1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thu hồi tài sản án tham nhũng, kinh tế bị ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19

Thế Kha

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, đặc biệt ở các địa phương có lượng việc, số tiền lớn như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai,... đã ảnh hưởng tới kết quả thi hành án năm 2021.

Thông tin từ Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho thấy, kết quả thi hành án dân sự năm 2021 không đạt như mong muốn khi tỷ lệ thi hành xong về tiền trong 10 tháng qua có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp trong toàn quốc, đặc biệt là các địa phương có lượng việc, số tiền phải thi hành lớn như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và các tỉnh phía Nam...

Thu hồi tài sản án tham nhũng, kinh tế bị ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19 - 1

Mới đây ông Phan Sào Nam - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty VTC Online (trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng internet) đã có đơn gửi cơ quan thi hành án dân sự xin tự nguyện thi hành án, hứa nộp đủ số tiền trên 13,2 tỷ đồng trước Tết Nguyên đán. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Trong khi đó, dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ về số việc (0,5% tổng số phải thi hành) nhưng số tiền phải thu hồi trong các vụ việc thi hành án về kinh tế, tham nhũng lại rất lớn (chiếm tới 24,5% về tiền so với tổng số phải thi hành). Nhiều vụ việc, tài sản thi hành án có giá trị rất thấp, có vụ việc đương sự phải thi hành hơn 15.000 tỷ đồng nhưng giá trị tài sản để thi hành án thực tế không quá 500 tỷ đồng... hoặc đang có tranh chấp (các giá trị tài sản tranh chấp ước đạt hơn 7.000 tỷ đồng, các đương sự đang khởi kiện để phân chia tài sản chung) hoặc chưa thực hiện được việc xử lý tài sản do dịch bệnh…

Mới đây, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự địa phương thực hiện việc tổ chức thi hành án trong thời gian phòng chống dịch bệnh Covid - 19.

Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải nghiên cứu kỹ, nắm chắc quy định về phòng chống dịch, nhất là những quy định có liên quan trực tiếp đến hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan thi hành án để có giải pháp tổ chức thi hành án đúng quy định của pháp luật.

Rà soát toàn bộ công việc liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ, quá trình tổ chức thi hành từng vụ việc (tiếp công dân, thụ lý, ra quyết định thi hành án, xác minh, đôn đốc thi hành án, cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản, thanh toán tiền...) để thực hiện các thủ tục giải quyết việc thi hành án phù hợp, hiệu quả. Phát huy tối đa việc ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc bằng hình thức trực tuyến hoặc sử dụng dịch vụ bưu chính công ích, cổng dịch vụ công quốc gia..., giảm thiểu các hoạt động tiếp xúc trực tiếp để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.

Đặc biệt, đối với những công việc có thời hạn, thời hiệu, những việc ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của tổ chức, công dân như thẩm định giá, bán đấu giá, cưỡng chế giao tài sản, thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án... thì cơ quan thi hành án dân sự cần căn cứ quy định của pháp luật, yêu cầu phòng chống dịch của cơ quan có thẩm quyền để thực hiện.

Trường hợp có vướng mắc thì chủ động phối hợp với cơ quan kiểm sát, các cơ quan có liên quan báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch, Ban Chỉ đạo Thi hành án của địa phương để thống nhất biện pháp giải quyết. Sau khi trao đổi, phối hợp giải quyết nhưng vẫn còn khó khăn, vướng mắc thì cần khẩn trương lập hồ sơ báo cáo về Tổng cục Thi hành án dân sự để có hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Ngoài việc rà soát, củng cố hồ sơ, tài liệu, cần căn cứ quy định của pháp luật, yêu cầu tổ chức thi hành án, chuẩn bị kỹ các nội dung cần thiết đối với từng vụ việc, khi tình hình phòng chống dịch bệnh cho phép thì tiếp tục thực hiện ngay các hoạt động tác nghiệp chưa được thực hiện, đảm bảo thi hành dứt điểm các vụ việc.