Chưa ly hôn, có con với người khác, thủ tục làm khai sinh ra sao?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Quyền được khai sinh là quyền cơ bản của mỗi con người, là nghĩa vụ của gia đình và cả công chức tư pháp, hộ tịch; nên trong trường hợp này, người mẹ hoàn toàn có quyền được đăng ký khai sinh cho con

Một phụ nữ hỏi, trước đây chị kết hôn, nhưng chồng bỏ đi biệt tích đã 10 năm. Nay chị sống như vợ chồng với người khác, có con. UBND xã không chịu làm giấy khai sinh cho con chị vì chị chưa ly hôn và không cho ghi tên người cha là người hiện tại chị đang sống chung.

Liên quan đến thắc mắc trên, trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Khoản 3 Điều 30 Luật Dân sự năm 2015 về quyền của cá nhân về khai sinh được quy định như sau: "Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu".

Chưa ly hôn, có con với người khác, thủ tục làm khai sinh ra sao? - 1

Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh. (Ảnh minh họa).

Đồng thời, Điều 15 Luật Hộ tịch cũng quy định, cha, mẹ phải có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con.

Không chỉ vậy, để nêu cao trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ, khoản 2, Điều 15 Luật Hộ tịch còn nêu rõ: Công chức tư pháp - hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động.

Có thể thấy, khai sinh cho trẻ không chỉ là quyền lợi của mỗi cá nhân ngay sau khi được sinh ra mà còn là trách nhiệm của cha, mẹ hoặc ông, bà, người thân thích, cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ thậm chí cả công chức tư pháp, hộ tịch.

Do đó, với tình huống nêu trên, mặc dù là người đã có gia đình, tuy nhiên, quyền được khai sinh là quyền cơ bản của một đứa trẻ. Trong trường hợp này, người mẹ hoàn toàn có quyền được đăng ký khai sinh theo quy định.

Theo luật sư Trần Tuấn Anh, người mẹ cần nộp cho TAND cấp huyện, nơi cư trú cuối cùng của người chồng bỏ đi biệt tích, đơn yêu cầu tòa án tuyên bố chết. Khi quyết định của tòa tuyên bố một người đã chết có hiệu lực pháp luật thì quan hệ về hôn nhân, gia đình của người đó được giải quyết như đối với người đã chết.

Trường hợp không có tranh chấp về việc xác nhận cha cháu bé, người mẹ nộp đơn yêu cầu xác nhận cha cho con tại UBND xã nơi cư trú của chị, kèm các tài liệu xác nhận cha cho con; trường hợp có tranh chấp, chị phải khởi kiện ra tòa yêu cầu xác nhận cha cho con kèm theo các tài liệu xác nhận cha cho con.