Quảng Ninh:

Hỗ trợ tín dụng - chìa khóa giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

An Nhiên

(Dân trí) - Triển khai cho vay tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác để phát triển kinh tế được coi là một trong những "chìa khóa" giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Quảng Ninh.

Hỗ trợ tín dụng - chìa khóa giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số - 1

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH TP Hạ Long giải ngân vốn vay cho người dân (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh).

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Quảng Ninh có 64 xã, thị trấn và 47 thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo với trên 162.000 người, chiếm 12,31% dân số. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS, tỉnh đã triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội...

Một trong những "chìa khóa" giảm nghèo vùng đồng bào DTTS được triển khai hiệu quả trong thời gian qua là các địa phương đã triển khai cho vay tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác để phát triển kinh tế. Các địa phương trong tỉnh đã huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (CSXH), ưu tiên tập trung cho địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; triển khai đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng tại địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, với sự đa dạng về đối tượng, mục đích vay từ Ngân hàng CSXH.

Cụ thể, trong năm 2021 và 2022, tỉnh đã phân bổ gần 200 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH để cho vay, giải quyết việc làm tại 64 xã thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đến nay, từ nguồn vốn ủy thác, Ngân hàng CSXH đã thực hiện cho vay với trên 1.800 lượt khách hàng, số tiền vay gần 140 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu của tỉnh.

Việc triển khai tín dụng chính sách còn là một trong những biện pháp quan trọng hạn chế tình trạng tín dụng "đen" ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Các chương trình cho vay đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị tại các địa phương.

Hỗ trợ tín dụng - chìa khóa giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số - 2

Lãnh đạo xã Đồng Tâm (huyện Bình Liêu) hướng dẫn nhân dân cài zalo và một số App trên điện thoại thông minh (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh).

Bên cạnh đó, để thực hiện giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững cho vùng đồng bào DTTS, thời gian qua, tỉnh cũng đã quan tâm phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; xây dựng đội ngũ cán bộ, cong chức và viên chức là người DTTS và người công tác tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo Sở NN&PTNT thực hiện các mục tiêu về phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; tổ chức lại sản xuất vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, gia tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa...

Ngoài ra, Sở Công Thương, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP. Đến nay, toàn tỉnh có 556 sản phẩm OCOP, trong đó có 267 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, với 219 chủ thể cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia. Trong đó, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo có 116 sản phẩm tham gia chương trình, với 60 cơ sở và có 39 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm đạt 4 sao.

Đặc biệt, những năm qua, tỉnh luôn chú trọng sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Theo đó, tỉnh đã xây dựng kế hoạch 5 năm (2021-2025) thực hiện chương trình tổng thể phát triển tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Trong đó, về hạ tầng kinh tế - xã hội, dự kiến tập trung đầu tư, hỗ trợ đầu tư 101 công trình hạ tầng động lực, thiết yếu với 26 công trình giao thông, 30 công trình thủy lợi, 15 công trình giáo dục, 6 công trình y tế, 10 công trình văn hóa, 2 công trình chợ thương mại, 12 công trình nước sinh hoạt.

Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh phân bổ vốn ngân sách cho chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi là 715 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ đầu tư hạ tầng là 565 tỷ đồng và đã giải ngân là trên 426,189 tỷ đồng, đạt 75,43% chỉ tiêu kế hoạch giao...

Thông qua các chương trình đã giúp cho người dân vùng đồng bào DTTS nâng cao đời sống, thúc đẩy phát triển KT-XH. Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, năm 2022 mức giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh ước 0,34%, vượt chỉ tiêu kế hoạch 0,23%.