1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Thu nhập 100 triệu đồng/tháng, nhịn sinh con thứ 2 vì sợ không đủ tiền nuôi

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Chị Hoàng Phương Thảo (Cầu Giấy, Hà Nội) quan niệm, đã sinh con phải lo cho con điều kiện tốt nhất. Do đó, chị chưa dám sinh con thứ hai, dù thu nhập của hai vợ chồng đạt 100 triệu đồng/tháng.

Thu nhập 100 triệu, cuối tháng không mua nổi chỉ vàng

Chị Thảo làm việc tại một công ty chứng khoán, thu nhập dao động quanh mức 45 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm nhân viên IT, lương thực tế 55 triệu đồng/tháng. Anh chị đã có căn chung cư tại Hà Nội, được thừa kế từ bố mẹ chồng.

Dù tổng thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng, chị Thảo cho biết chưa có khoản tiết kiệm nào đáng kể.

Con trai chị Thảo 7 tuổi, đang học lớp 2 một trường quốc tế. Học phí, tiền ăn bán trú, xe đưa đón và các chi phí học tập khác ở trường khoảng 25 triệu đồng/tháng. Chị Thảo cho con học thêm piano 2 buổi/tuần hết 1,6 triệu đồng/tháng, học bóng rổ 2 buổi/tuần hết 1,2 triệu đồng/tháng. 

Ngoài ra chị mua vé bơi cho con 1,2 triệu đồng/tháng, mua sách truyện 500.000 đồng/tháng. Tổng chi phí dành riêng cho con là 29,5 triệu đồng/tháng.

Số tiền này chưa bao gồm tiền phát sinh như chi phí đi thi đấu thể thao, chi phí tham gia các cuộc thi toán, tiếng Anh qua mạng, tiền quỹ lớp, chi phí đi dã ngoại với lớp con, chi phí cho con đi chơi cuối tuần…

Chị Thảo ước tính, tiền đầu tư học hành, vui chơi, ăn uống, bồi bổ cho con hàng tháng vào khoảng 40 triệu đồng, gần hết phần lương của chị.

Với số tiền 60 triệu còn lại, chị Thảo chi tiêu như sau: Ăn uống sinh hoạt của gia đình 10 triệu đồng, chi phí tiện ích (điện, nước, internet, phí chung cư, phí gửi xe ô tô…) 5 triệu đồng, xăng xe ô tô của hai vợ chồng 6 triệu đồng, đồ gia dụng 2 triệu đồng, biếu bố mẹ hai bên 4 triệu đồng, quần áo tư trang 2 triệu đồng, mỹ phẩm 1 triệu đồng, tập pilates 1 triệu đồng, spa 1 triệu đồng, thuốc bổ của cả gia đình 500.000 đồng, chi phí ngoại giao (hiếu hỉ, sinh nhật, tiếp khách…) 3 triệu đồng.

Còn dư hơn chục triệu đồng mỗi tháng, chị Thảo bỏ vào tài khoản tiết kiệm. Tuy nhiên, mỗi năm gia đình chị đưa bố mẹ hai bên đi du lịch 2 lần, mỗi lần hết 25-30 triệu đồng. Do đó, tài khoản tiết kiệm chẳng còn là bao.

"Ai cũng nghĩ con số 100 triệu đồng lớn lắm. Nhưng gia đình 2 vợ chồng 1 đứa con sống ở Hà Nội thì cuối tháng vẫn không mua nổi chỉ vàng tiết kiệm.

Hiện tại vợ chồng tôi tự thấy đã chi tiêu hợp lý. Nếu phải cắt giảm thì không biết cắt giảm chỗ nào. Tôi không dùng đồ hiệu, chồng tôi không ăn nhậu. Con tôi không học những bộ môn của nhà giàu như chơi gofl, không học thêm các môn văn hóa. Đưa ông bà đi du lịch cũng không resort, khách sạn hạng sang. 

Chồng và con đều rất muốn tôi sinh thêm em bé. Nhưng bản thân tôi phân vân. Nếu sinh con, chúng tôi sẽ không lo được cho con những điều kiện tốt như con trai đầu. Thậm chí có thể phải chuyển trường cho con về trường tư thục giá rẻ. Đó là điều mà tôi không nỡ", chị Thảo nói.

"Bố mẹ nào cũng muốn dành cho con cái điều kiện phát triển tốt nhất. Càng thu nhập cao, các gia đình càng hướng đến những lựa chọn hàng đầu, chi tiêu mạnh tay vào giáo dục với mong muốn tương lai của con sẽ đạt tới những nấc thang cao hơn nữa trong xã hội.

Do đó, việc một gia đình lương 100 triệu đồng nhưng tiêu gần 1 nửa nuôi 1 đứa con và không còn ngân sách dự trữ là điều bình thường tại thành phố lớn như Hà Nội", chị P.T.T., một chuyên viên tài chính xin được giấu danh tính, chia sẻ.

Chị P.T.T. dẫn chứng chính trường hợp của mình: "Gia đình tôi thu nhập khoảng 120 triệu đồng mỗi tháng, nuôi con 2 đứa con học chương trình song ngữ vẫn thấy chật vật".

Nuôi con kiểu người giàu hay người nghèo?

Thu nhập 100 triệu đồng/tháng, nhịn sinh con thứ 2 vì sợ không đủ tiền nuôi - 1

Trẻ em tham quan, trải nghiệm cùng gia đình tại Sa Pa (Ảnh: Hoàng Hồng).

Ở góc nhìn khác, chị Phạm Thị Thu Hường (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng điều kiện tốt nhất dành cho một đứa trẻ không phải là trường quốc tế và các dịch vụ cao cấp trong sinh hoạt.

"Sự chăm sóc, yêu thương, dành thời gian ở bên con mới là yếu tố then chốt tạo ra cuộc sống chất lượng cho đứa trẻ", chị Hường nêu ý kiến cá nhân.

Không phủ nhận vai trò của tài chính trong việc nuôi dạy con cái, song chị Hường khẳng định, có nhiều cách thức để những bậc cha mẹ thu nhập chỉ bằng 1/5 gia đình chị Hoàng Phương Thảo vẫn đủ khả năng "nuôi con khỏe, dạy con giỏi, dưỡng con lương thiện".

"Nhìn những đứa trẻ học trường quốc tế nói tiếng Anh như Tây, cao lớn, khỏe mạnh, tự tin, hoạt bát trong cuộc sống, đi du học sớm…, bố mẹ nào cũng mơ ước con của mình sẽ được như vậy. Tuy nhiên, đó không phải là những hình mẫu duy nhất để hướng đến.

Rất nhiều đứa trẻ chỉ học trường làng vẫn giỏi ngoại ngữ, tự tin, giỏi làm việc nhà, khả năng thích nghi cao, biết yêu thương gia đình, có những mối quan hệ bạn bè lành mạnh, tự lập trong học tập, có mục tiêu cá nhân.

Không thể so sánh đứa trẻ nào tốt hơn, càng không thể biết đứa trẻ nào sẽ có cuộc sống hạnh phúc hơn trong tương lai.

Các cụ có câu, khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Sinh thêm một đứa trẻ là phát sinh thêm áp lực nuôi dưỡng. Nhưng ai cũng sẽ có cách. Nuôi con kiểu người giàu hay nuôi con kiểu người nghèo đều có những đứa trẻ tuyệt vời nếu được yêu thương", chị Hường nói.

Báo cáo của tổ chức tư vấn và nghiên cứu toàn cầu về giáo dục quốc tế ISC Research (Anh) tháng 2/2024 cho biết chi tiêu cho giáo dục tại Việt Nam tăng mạnh với 47% chi tiêu hộ gia đình ở các thành phố lớn là dành cho giáo dục. 

Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, Hà Nội tiếp tục là địa phương có chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) đắt đỏ nhất cả nước năm 2023. 

Nhiều nhóm hàng, dịch vụ của Hà Nội cao nhất trong 63 tỉnh thành như nhóm hàng thời trang gồm may mặc, giày dép, mũ nón, nhóm dịch vụ văn hóa, giải trí, du lịch, ăn uống, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình. Riêng nhóm dịch vụ giáo dục, mức giá ở Hà Nội thấp hơn TPHCM.