Chiến thắng 30/4/1975 có sự đóng góp rất lớn của quân và dân Sài Gòn

(Dân trí) - Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã chuẩn bị lực lượng, tạo thế trận, tạo địa bàn và phối hợp với các binh đoàn chủ lực để giành toàn thắng trong ngày 30/4/1975.

Ngày 8/7, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam và Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Chiến thắng 30/4/1975 - Đỉnh cao sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”.

Tham dự hội thảo có Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và gần 200 nhà nghiên cứu, tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử…

Chiến thắng 30/4/1975 có sự đóng góp rất lớn của quân và dân Sài Gòn - 1
Hội thảo có sự tham gia của gần 200 nhà nghiên cứu, tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử…

Báo cáo đề dẫn hội thảo, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM nhấn mạnh: “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mãi là mốc son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; là kết quả của sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, phát huy cao độ sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh mục tiêu của hội thảo là “làm sâu sắc hơn những nhân tố quan trọng đã làm nên thắng lợi lịch sử này; khẳng định vị trí, vai trò của Chiến thắng 30/4 trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc”.

Theo Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Chiến dịch Hồ Chí Minh là thắng lợi vĩ đại nhất, trọn vẹn nhất, kết thúc 21 năm kháng chiến gian khổ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng 30/4/1975 có sự đóng góp rất lớn của quân và dân Sài Gòn - 2

Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

Tại hội thảo, đại diện các quân đoàn từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh đã báo cáo về hành trình của từng đơn vị, cách hiệp đồng tác chiến của quân đoàn mình trong chiến dịch cho đến khi kết thúc bằng việc chiếm lĩnh mục tiêu đề ra, khống chế toàn bộ Sài Gòn trong ngày 30/4/1975.

Thiếu tướng Trần Quốc Thái, Phó Giám đốc Học viện Lục quân cũng có bài báo cáo về “Nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng trong chiến dịch Hồ Chí Minh”; Thiếu tướng Du Trường Giang có bài tham luận về “Công tác tham mưu tác chiến trong Chiến dịch Hồ Chí Minh”; Đại tá Nguyễn Huy Thục báo cáo về “Vai trò của lực lượng đặc công biệt động trong trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn – Gia Định”,…

Tại hội thảo, các đại biểu còn được nghe nhiều bài tham luận đánh giá vai trò của Đảng bộ, quân và dân Sài Gòn - Gia Định trong chiến dịch lịch sử này. Trong phần phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh sự đóng góp rất lớn của Đảng bộ, quân và dân Sài Gòn vào chiến thắng lịch sử 30/4/1975.

Ông nói: “Nơi đây là chiến trường trọng điểm của miền Nam, là sào huyệt đầu não bộ máy chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai. Đảng bộ, quân và dân Sài Gòn – Gia Định đã hoà mình cùng miền Nam và cả nước trong suốt cuộc kháng chiến…”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM cũng đánh giá: “Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, quân và dân Sài Gòn – Gia Định đã góp phần chuẩn bị lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, tạo thế trận, tạo địa bàn và phối hợp với các binh đoàn chủ lực giành toàn thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn, giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc Việt Nam”.

Chiến thắng 30/4/1975 có sự đóng góp rất lớn của quân và dân Sài Gòn - 3

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM nhắc về đóng góp của quân và dân Sài Gòn - Gia Định trong chiến thắng 30/4/1975

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TPHCM, một lãnh đạo Thành đoàn Sài Gòn – Gia Định hoạt động bí mật tại Sài Gòn trước 1975 báo cáo tham luận “Thành Đoàn từ tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đến xung kích xây dựng TPHCM”; bà Lâm Thị Ngọc Hoa – Phó chủ tịch thường trực Hội liên hiệp Phụ nữ TPHCM trình bày tham luận “Phụ nữ Sài Gòn – Gia Định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh”; bà Nguyễn Thị Thanh Thuý – Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao TPHCM báo cáo về công tác “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích Chiến thắng 30/4/1975”…

Chiến thắng 30/4/1975 có sự đóng góp rất lớn của quân và dân Sài Gòn - 4
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

Phát biểu kết thúc hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết: hội thảo đã nhận được hơn 80 tham luận, tựu trung lại làm rõ 4 nội dung chính.

Thứ nhất, các tham luận đều đánh giá Chiến thắng 30/4/1975 là kết quả tất yếu của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hai là, Chiến thắng 30/4/1975 là đỉnh cao sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Ba là, Chiến thắng 30/4/1975 là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Bốn là, Chiến thắng 30/4/1975 mang tầm vóc lịch sử và giá trị thời đại to lớn, để lại nhiều bài học có giá trị sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Tùng Nguyên