PhotoStory

Gặp nhiều bất cập, đường Nguyễn Trãi có thông thoáng hơn sau khi phân làn?

Thực hiện: Quân Đỗ - Hữu Nghị - Minh Hoàng

(Dân trí) - Nhiều người dân và lái xe cho rằng việc phân làn giao thông đường Nguyễn Trãi bằng dải phân cách cứng là chưa phù hợp do tuyến đường này có quá nhiều ngã rẽ và điểm quay đầu gây xung đột giao thông.

Vướng hơn 20 ngã rẽ và 3 điểm quay đầu, phân làn đường Nguyễn Trãi có thuận lợi? (Video: Minh Hoàng).

Gặp nhiều bất cập, đường Nguyễn Trãi có thông thoáng hơn sau khi phân làn? - 1

Ghi nhận đường Nguyễn Trãi trong khung giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều (các ngày từ Thứ 2 đến Thứ 6), tại đây thường xuyên có lực lượng chức năng hỗ trợ phân làn, nhắc nhở lái xe đi đúng phần đường quy định. Tuy nhiên, hoạt động này chủ yếu diễn ra tại các dải phân cách cứng đầu tiên từ 2 hướng di chuyển.

Gặp nhiều bất cập, đường Nguyễn Trãi có thông thoáng hơn sau khi phân làn? - 2

Tại các dải phân cách tiếp theo hoặc trong các khung giờ thấp điểm vắng bóng lực lượng chức năng, ghi nhận có hàng nghìn phương tiện đã không đi theo biển báo phân làn. Một số thời điểm, lượng phương tiện đi sai làn nhiều hơn phương tiện đi đúng làn.

Gặp nhiều bất cập, đường Nguyễn Trãi có thông thoáng hơn sau khi phân làn? - 3

Nhiều lái xe chia sẻ việc đặt dải phân cách quá sát các điểm quay đầu xe hoặc rẽ vào ngõ buộc họ phải chuyển làn sai với quy định trước khi rẽ trái hoặc rẽ phải. Trên 2km đường Nguyễn Trãi mới thí điểm phân làn có 3 điểm quay đầu xe, dòng phương tiện cũng thường xuyên bị ùn ứ tại đây.

Gặp nhiều bất cập, đường Nguyễn Trãi có thông thoáng hơn sau khi phân làn? - 4

Đường Nguyễn Trãi từ khu vực cầu Mới (Ngã Tư Sở) tới hầm chui Thanh Xuân có tới hơn 20 điểm giao cắt với đường, phố và ngõ nhỏ. Đặc biệt, các làn phương tiện ôtô xe máy thường xuyên xung đột gây ùn  tại điểm giao cắt với 2 đường lớn là Vũ Trọng Phụng và đường Nguyễn Tuân.

Gặp nhiều bất cập, đường Nguyễn Trãi có thông thoáng hơn sau khi phân làn? - 5

Ôtô trong đường Vũ Trọng Phụng rẽ ra cố gắng di chuyển ra làn ngoài đường Nguyễn Trãi, phần nào cản trở dòng phương tiện xe máy và xe buýt đi thẳng ở làn trong. Một số ôtô bị nhiều xe máy ép sát vỉa hè, chưa kịp chuyển ra làn ngoài trước khi tới dải phân cách cứng đành tiếp tục di chuyển ở làn xe máy.

Gặp nhiều bất cập, đường Nguyễn Trãi có thông thoáng hơn sau khi phân làn? - 6

"Nhiều dải phân cách kéo dài tới sát đầu ngõ phố, ôtô đi làn ngoài muốn rẽ vào rất khó khăn khi phải cắt ngang làn xe buýt và xe máy. Thậm chí khi muốn vào nhà mặt đường mà xe chưa kịp xi nhan chuyển vào làn trong, bị đi quá đoạn dải phân cách chỉ vài mét thôi thì bắt buộc phải vòng lại cả cây số chứ làm sao lùi xe giữa đường được", một lái xe ôtô chia sẻ.

Gặp nhiều bất cập, đường Nguyễn Trãi có thông thoáng hơn sau khi phân làn? - 7

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng làn phương tiện cho xe máy và xe buýt quá nhỏ hẹp với 2 làn đường, trong khi đó làn phương tiện cho ôtô tới 4 làn xe là không hợp lý và mất cân đối.

"Chưa kể vào khung giờ tan tầm, xe thu gom rác vừa lớn lại di chuyển rất chậm, dừng đỗ liên tục để gom rác ở làn đường bên trong gây ách tắc, khó chịu cho người đi xe máy", anh Quân - một người điều khiển xe máy trên đường Nguyễn Trãi - nói.

Gặp nhiều bất cập, đường Nguyễn Trãi có thông thoáng hơn sau khi phân làn? - 8

Xe buýt có kích thước lớn, thường xuyên tạt vào trạm bên đường để đón trả khách rồi lại tạt ra gây không ít khó khăn cho phương tiện xe máy lưu thông cùng làn. Đặc biệt trong khung giờ đi làm và tan tầm, 5-7 chiếc xe buýt nối đuôi nhau chật cứng làn xe máy buộc các phương tiện thô sơ phải tránh ra làn ôtô để di chuyển.

Gặp nhiều bất cập, đường Nguyễn Trãi có thông thoáng hơn sau khi phân làn? - 9

Trước khi lên cầu vượt Ngã Tư Sở, một số xe buýt hướng đi Tây Sơn "đánh võng" bất đắc dĩ từ làn trong ra ngoài gây cản trở toàn bộ các phương tiện giao thông khác. 

Gặp nhiều bất cập, đường Nguyễn Trãi có thông thoáng hơn sau khi phân làn? - 10
Gặp nhiều bất cập, đường Nguyễn Trãi có thông thoáng hơn sau khi phân làn? - 11

Tuy gặp nhiều bất cập, giao thông trên đường Nguyễn Trãi được ghi nhận trong 20 ngày thí điểm vừa qua có thông thoáng hơn trước, đặc biệt là phần vỉa hè dành cho người đi bộ đã hạn chế tối đa cảnh xe máy leo lên để tránh ùn ứ. 

Trước đó, đoạn đường Nguyễn Trãi (đối diện Royal City hướng lên cầu vượt Ngã Tư Sở) thường xuyên xảy ra ùn tắc, ôtô dàn hàng chật kín 5-6 làn xe khiến xe máy phải "điền chỗ trống" xen kẽ các làn ôtô hoặc tràn lên vỉa hè để di chuyển.

Gặp nhiều bất cập, đường Nguyễn Trãi có thông thoáng hơn sau khi phân làn? - 12

Nay vỉa hè đường Nguyễn Trãi đã thông thoáng hơn kể cả trong giờ cao điểm. Người dân yên tâm tản bộ tập thể dục, đón con mà không lo tránh xe máy.

Trải nghiệm thực tế 2km đường Nguyễn Trãi mới phân làn trong 3 khung giờ khác (Video: Minh Hoàng - Hải Yến - Minh Tâm).

Phóng viên của Dân trí đã trải nghiệm thực tế và ghi hình việc đi xe máy 2km đường Nguyễn Trãi mới được phân làn trong 3 khung giờ khác nhau (trừ Thứ 7 và Chủ nhật). Kết quả thu được: PV mất chưa đến 4 phút di chuyển trong khung giờ thấp điểm 10h sáng, tốc độ trung bình khoảng 30km/h; Khung giờ đi làm 7h30 sáng mất hơn 6 phút 20 giây hoàn thành, tương đương tốc độ trung bình khoảng  21,5km/h; Khung giờ tan tầm 18h30 di chuyển lâu nhất mất gần 8 phút, tốc độ trung bình khoảng 15km/h.

Gặp nhiều bất cập, đường Nguyễn Trãi có thông thoáng hơn sau khi phân làn? - 13

Riêng hai "nút cổ chai" Ngã Tư Sở và Nguyễn Xiển - hầm chui Thanh Xuân, tình trạng ùn tắc không thay đổi nhiều so với trước đây. 

Cục Cảnh sát Giao Thông - Bộ Công An phối hợp với Báo điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tổ chức Lễ phát động Chương trình Sáng kiến An toàn Giao thông Việt Nam năm 2022. 

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Năm An toàn giao thông 2022 với mục tiêu huy động sức mạnh trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân nhằm đưa ra các giải pháp giải quyết thực trạng giao thông đường bộ Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT).

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022 gồm 03 hoạt động chính:

1. Khảo sát, lấy ý kiến người tham gia giao thông

Mỗi người dân góp một tiếng nói phản ánh về thực trạng tình hình giao thông hiện nay. Qua đó, các Cơ quan quản lý Nhà nước về TTATGT có thể hiểu được những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của người tham gia giao thông để có những giải pháp thực tế, cải thiện tình hình giao thông mỗi ngày.

2. Cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022

Cuộc thi là hoạt động trọng tâm của Chương trình, được tổ chức 02 năm một lần trên quy mô toàn quốc. Năm 2022 tập trung vào chủ đề giảm thiểu ùn tắc giao thông và hạn chế vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.

3. Tổ chức Tọa đàm

Các buổi tọa đàm trao đổi, thảo luận, tham khảo ý kiến chuyên gia, tập trung hoàn thiện và phát triển các ý tưởng, giải pháp trong Cuộc thi có tính ứng dụng cao được áp dụng vào thực tiễn.

Để biết thêm thông tin chi tiết về Chương trình cũng như thể lệ tham gia Cuộc thi, vui lòng truy cập website của chương trình tại https://sangkienatgt.dantri.com.vn