1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Sẽ xây sân bay trực thăng ở Cần Giờ để đón đại gia, tỷ phú...?

Quốc Anh

(Dân trí) - Việc xây dựng sân bay ở huyện Cần Giờ ngoài thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch còn phục vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng cháy chữa cháy…

Ngày 24/3, trao đổi với PV Dân trí, ông Vương Quang Hưng, Trưởng Phòng Quản lý xây dựng giao thông đường bộ Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, đã đề xuất xây dựng sân bay cỡ nhỏ ở huyện Cần Giờ tại cuộc họp lấy ý kiến về quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của khu vực TPHCM.

Sẽ xây sân bay trực thăng ở Cần Giờ để đón đại gia, tỷ phú...? - 1

TPHCM hiện chỉ có sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ cả quân sự và dân sự.

"Việc xây dựng sân bay nhỏ thế giới đã làm nhiều, tốt cho công tác cứu nạn, cứu hộ trong thời đại mới. Huyện Cần Giờ cần có sân bay vì có thế mạnh về khu sinh thái, khu quy hoạch mới nhiều hoạt động thương mại dịch vụ, du lịch. Và chúng ta muốn thu hút khách thì phải thuận lợi về giao thông, trong đó có sân bay", ông Hưng chia sẻ.

Theo đại diện Sở GTVT TP, nếu thấy khó khăn mà không đưa ra thảo luận để nghiên cứu bổ sung quy hoạch thì sau này sẽ thiếu sân bay. Các ý kiến thảo luận sẽ góp phần vào việc nghiên cứu, bổ sung để hoàn thiện mạng lưới giao thông thành phố ngày càng tốt và hiện đại hơn.

Huyện Cần Giờ chỉ cần sân bay đón được chuyên cơ tư nhân, thủy phi cơ, trực thăng của tỷ phú, đại gia; đồng thời, phục vụ phương tiện thực hiện phòng cháy chữa cháy, công tác cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ môi trường…

"Như đi du lịch ở Cần Giờ thì tư nhân có chuyên cơ có thể bay thẳng ra đó sẽ thuận lợi hơn, thay vì phải tới Tân Sơn Nhất rồi di chuyển đường bộ", ông Hưng nói.

Bên cạnh Cần Giờ, ông Hưng cho rằng, TP Thủ Đức là trung tâm khoa học công nghệ cao, huyện Củ Chi trong tương lai phát triển đô thị vệ tinh cũng rất cần sân bay phục vụ cho nhiều hoạt động.

Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông, TS Lương Hoài Nam cũng góp ý tại cuộc họp rằng, huyện Cần Giờ đang phát triển du lịch cao cấp nên phải có sân bay trực thăng. Trong khi đó, TP Thủ Đức hướng tới trung tâm tài chính nên cần nghĩ đến việc bổ sung sân bay trực thăng.

TS Nam cũng cho rằng cần bổ sung quy hoạch các sân bay chuyên dùng. Nhà nước có quy hoạch rồi thì cấp phép cho xây dựng. Sân bay chuyên dùng có ở nhiều nước trên thế giới và ngay ở Trung Quốc trong kế hoạch 5 năm, từ 2015-2020 họ đã xây 2.800 sân bay như thế.

Cũng theo TS Nam, đô thị TPHCM thiếu vắng hoạt động của trực thăng vì không nằm trong quy hoạch, dù thành phố có nhiều tòa nhà có sân đỗ.

Sẽ xây sân bay trực thăng ở Cần Giờ để đón đại gia, tỷ phú...? - 2

Cầu Bình Khánh (qua sông Soài Rạp) với tổng vốn đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng. Cầu dài 2,76km nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ của TPHCM (ảnh: Phạm Nguyễn).

"Hiện nay, sân đậu trực thăng không nằm trong quy hoạch nào cả. Một đô thị hiện đại cần hoạt động trực thăng để chở khách VIP, đại gia, bay cấp cứu, cứu hỏa, phục vụ giao thông…. Do đó cần nghiên cứu đưa vào quy hoạch", ông Nam tiếp tục nêu ý kiến tại một hội nghị về điều chỉnh quy hoạch chung TP mới đây.

Ông cũng dẫn chứng về trường hợp một chủ đầu tư ở Đồng Nai có nhu cầu xây dựng sân bay trực thăng nhưng không thể làm được vì không có trong quy hoạch nên không thể xin phép làm.

"Người ta nhìn thấy nếu khu đô thị có sân trực thăng thì giá trị tăng, nhà dễ bán nhưng không làm được", ông Nam nói.

TS Nam cho rằng không thể hình dung nổi vài chục năm sau mà TPHCM không có sân bay trực thăng. Ông tin rằng chắc chắn sẽ có những phương tiện mới nhưng không quy hoạch thì rất khó thực hiện. Vì vậy, cần tạo hành lang pháp lý, bổ sung quy hoạch để phục vụ phát triển đô thị trong tương lai.

Theo ông Nam, tương lai đô thị TPHCM nên phát triển theo hướng của một số đô thị hiện đại khu châu Á như ở Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan… Đó là đô thị cao tầng dựa trên giao thông công cộng. Và trên thế giới hiếm có trung tâm tài chính nào mà lại không có sân bay trực thăng.