Thủ tướng: "Tăng cường giám sát, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành lớn"

Hoài Thu

(Dân trí) - Một bài học kinh nghiệm trong điều hành, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, là đề cao trách nhiệm cá nhân, tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Quan điểm này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính chất căn cơ, lâu dài, vừa có giải pháp tình thế, theo tinh thần "có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó".

Kinh nghiệm được người đứng đầu chỉ ra là phải luôn bám sát tình hình để phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Thủ tướng: Tăng cường giám sát, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành lớn - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 (Ảnh: Đoàn Bắc).

Đặc biệt, theo Thủ tướng, cần tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu triển khai công việc, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong tháng 5, lãnh đạo Chính phủ lưu ý những nhiệm vụ quan trọng như chuẩn bị hội nghị Trung ương và kỳ họp Quốc hội, các công việc đột xuất như ứng phó với tình hình hạn hán, thiên tai…

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp cho biết, tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Tuy nhiên, đến 23/4, huy động vốn giảm 0,52% so với cuối năm 2023. Trong đó huy động tiền đồng giảm 0,08% và ngoại tệ giảm 6,26%. Đây là chỉ số cho thấy người dân, doanh nghiệp đang giảm gửi tiền vào ngân hàng, và chuyển sang các kênh đầu tư khác hiệu suất sinh lời tốt hơn là gửi tiết kiệm.

Liên quan tới thị trường vàng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết chỉ số giá vàng tháng 4 trong nước tăng 6,95% so với tháng trước và tăng trên 17% so với tháng 12/2023. Mức này cũng tăng 28,62% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân bốn tháng đầu năm, giá vàng trong nước tăng 20,75%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định nền kinh tế đứng trước nhiều áp lực, thách thức lớn về tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô.

Cơ quan này dự báo tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, nhưng sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trước những biến động của tình hình của thế giới, khu vực.

Trong đó, tỷ giá dự báo tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp, tác động đến lạm phát trong nước.

Sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm, cầu tiêu dùng trong nước 4 tháng vẫn tăng
thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019.

Thủ tướng: Tăng cường giám sát, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành lớn - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 (Ảnh: Đoàn Bắc).

Trong khi đó, thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng; quản lý thị trường vàng còn bất cập…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra thực tế tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm, kỷ luật, kỷ cương có lúc có nơi còn chưa nghiêm; việc nắm bắt diễn biến tình hình, phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn chưa thực sự kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.

Nêu ra giải pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh cần thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... 

Đi kèm với đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần kiểm soát chặt chẽ lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách; tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…