1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Nữ luật sư tiêu 50 triệu đồng/tháng dù đi xe máy, chồng cắt tóc cho vợ

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Chị P.T.L.H., nữ luật sư tại Hà Nội, đồng cảm với câu chuyện thu nhập trăm triệu đồng không dám sinh thêm con với lý do "gia đình tôi thu nhập 50 triệu đồng/tháng, cuối tháng hết tiền".

Không spa, không mỹ phẩm, nữ luật sư tiêu 50 triệu đồng/tháng

Đọc bài viết "Thu nhập 100 triệu đồng/tháng, nhịn sinh con thứ 2 vì sợ không đủ tiền nuôi" trên báo Dân trí, chị P.T.L.H. tâm sự: "Nghe qua thì vô lý, vì 100 triệu đồng rất lớn. Nhưng nếu xem chi tiết các khoản chi tiêu của gia đình chị Thảo, tôi cũng không biết phải cắt giảm chỗ nào".

Chị H. và chồng đều là luật sư. Vợ chồng chị mở một văn phòng tư vấn luật. Thu nhập có tháng nhiều, có tháng ít, nhưng trung bình khoảng 50 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ để chị Hằng chi tiêu trong một tháng, không dư để tiết kiệm.

Cụ thể, chị H. cho hai con học 1 trường tư thục bình dân, mỗi tháng 16,1 triệu đồng. Con trai lớn học thêm câu lạc bộ robotics (ứng dụng robot) 1,4 triệu đồng/tháng, học thêm tiếng Anh giao tiếp 1:1 với giáo viên nước ngoài 900.000 đồng/tháng, học bóng rổ 400.000 đồng/tháng.

Con gái nhỏ học đàn violin 1,4 triệu đồng/tháng. Trước đây, chị H. còn cho con học múa ballet 800.000 đồng/tháng nhưng giờ đã bỏ.

Tiền đi chợ cho 4 người ăn gói gọn trong 10 triệu đồng. Chi phí điện, nước, internet, xăng xe, điện thoại khoảng 2 triệu đồng. Nhu yếu phẩm 300.000 đồng. Chi phí văn phòng 1 triệu đồng. Bảo hiểm xã hội tự nguyện 2 triệu đồng. Tiền thuốc bổ cho cả nhà 500.000 đồng. Ngoài ra, chồng chị H. tập boxing 700.000 đồng/tháng. 

Chị H. không tiêu pha gì cho việc làm đẹp của bản thân. Thậm chí, mái tóc của chị cũng không tốn tiền cắt vì chồng chị là người cắt tóc cho vợ.

Cuối tuần, gia đình chị giữ nếp cho con đi chơi, chi tiêu ăn uống, mua sắm lặt vặt 500.000 đồng. Mỗi tháng, khoản này hết 2 triệu đồng.

Chị H. còn trả nợ ngân hàng 4,5 triệu đồng/tháng tiền lãi vay mua căn chung cư.

Tổng chi phí cố định là 45,7 triệu đồng. Số tiền này chưa bao gồm những khoản tiền phát sinh như ma chay, hiếu hỉ, tiếp khách, sinh nhật con cái, mua sắm đồ gia dụng, mua sắm quần áo khi chuyển mùa, chi phí mỗi lần về quê thăm gia đình hai bên hay những lúc trong nhà có người ốm đau, nằm viện.

Nữ luật sư tiêu 50 triệu đồng/tháng dù đi xe máy, chồng cắt tóc cho vợ - 1

Chị P.T.L.H. chia sẻ các khoản chi tiêu cố định trong gia đình hằng tháng (Ảnh chụp màn hình).

Mỗi khi đồ đạc hỏng hóc, bắt buộc phải thay mới như máy giặt, máy tính xách tay, điện thoại, chị H. đều phải mua trả góp bằng thẻ tín dụng. 

"Tôi rất ngưỡng mộ những chị em thu nhập 10 triệu vẫn tiết kiệm được tiền. Nhưng rõ ràng, nhu cầu chi tiêu của mỗi gia đình là khác nhau. Nếu cho con học trường công và không học thêm bất kỳ kỹ năng gì, tôi sẽ tiết kiệm được tầm 15 triệu/tháng.

Nhưng là một người mẹ, tôi muốn dành số tiền đó cho con thay vì cất đi để dành. 

Chị Thảo trong câu chuyện thu nhập 100 triệu đồng/tháng cũng vậy. Thu nhập càng cao, nhu cầu đầu tư cho con cái học tập, phát triển càng lớn. Chị ấy chi 40 triệu đồng/tháng cho con cũng là điều hợp lý với thu nhập của chị ấy.

Theo số liệu nghiên cứu của Anh mà bài báo trích dẫn, chi tiêu cho giáo dục tại các thành phố lớn ở Việt Nam chiếm 47% chi tiêu hộ gia đình. Như vậy, mức chi của chị Thảo vẫn thấp, chỉ khoảng 40%, trong khi gia đình tôi là 41%", chị H. nêu ý kiến.

Nuôi 3 con học trường công, mỗi tháng tiêu hết 50 triệu đồng

Chị Nguyễn Thị Thùy (Nam Từ Liêm, Hà Nội) tiết lộ, gia đình chị chi tiêu hàng tháng hết khoảng 50 triệu đồng dù ba con học công lập.

Hai con nhỏ chị Thùy học tiểu học, mỗi tháng chị đóng 5,6 triệu đồng. Con trai lớn học cấp 3, mỗi tháng 1,1 triệu đồng. Các khoản tiền quỹ lớp, quỹ trường, tiền đồng phục, sách vở, bảo hiểm y tế, dã ngoại với lớp, lễ Tết thầy cô vào dịp 20/11 và Tết cổ truyền cho cả ba con, chị ước tính khoảng hơn 20 triệu đồng/năm, trung bình 2 triệu/tháng.

Về chi phí ngoài nhà trường, chị Thùy cho con lớn học SAT và IELTS phục vụ việc thi đại học hết 5 triệu đồng/tháng, học đàn guitar 1,2 triệu đồng/tháng. Hai con nhỏ học đàn piano 3,6 triệu đồng/tháng, học vẽ 1,6 triệu đồng/tháng.

Như vậy, chi phí học tập cho ba con chị Thùy là 20,2 triệu đồng/tháng.

Ăn uống, sinh hoạt, điện nước, internet, xăng xe, điện thoại… cho gia đình 5 người, chị Thùy thu vén trong 20 triệu đồng/tháng. 

10 triệu còn lại, chị trả lãi ngân hàng mua nhà 5 triệu đồng, 2 triệu đồng tiền thuốc cho chồng bị gout mãn tính, 2 triệu đồng tiền hiếu hỉ, ngoại giao, 1 triệu đồng biếu bố mẹ hai bên.

Nữ luật sư tiêu 50 triệu đồng/tháng dù đi xe máy, chồng cắt tóc cho vợ - 2

Học sinh tiểu học tại Hà Nội (Ảnh: Mỹ Hà).

"Nhiều gia đình trẻ có con nhỏ, chưa đến tuổi đi học phổ thông sẽ không hiểu được vì sao nuôi con ăn học lại tốn kém thế. Nhiều người đã cao tuổi, không nắm được bối cảnh học hành, thi cử ngày nay cũng sẽ thắc mắc sao học gì mà học nhiều thế.

Có nuôi con ở độ tuổi nhiều cấp học mới biết, dù không cho con học trường quốc tế mà chỉ học công lập, gia đình nào cũng tốn cả chục triệu đồng hoặc gấp đôi, gấp ba nếu muốn con học thêm nghệ thuật, thể thao. Nhu cầu học đó là chính đáng, không phải đua đòi.

Nhu cầu đi du lịch hàng năm cũng là nhu cầu phổ thông. Nhưng với một nhà thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng và làm đến đâu tiêu hết đến đấy như nhà tôi thì du lịch là xa xỉ", chị Thùy chia sẻ.