Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

"Đầu tư thỏa đáng để mức sống tối thiểu của người dân tăng dần"

Thế Kha

(Dân trí) - "Giai đoạn 2021-2025 cần đầu tư thỏa đáng để mức sống tối thiểu của người dân tăng dần, gắn với mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân".

Sáng 27/7, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 báo cáo, làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đầu tư thỏa đáng để mức sống tối thiểu của người dân tăng dần - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (Ảnh: Quốc Chính).

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân, công tác giảm nghèo đã đạt được những thành tựu nổi bật. Chính sách pháp luật ngày càng hoàn thiện, ngân sách nhà nước huy động nguồn lực xã hội ngày càng tăng, ý chí vươn lên của người dân được nâng lên và các tấm gương thoát nghèo ngày càng nhiều.

"Chúng ta đi từ chỗ ngân sách Nhà nước phải đảm bảo hoàn toàn để triển khai giảm nghèo sang Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt; người dân, hộ nghèo là chủ thể. Đây là những bước đi rất dài về tư duy nhận thức, hành động của Việt Nam trong công cuộc chống đói nghèo. Chúng ta đã sớm hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới"- ông Dung thông tin.

Cần đầu tư thỏa đáng

Theo ông, giai đoạn 2021-2025 chúng ta đặt ra mục tiêu, yêu cầu cao hơn là giảm nghèo đa chiều nhưng thực chất và bền vững: Giảm bình quân 1-1,5% trong năm, trong khi đó chuẩn nghèo nâng lên, 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng lên 2 triệu đồng ở khu vực thành thị. Điều đó dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở đầu kỳ sẽ tăng rất cao.

Tiêu chí về thu nhập, về thiếu hụt tăng cả về số lượng và chất lượng, nhiều nội dung thiếu hụt bảo đảm phải có nguồn lực lớn như tái định cư, xóa nhà tạm, chống suy dinh dưỡng trẻ em, hạn chế trẻ em có thể trạng thấp còi,… Vì vậy, giai đoạn 2021-2025 cần đầu tư thỏa đáng để mức sống tối thiểu của người dân tăng dần, gắn với mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.

"Giai đoạn này chúng ta phải lo vừa giảm tỷ lệ, đồng thời phải quan tâm hơn giảm hộ nghèo một cách thực chất và bền vững. Giảm nghèo bao trùm có nghĩa là phải xóa bỏ đói nghèo cho tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều thiếu hụt"- Bộ trưởng cho hay.

Đầu tư thỏa đáng để mức sống tối thiểu của người dân tăng dần - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo, làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm (Ảnh: Quốc Chính).

Về xử lý trùng lặp giữa 3 chương trình quốc gia, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định Chương trình quốc gia về giảm nghèo có đối tượng và địa bàn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc, trong đó bao gồm cả những đối tượng nghèo mới phát sinh vì các lý do khác nhau, kể cả ảnh hưởng do Covid-19. Đối tượng nghèo cả ở nông thôn và thành thị, chú trọng địa bàn còn nhiều khó khăn.

Trong khi đó phạm vi của Chương trình nông thôn mới là địa bàn ở nông thôn, các huyện xã. Hai chương trình này trong giai đoạn 2016-2020 đã chạy song song, các nội dung tương đối tách bạch.

Còn chương trình phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, về cơ bản có thể hiểu là tách một phần đối tượng của địa bàn từ Chương trình giảm nghèo hiện nay; phạm vi tập trung cho các địa bàn đặc biệt khó khăn trong vùng dân tộc thiểu số, miền núi. 

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Chính phủ sẽ chỉ đạo các chương trình, đề xuất ban hành các tiêu chí xác định cụ thể đối tượng, địa bàn, chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm hạn chế cao nhất sự trùng lặp, giao thoa; đồng thời đề xuất các cơ chế lồng ghép tích hợp các nguồn lực đem lại hiệu quả cao nhất trong đầu tư.

Về tách các hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo trong các chương trình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, hiện nay có khoảng 160.000 hộ với 608.000 người. Theo chuẩn mới thì có ước có khoảng 400.000 hộ với 1,5 triệu người. Vì vậy Chính phủ sẽ nghiên cứu tiếp tục cân nhắc thời điểm, cách tiến hành để vừa đạt mục tiêu như đại biểu Quốc hội nêu, vừa đảm bảo khả năng cân đối ngân sách.

Ông khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội khi hoàn thiện chương trình. "Chính phủ xin trình Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 làm căn cứ để Chính phủ xem xét, chỉ đạo xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi và chỉ đạo tổ chức thực hiện theo đúng quy định pháp luật, có hiệu quả"- ông Dung nói.

Giúp đỡ thiết thực và có hiệu quả đối với người có công

Thảo luận tại hội trường sáng 27/7, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành cao với quá trình chuẩn bị tích cực của Chính phủ và các bộ ngành.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng giai đoạn 2016 - 2020 đã đánh dấu một bước chuyển mới trong tiếp cận giảm nghèo, đó là tiếp cận theo phương pháp đo lường nghèo đa chiều (chỉ khoảng 30 quốc gia trên thế giới triển khai theo cách này).

"Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia, tôi tha thiết mong Chính phủ và các Bộ, ngành khẩn trương xây dựng báo cáo khả thi, hoàn thiện các dự án và ban hành các văn bản chính thức để thực chương trình, hướng dẫn rõ ràng các cơ chế quản lý, điều hành, phối hợp, lồng ghép (bao gồm cả về nguồn lực), định mức tài chính… theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ đã nêu"- bà Hiền đề xuất.

Theo bà Hiền, kể từ năm 2022 sẽ chính thức áp dụng chuẩn nghèo mới, nâng mức cả về thu nhập và các chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội (y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh...) do đó chắc chắn tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng cao khi áp dụng chuẩn nghèo mới và đòi hỏi rất lớn về nguồn lực, nhân lực, sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương, nhất là các nơi mà hiện nay đang là lõi nghèo. Chính vì vậy, việc bố trí nguồn lực cần tính toán cho khả thi và đã đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu thì cố gắng bố trí đủ nguồn lực.

Đồng tình với chủ trương đầu tư của Chương trình giảm nghèo, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) đề nghị thực hiện tốt hơn nữa các chính sách ưu đãi, giúp đỡ thiết thực và có hiệu quả đối với người có công để thực hiện bằng được mục tiêu "các gia đình có công với nước đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư" như lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nói.

Tổng nguồn vốn đề xuất thực hiện chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là 75.000 tỷ đồng. Chương trình được kết cấu với 6 dự án (11 tiểu dự án).

Cơ quan chủ trì quản lý chương trình là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Chương trình thực hiện trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung đầu tư cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; khuyến khích các địa phương vận dụng các cơ chế, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đặc thù áp dụng cho các đối tượng trên địa bàn bằng nguồn lực của địa phương và huy động hợp pháp khác.