm và UBND xã Thanh Lưu đồng ý giao lại mảnh đất cho bà Thanh sử dụng với mục đích xây nhà thờ.

Cùng với nhiều cụ cao niên trong dòng họ đề nghị trả mảnh đất cho bà Thanh làm nhà thờ họ, ngày 2/12/2017, chính ông Nguyễn Quốc Sỹ, cháu ngoại của cụ Sói và là con ruột bà Nguyễn Thị Kim Thoa có đơn gửi UBND tỉnh Hà Nam, UBND huyện Thanh Liêm và UBND xã Thanh Lưu đồng ý giao lại mảnh đất cho bà Thanh sử dụng với mục đích xây lại nhà thờ tổ cho các cụ.

Kiến nghị xử lý vụ chính quyền cấp sổ đỏ cho người đã chết tại Hà Nam - 9

PV Dân trí đã liên hệ đặt lịch làm việc với UBND Thị trấn Tân Thanh, tuy nhiên, đã gần 1 tháng trôi qua vẫn chưa nhận được hồi âm từ địa phương này.

Trước quan điểm của ông Nguyễn Trọng Tuệ, Chánh thanh tra huyện Thanh Liêm, bà Thanh bức xúc cho biết: "Ông Chánh thanh tra huyện Thanh Liêm ăn nói hàm hồ. Nếu tôi không có quyền lợi gì liên quan đến mảnh đất thì làm sao tôi phải cất công đi kiện bao nhiêu năm nay. Và thực tế Sở TN&MT tỉnh Hà Nam đã có công văn trả lời tôi khẳng định sổ đỏ huyện Thanh Liêm đã cấp cho người đã chết là trái luật. Ở đây, mấu chốt là huyện Thanh Liêm phải xác định lại hàng thừa kế liên quan mảnh đất này. Đây là đất của ông nội tôi là cụ Hạp chứ không phải đất của cá nhân bà Sói là bác dâu tôi. Đây là một sự thật mà cả dân làng, các cụ cao niên đều xác nhận. Tôi thiết nghĩ chính quyền huyện Thanh Liêm cần phải tìm hiểu một cách công tâm và tôn trọng sự thật".

Để làm rõ sự việc, PV Dân trí đã liên hệ đặt lịch làm việc với UBND Thị trấn Tân Thanh. Tuy nhiên, đã gần 1 tháng trôi qua vẫn chưa nhận được hồi âm từ địa phương này.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.